Mục đích của vụ ám sát ông Fakhrizadeh
Iran cáo buộc Israel đang tìm cách gieo rắc sự hỗn loạn bằng việc ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh, 59 tuổi, nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng của Iran. Một số chuyên gia suy đoán lực lượng tình báo Mossad của Israel có thể đã được trao quyền nhắm mục tiêu vào các nhà khoa học hàng đầu của Iran.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ lâu xác định Iran là mối đe dọa hiện hữu của Israel và coi nhà khoa học bị ám sát Mohsen Fakhrizadeh, là “kẻ thù số 1 của quốc gia”, có khả năng chế tạo vũ khí đe dọa đất nước hơn 8 triệu dân này chỉ bằng một vụ nổ. Bên cạnh đó ông Netanyahu cũng là người phản đối mạnh mẽ thỏa thuật hạt nhân Iran.
“Không nên quay trở lại thỏa thuận hạt nhân trước đó. Chúng ta phải theo đuổi chính sách không khoan nhượng để đảm bảo rằng Iran không phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Netanyahu cho biết trong một bài phát biểu ngay sau khi truyền thông Mỹ thông báo ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ.
Theo Reuters, dù không trực tiếp nhắc đến ông Biden, nhưng bình luận của ông Netanyahu đã được truyền thông Israel giải thích rộng rãi như một thông điệp gửi tới tổng thống kế nhiệm của Mỹ. Ông Netanyahu là một người phản đối mạnh mẽ thỏa thuận năm 2015, từng gọi đó là một “thỏa thuận rất tồi tệ” trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi cùng năm.
Thủ tướng Netanyahu cho rằng, Iran đang thực hiện chương trình chế tạo vũ khí bí mật dưới sự chỉ đạo của ông Fakhrizadeh và công việc này thậm chí sẽ được đẩy mạnh sau năm 2030 khi những điều khoản hạn chế khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Iran trong thỏa thuận hạt nhân hết liệu lực. Đối với những người phản đối thỏa thuận, thì đây chính là một “lỗ hổng chết người”.
Mark Fitzpatrick, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét trên Twitter: “Lý do ám sát ông Fakhrizadeh không phải để cản trở năng lực chiến tranh của Iran mà là để cản trở hoạt động ngoại giao”. Cùng chung quan điểm này, Ben Rhodes, cựu cố vấn của ông Obama cho “đây là một hành động thái quá nhằm phá hoại quan hệ ngoại giao giữa một chính quyền kế nhiệm của Mỹ và Iran”. "Đã đến lúc sự leo thang căng thẳng này phải dừng lại”, ông Ben Rhodes nhấn mạnh.
Ông Biden rơi vào thế khó
Bất kể động cơ là gì thì bài toán khó của ông Biden là giải quyết thách thức này trong vòng 7 tuần. Câu hỏi đặt ra là liệu kế hoạch mà ông phác thảo, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính quyền ông Trump đã áp đặt với Iran trong 2 năm qua nếu Tehran tuân thủ trở lại các điều khoản hạt nhân năm 2015, có bị phá vỡ sau vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh hay không. Câu trả lời phần lớn nằm ở phản ứng của Iran trong một vài tuần tới.
Kể từ đầu năm đến nay, Iran đã chứng kiến 3 cuộc tấn công lớn, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với quốc gia này. Đầu tiên là vụ ám sát Tướng Qassim Soleimani – chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ông Qassim Soleimani đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Iraq – nơi mà chính quyền Donald Trump cáo buộc ông đang lên kế hoạch tấn công vào các lực lượng Mỹ.
Hồi đầu tháng 7/2020, một vụ nổ bí ẩn đã xảy ra tại trung tâm nghiên cứu và phát triển máy ly tâm ở Natanz của Iran, nằm cách vài trăm mét với trung tâm sản xuất nhiên liệu hạt nhân dưới lòng đất từng bị tấn công mạng cách đây hơn 1 thập kỷ.
Hiện giờ là vụ ám sát ông Fakhrizadeh – người được mệnh danh là “cha đẻ chương trình hạt nhân Iran”, có thể sánh ngang với Robert Oppenheimer - nhà vật lý người Mỹ đứng đằng sau nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân ở Mỹ vào những năm 1940.
Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri mô tả vụ sát hại ông Fakhrizadeh là “một đòn giáng nặng nề và nghiêm trọng đối với hệ thống phòng thủ của Iran”, đồng thời tuyên bố nước này sẽ có “đòn trả đũa nghiêm trọng”. Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng, Thiếu tướng Hossein Salami, cho biết "vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran là một cuộc chiến đầy bạo lực nhằm chống lại khả năng đạt được các thành tựu khoa học hiện đại” của quốc gia này.
Nếu Iran kiềm chế, thì động thái táo bạo của các lực lượng đối đầu với Iran nhằm loại bỏ chương trình hạt nhân của nước này sẽ có kết quả. Nếu Iran trả đũa thì điều này sẽ tạo cho ông Trump có cơ hội tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn trước khi ông rời Nhà Trắng vào tháng 1/2021. Và sau khi lên nắm quyền, ông Joe Biden sẽ phải đối mặt với những vấn đề hóc búa hơn nhiều so với một thỏa thuận hạt nhân đã bị đổ vỡ.
Cả hai lựa chọn này dường như đều làm hài lòng nhóm phụ trách chính sách đối ngoại của ông Trump – vốn đang tìm mọi cách ngăn cản các nỗ lực đảo ngược chính sách với Iran mà ông Trump đã theo đuổi suốt 4 năm qua.
