Công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không được tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump ngày 26/9 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận nước này.

trump_clinton_lygv.jpg
Người dân Trung Quốc chăm chú theo dõi diễn biến cuộc đối đầu trực tiếp giữa ông Trump và bà Clinton. (Ảnh: AP)

Tranh luận Clinton – Trump: Nóng đề tài Trung Quốc

Có nhiều lý do để cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Clinton trở thành đề tài nóng ở Trung Quốc. Trước tiên là vì Trung Quốc đã trở thành trung tâm trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, đặc biệt là từ phía ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Tỷ phú Trump cáo buộc Trung Quốc đã đánh cắp công ăn việc làm của người dân Mỹ, phá giá đồng Nhân dân tệ để tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời chỉ trích các cuộc tấn công mạng do Chính phủ Trung Quốc bảo trợ.

“Hãy nhìn những gì Trung Quốc đang làm đối với đất nước chúng ta. Họ đang sử dụng nước Mỹ như một ‘con heo đất’ để xây dựng lại Trung Quốc”, ông Trump nói trong cuộc tranh luận trực tiếp hôm 26/9.

Tỷ phú Trump cũng hối thúc Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế Triều Tiên – nước đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân trong năm nay. Ông đề cập đến sự tương phản trong hình ảnh cơ sở hạ tầng của Mỹ và Trung Quốc thời điểm hiện tại.

Hình ảnh một Trung Quốc với những sân bay mới hào nhoáng đã biến hình ảnh của Mỹ thành “một nước thuộc thế giới thứ ba”. Phản bác lại nhận xét của ông Trump, bà Clinton nói rằng, trong suốt thời gian bà làm Ngoại trưởng, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng 50%.

Trong cuộc tranh luận, bà Clinton cũng cáo buộc, ông Trump từng cho rằng, biến đổi khí hậu là “một trò lựa bịp do Trung Quốc tạo ra”. Trong một tweet hồi năm 2012 từ tài khoản chính thức của ông Trump, ông đã cáo buộc rằng, “khái niệm nóng lên toàn cầu là do Trung Quốc tạo ra hòng làm cho nền sản xuất của Mỹ mất đi sức cạnh tranh”. Tuy nhiên, ông Trump nói rằng, tweet đó chỉ là một câu chuyện phiếm.

Bà Clinton chiếm ưu thế nhưng dân Trung Quốc vẫn thích Trump

Không có một cuộc thăm dò chính thức nào trong dư luận Trung Quốc về “cuộc đấu” giữa ông hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ diễn ra hôm qua (26/9) nhưng theo tờ Thời báo Hoàn cầu - một ấn phẩm trực thuộc sự quản lý của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì có “nhiều người Trung Quốc thích Trump” hơn.

Trung Quốc là một trong những chủ đề nóng trong cuộc tranh luận giữa bà Clinton và ông Trump. (Ảnh: Getty)

Thời báo Hoàn cầu công bố kết quả một cuộc thăm dò trên trang web của mình cho thấy, có tới 83% trên tổng số 8.339 người tham gia tin rằng, ông Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Tuy nhiên, quy mô hạn hẹp của cuộc thăm dò không được coi là thước đo đáng tin cậy đối với cảm tình của người dân Trung Quốc dành cho hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ.

Sự ủng hộ của dư luận Trung Quốc dành cho ông Trump xuất phát từ 2 lý do, họ tôn trọng ông vì là một doanh nhân thành đạt và háo hứng chờ đợi một “luồng gió mới” trong chính trường Mỹ. “Lòng ái quốc của ông Trump đã giúp tôi nhận ra giới chính trị Mỹ đã bị lũng đoạn”, một người Trung Quốc ủng hộ ông Trump chia sẻ: “Ông ấy đã phơi bày những khía cạnh xấu xí của nước Mỹ”.

Ông Wang Yiwei, Giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói: “Cũng giống như một số cử tri Mỹ, công chúng Trung Quốc thích ý tưởng về một gương mặt chính trị mới mẻ khác với truyền thống.

Tuy nhiên, những người hiểu hơn về Trump thì lại rất lo lắng và nghĩ rằng, nếu cuộc bầu cử là của Trump thì thế giới sẽ đứng trước một thách thức chưa từng có bởi vì chủ nghĩa biệt lập và dân túy ông ấy theo đuổi là rất nguy hiểm, đặc biệt là với Trung Quốc”.

Dân Trung Quốc thích Trump hơn chỉ vì… e ngại Clinton

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton đã có một hồ sơ dài “không mấy thân thiện” với Trung Quốc trong một loạt các vấn đề.

Bà Clinton được đánh giá là đã giành lợi thế so với ông Trump sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. (Ảnh: Reuters)

Năm 1995, khi còn là Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, bà Clinton từng có bài phát biểu gây tranh cãi tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về phụ nữ ở Bắc Kinh, trong đó chỉ trích chính sách hạn chế các gia đình tự lên kế hoạch sinh đẻ của mình.

Khi còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã không ít lần công khai chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Bà Hillary Clinton khi đó chính là người tham gia nhiệt tình nhất trong vụ Chen Guangcheng, người từng bị chính quyền địa phương tạm giữ do phát tán các tài liệu về ép triệt sản và phá thai cũng như tổ chức phản kháng hòa bình. Năm 2012, nhân vật này chạy vào Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.

Với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ (2009 - 2013), bà Clinton cũng ủng hộ mạnh mẽ “chính sách xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trung Quốc cho đến nay vẫn coi “chính sách xoay trục” của Mỹ không nhằm mục đích gì khác là để ngăn chặn sứ lớn mạnh của Bắc Kinh ngay cả khi Mỹ không bao giờ thừa nhận điều này.

“Người Trung Quốc đã quen thuộc với hình ảnh bà Clinton như một nhân vật chính trị diều hâu. Bà ấy luôn chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền hay các vấn đề khác”, giáo sư Wang nói.

Lu Pin, người sáng lập tạp chí Trung Quốc mang tên “Tiếng nói nữ quyền” cho rằng: “Bà ấy (Hillary Clinton) đã là mục tiêu chỉ trích của Chính phủ Trung Quốc và hình ảnh bà Clinton ở Trung Quốc là xấu xí. Bà ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc nhưng hành động này không được hoan nghênh”.

Giáo sư sử học Louise Edwards, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc tại Đại học New South Wales ở Sydney, Australia cho rằng, còn một lý do khác khiến nhiều người Trung Quốc không ủng hộ bà Clinton đó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã in hằn trong lối suy nghĩ của họ từ bao đời nay.

Theo giáo sư Edwards, đương nhiên, vào tháng 11 tới, nước Mỹ hoàn toàn có thể có nhà lãnh đạo là nữ giới lần đầu tiên, điều này cũng không phải “ngoài sức tưởng tượng với nhiều người dân Trung Quốc”. Và chắc chắn một điều, cả ông Trump hay bà Clinton cũng chẳng mấy bận tâm đến việc người Trung Quốc nghĩ gì về họ./.