Tuần này, các nước châu Âu đang tuyên bố thắt chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh châu lục này đang vật lộn để giải quyết làn sóng di cư ngày một dâng cao. Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, với trọng tâm là kế hoạch tất cả các quốc gia thành viên sẽ chia sẻ gánh nặng người di cư.
Dựng hàng rào biên giới là đi ngược chính sách Schengen đi lại tự do trong EU (Ảnh AFP) |
Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy các thách thức lớn hơn mà châu Âu phải giải quyết nếu họ muốn đề xuất một giải pháp lâu dài.
Theo các chuyên gia, từ góc độ kinh tế, dòng di cư đổ về không phải vấn đề quá đáng ngại. Chi phí cung cấp nhà ở và lương thực cho một hoặc hai triệu người di cư có thể lên đến hàng tỷ USD nhưng các nước thành viên của EU- vốn cấu thành nền kinh tế lớn nhất thế giới- có thể dễ dàng chi trả cho việc này.
Một khi người tị nạn có việc làm và thu nhập, gánh nặng của họ với xã hội sẽ giảm đi nhanh chóng. Ngoài ra, mặc dù người dân các nước châu Âu lo ngại rằng những người lao động nước ngoài sẽ tước đi việc làm hoặc làm giảm tiền lương của họ, song nhiều bằng chứng kinh tế cho thấy điều ngược lại.
Trong dài hạn, châu Âu có thể hưởng lợi rất lớn từ dòng nhân công mới đổ về đây. Rất nhiều nước lớn, như Đức, đang có tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa. Trong khi nhiều nước khác như Ba Lan, Italy và Tây Ban Nha cũng có tỷ lệ sinh thấp và có thể dựa vào người di cư để bổ sung cho lực lượng lao động.
Vậy thách thức lớn đối với châu Âu trong cuộc khủng hoảng người di cư này xuất phát từ góc độ chính trị.
Theo giới phân tích, thứ nhất, đó là thách thức về phối hợp chính sách. EU hiện đang đối mặt với cuộc tranh luận về phối hợp chính sách giữa các quốc gia thành viên như những gì được thấy qua hành động siết chặt kiểm soát biên giới mới đây- như ở Đức, Áo, Slovakia và Hà Lan; hay việc dựng hàng rào biên giới ở Hungary, tất cả đều đi ngược chính sách Schengen đi lại tự do trong EU.
Tất cả các nước châu Âu đều muốn tận hưởng lợi ích từ thị trường chung, chính sách tự do đi lại và một đồng tiền chung, nhưng không nước nào sẵn sàng trả phí tổn. Việc đạt được sự nhất trí thường đòi hỏi các cuộc đàm phán kéo dài và các cuộc thương lượng không đơn giản.
Thứ hai, đó là thách thức về chính sách đối ngoại. Châu Âu hiện đang phải đối mặt với hệ lụy từ các cuộc xung đột trong lòng châu lục và các nước ở bên kia bờ Địa Trung Hải. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine kéo theo quan hệ với Nga trở nên xấu đi nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế hai bên.
Tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ không khả quan khi các tay súng người Kurd nổi lên trong bối cảnh đất nước này đang vật lộn để hỗ trợ 2 triệu người tị nạn từ cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria. Châu Âu cùng Mỹ đã can thiệp quân sự vào Lybia năm 2011, lật đổ chính quyền Muammar Gaddafi, nhưng sau đó lại không thể giúp người dân quốc gia Bắc Phi này thiết lập một chính quyền trung ương hoạt động hiệu quả.
Trong khi đó, cuộc nội chiến tại Syria bước sang năm thứ 4 đã mở đường cho sự trỗi dậy của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng khiến tình hình an ninh thêm rối ren.
Và cuối cùng, theo các nhà quan sát, châu Âu không chỉ cần một chính sách liên quan đến người di cư hiện nay mà cả một chính sách trong dài hạn. Trong bối cảnh dân số châu Âu bản địa đang sụt giảm, dân số châu Phi đang bắt đầu bùng nổ.
Được coi là "miền đất hứa", trong vòng nửa thế kỷ tới, dòng người di cư từ Lục địa Đen tới Lục địa Già là tất yếu. Câu hỏi đặt ra là châu Âu sẽ xử lý cuộc khủng hoảng di cư hiện nay như thế nào để ngăn chặn các nguy cơ tương tự trong tương lai./.