Ông Robert Malley, người đứng đầu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, từng là nhà đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nhận xét: “Mục tiêu của chính quyền ông Trump rất rõ ràng. Kế hoạch của họ là tận dụng khoảng thời gian còn lại trước khi kết thúc nhiệm kỳ để củng cố di sản ngoại giao, khiến người kế nhiệm gặp khó khăn hơn trong việc nối lại hoạt động ngoại giao với Iran và tái tham gia thỏa thuận hạt nhân”.
Theo chuyên gia này, Iran có thể chưa vội đưa ra phản ứng vì họ vẫn muốn chờ cho đến khi ông Biden chính thức nhậm chức tổng thống. Trước đó, ông Biden và Antony J. Blinken – người được ông chọn là ngoại trưởng trong chính quyền mới tuyên bố rõ ràng, việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump đã xé bỏ vào năm 2018 là một trong những mục tiêu hàng đầu của họ tại Trung Đông.
Nhưng Jake Sullivan – nhân vật được đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia mới cho biết trong một sự kiện tại Đại học Minnesota ngày 25/11 rằng “điều này thực sự phụ thuộc vào Iran”.
“Nếu Iran quay trở lại tuân thủ các nghĩa vụ của nước này và sẵn sàng thúc đẩy những cuộc đàm phán thiện chí về các thỏa thuận tiếp theo, ông Biden cũng sẽ làm điều tương tự”, Jake Sullivan nói.
Nguy cơ châm ngòi xung đột ở Trung Đông
Trước khi xảy ra vụ ám sát, nhiều bằng chứng cho thấy Iran luôn tránh những hành động gây leo thang căng thẳng với Mỹ vốn có thể khiến ông Trump lấy đó làm cái cớ để tấn công trước khi ông rời nhiệm sở. Các nhà lãnh đạo của Iran hết sức thận trọng để tránh những rủi ro có thể làm tan biến hy vọng được dỡ bỏ lệnh trừng phạt và khôi phục thỏa thuận hạt nhân khi chính phủ mới của Mỹ tiếp quản quyền lực.
Còn nhớ ngay sau vụ ám sát Tướng Soleimani, đã có một cuộc tấn công chớp nhoáng bằng tên lửa vào một căn cứ của Mỹ, nhưng không gây bất cứ thiệt hại nào về người. Iran cũng không có phản ứng mạnh đối với vụ nổ ở Natanz, ngoài việc lắp đặt một số máy ly tâm tiên tiến để chứng minh rằng chương trình hạt nhân của nước này luôn được thúc đẩy một cách chậm rãi và được tính toán kỹ lưỡng. Các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq, được cho là do lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn thực hiện, đã giảm bớt trong những tuần gần đây.
Tuy vậy, những nhân vật có quan điểm cứng rắn tại Iran đang tỏ ra giận dữ và một số chuyên gia lo ngại, việc nước này mất đi tướng Soleimani – một trong những nhân vật quyền lực nhất của Iran và Fakhrizadeh – nhà khoa học hạt nhân có tầm ảnh hưởng lớn, là quá nhiều. Ben Friedman, một chuyên gia quốc phòng tại Đại học George Washington đánh giá, vụ sát hại là "một hành động chống lại các lợi ích và ngoại giao của Mỹ và giúp củng cố lập trường của những nhân vật theo đường lối cứng rắn tại Iran – những người muốn phát triển vũ khí hạt nhân”.
Sức ép gia tăng về việc cần phải hành động đáp trả có thể khiến Iran không chờ được cho đến khi ông Biden chính thức nhậm chức. Đó là những gì mà Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Trump đang đặt cược. Dẫu vậy, bất cứ sự trả đũa nào cũng có thể dẫn đến hành động quân sự từ phía Mỹ - giống như điều ông Trump từng dự tính cách đây hai tuần khi xuất hiện tin tức mới về việc Iran tiếp tục sản xuất nhiên liệu hạt nhân vượt quá giới hạn cho phép của thỏa thuận năm 2015.
Các quan chức quân sự của Mỹ ngày 28/11 cho biết, họ đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của lực lượng an ninh Iran sau khi quốc gia này cam kết trả đũa cho cái chết của nhà khoa học Fakhrizadeh. Nhưng đến thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa phát hiện bất cứ hoạt động bất thường nào từ phía Iran. Giới chức Mỹ cũng từ chối cho biết liệu Mỹ có gia tăng cảnh báo hay thực hiện các biện pháp bổ sung để bảo vệ các lực lượng Mỹ ở Trung Đông hay không, đồng thời lưu ý rằng hơn 40.000 binh sỹ trong khu vực đã được đặt trong tình trạng báo động cao.
R. Nicholas Burns, cựu ngoại trưởng và là nhà đàm phán hạt nhân dưới thời Tổng thống George W. Bush nhận xét: “Chúng ta không nên loại trừ việc sử dụng vũ lực, nhưng những cuộc tấn công quân sự sẽ không khiến Iran chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân”.
Ông Burn – giảng viên tại Trường Harvard Kennedy cho biết: “Mục tiêu của Mỹ là đóng cửa chương trình hạt nhân Iran trong nhiều thập kỷ tới. Để thực hiện điều đó, Mỹ cần phải có những giải pháp ngoại giao cứng rắn hơn và có những lựa chọn hiệu quả hơn thay vì thực hiện một cuộc tấn công quân sự có thể gây ra cuộc chiến quy mô lớn tại Trung Đông”./.