Những ngày đầu năm mới 2015 vừa qua, bên cạnh bóng đen khủng bố bao trùm, một thông tin không vui đến với kinh tế Pháp là việc nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị một nền kinh tế khác nằm ngoài khu vực là Anh chiếm mất vị trí cường quốc kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Từ vài năm gần đây, thứ tự 5 cường quốc kinh tế giữ vị trí đứng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức và Pháp. Tuy nhiên, số liệu mới công bố của Ủy ban châu Âu (EC) đầu năm nay lại cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới là nước Anh đã hoán đổi vị trí cho nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là Pháp.
Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp trong năm 2014 chỉ đạt 2.134 tỷ euro, kém hơn so với GDP của Anh là 98 tỷ euro. Năm 2014 nền kinh tế của Xứ sở sương mù cũng có bước tiến ngoạn mục, khi năm 2013, GDP của Anh vẫn còn thấp hơn của Pháp là 97 tỷ euro.
Kinh tế Anh tăng trưởng ngoạn mục
Giải thích cho sự bứt phá của nền kinh tế Anh, nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính nêu ra hai nguyên nhân chủ chốt. Thứ nhất, đó là mức tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Anh 3% trong khi đó nền kinh tế Pháp chỉ lẹt đẹt ở mức 0,3% trong năm 2014.
Với mức tăng trưởng này, chuyên gia nghiên cứu Sylvie Matelly của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) cho rằng Anh được đánh giá là đã hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng. Cũng theo bà Sylvie Matelly, khu vực tài chính - yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Anh vốn trước đây đã đẩy quốc đảo này lún sâu vào khủng hoảng tài chính hơn Pháp và các nước châu Âu khác, thì trong năm 2014 đã phục hồi ổn định.
Tác động từ sự sụt giảm của đồng euro
Thứ hai, sự sụt giảm kỷ lục của đồng euro so với đồng USD là nguyên nhân khiến Pháp – nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu – phải chịu nhiều thiệt hại, trong khi Anh lại tránh được nhiều tác động tiêu cực do nằm ngoài khu vực này. Đặc biệt, việc lực lượng trung tả ở Hy Lạp đe dọa nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 25/1 tới thì sẽ ra khỏi khu vực đồng tiền chung, thay đổi các chính sách mà khu vực đồng euro áp đặt cho quốc gia này. Một loạt các nền kinh tế bị khủng hoảng trong khu vực đồng euro khiến lòng tin vào đồng tiền này sụt giảm và Pháp – một trong hai đầu tàu của khu vực cùng Đức – phải gánh chịu nhiều tác động.
Nhiều lần giới chức Pháp cũng muốn thay đổi phương pháp giải quyết khủng hoảng, từ các biện pháp thắt chặt ngân sách sang kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, những ràng buộc về liên kết chính sách với khu vực đã chưa cho Pháp cơ hội để tạo những thay đổi bước ngoặt cho nền kinh tế của mình.
Trong khi đó, theo bà Sylvie Matelly, thay vì việc buộc phải tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng để thoát khỏi khủng hoảng, chính phủ Anh lại chọn giải pháp kích thích tăng trưởng. Các yếu tố này hợp lại đã đưa nước Anh có sự bứt phá ngoạn mục để vượt qua Pháp giữ vị trí cường quốc kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Thị trường lao động của Anh linh hoạt
Cũng theo chuyên gia tại viện IRIS này, yếu tố thứ ba đáng chú ý là thị trường lao động của Anh có độ linh hoạt hơn, khi đã được các đời Thủ tướng Anh từ Margaret Thatcher đến Tony Blair liên tục cải cách. Chính mức độ linh hoạt của thị trường lao động đã giúp Anh giảm tỷ lệ thất nghiệp, từ đó mức thu nhập của người dân Anh được giữ ổn định và sức mua của thị trường được phục hồi mạnh mẽ trong năm 2014.
Chỉ là tạm thời?
Tuy nhiên, bà Sylvie Matelly cũng như nhiều chuyên gia cho rằng việc nền kinh tế Anh vượt qua Pháp giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới sẽ chỉ là tạm thời, vì nếu chỉ dựa vào chỉ số tăng trưởng GDP để so sánh thì khó chuẩn xác.
Để có thể có những đánh giá và xếp loại đúng, các chuyên gia còn cần phải dựa vào nhiều tiêu chí cũng như chỉ số kinh tế khác nữa như quy mô và sức mua của nền kinh tế...
Và như vậy, nếu trong năm 2015, Pháp có thể lấy lại đà tăng trưởng của mình, thì vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có thể sẽ sớm quay trở lại với nước này./.