Biểu tình biến thành bạo lực ngay tại thủ đô Kiev

Ngày 31/8, sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Ukraine [Verkhovna Rada] về dự thảo luật "Sửa đổi Hiến pháp Ukraine", đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Trong số những người biểu tình người chống lại việc thông qua dự thảo luật này có cả những thành viên của đảng dân tộc cực đoan Svoboda.

Biểu tình biến thành bạo lực bên ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine ngày 31/8. Ảnh: AP

Khi đụng độ nổ ra, một quả lựu đạn đã được ném về phía cảnh sát khiến một sỹ quan thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine thiệt mạng và khoảng 100 người khác bị thương, trong đó có 90 nhân viên an ninh.

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov xác nhận hơn 30 đối tượng quá khích đã bị bắt giữ và con số này sẽ còn tăng. Những kẻ quá khích này mặc áo phông in hình biểu trưng của đảng Svoboda đã ném một số vật gây cháy nổ và chống đối lực lượng cảnh sát.

Đây là diễn biến bạo lực nghiêm trọng nhất tại Kiev kể từ cuộc biểu tình tại Maidan vào tháng 2/2014. Nó cũng được xem là “giọt nước tràn ly” của những tranh cãi gay gắt trong quá trình cải cách hiến pháp Ukraine chi phối toàn bộ xã hội Ukraine trong suốt nhiều tháng qua.

Quá trình cải cách hiến pháp tại Ukraine vốn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do những mâu thuẫn trong nội bộ nước này. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến ở miền Đông được cho không phải là một nền tảng quan trọng nhất để thực hiện sự thay đổi cơ bản hiến pháp. Bên cạnh đó, xã hội Ukraine được cho là rất cảnh giác với bất kỳ sự thay đổi mới nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình đất nước.

Trên thực tế, việc cải cách hiến pháp cũng không nhận được đồng thuận ngay trong nội bộ giới tinh hoa chính trị tại nước này. Có rất nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí là bác bỏ hoàn toàn ý tưởng về cải cách hiến pháp nhằm trao quy chế đặc biệt cho các tỉnh miền Đông - hiện nằm ngoài tầm kiểm soát của Kiev - theo đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko.

Theo các nhà quan sát, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương dự kiến ​diễn ra vào tháng 10 tới đây​, các chính trị gia và các lực lượng chính trị đối lập tại Ukraine đang cố gắng khai thác các cuộc tranh luận về cải cách vì mục đích riêng của họ. Điều đó, cho thấy sẽ khó có sự ổn định và hòa hợp nào vào thời điểm này.

Sự thiếu đồng thuận về cải cách trong giới tinh hoa chính trị của Ukraine cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc ngày 31/8 vừa qua.

Trong thông điệp gửi tới người dân, ông Poroshenko tuyên bố các vụ bạo lực ở Kiev là hành động chống Ukraine và những kẻ đứng sau vụ việc này sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc mà không có ngoại lệ. Tổng thống cũng khẳng định, nếu Quốc hội không thông qua dự thảo, tuân theo các cam kết của thỏa thuận hòa bình Minks, Ukraine sẽ mất sự hỗ trợ của phương Tây.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu quốc hội không bỏ phiếu thay đổi hiến pháp? Số phận của liên minh quốc tế ủng hộ Ukraine sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Khả năng Ukraine có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể không rõ ràng, nhưng viễn cảnh chúng ta sẽ phải đối mặt với khó khăn khi không có sự ủng hộ là thực sự”, ông Poroshenko nói.

poroshenko_myqb.jpg
Chính quyền của Tổng thống Poroshenko đang gặp nhiều khó khăn vì sự chia rẽ trong xã hội Ukraine. Ảnh: Reuters

Chia rẽ ngày càng sâu sắc hơn trong xã hội Ukraine

Theo các nhà phân tích, thực tế tại Ukraine hiện nay cho thấy tình hình tại nước này phức tạp bởi 2 lý do chứ không chỉ là sự thiếu gắn kết như đã nhắc đến ở trên.

Đầu tiên, đó là việc thiếu một kết quả cụ thể từ thỏa thuận Minsk, đặc biệt liên quan đến việc rút các loại vũ khí hạng nặng và đề xuất ngừng bắn. Thứ hai là sự lạc quan trong xã hội Ukraine đã giảm đi rất nhiều sau những nỗ lực trong những năm gần đây của châu Âu nhằm giải quyết vấn đề bằng cách gây áp lực lên một phía và chú trọng vào những điều dễ thực hiện nhất trong khi lờ đi những vấn đề thiết thân nhất đối với Ukraine.

Hệ quả của những điều trên khiến chính quyền Kiev hiện nay dường như đang kẹt giữa hai đám cháy. Một mặt, nhà chức trách Ukraine không thể bỏ qua các ý kiến và nhu cầu của các đối tác châu Âu của mình; mặt khác, họ cũng không thể bỏ qua tâm trạng, suy nghĩ phổ biến trong xã hội Ukraine hiện nay.

Các chuyên gia nhận định, vụ bạo loạn vừa qua tại Ukraine đang báo trước những bất ổn sắp tới, cho thấy xã hội Ukraine đang bị chia rẽ nghiêm trọng.

Hiện không ai dám chắc vụ việc xảy ra ngày 31/8 vừa qua có châm ngòi cho các cuộc biểu tình rộng lớn hơn hay không. Cũng không ai dám chắc vụ việc này sẽ được kiểm soát nhằm ngăn ngừa tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Ukraine. 

Sự kiện diễn ra tại Maidan tháng 2/2014 dường như vẫn còn rất mới mẻ trong tâm trí công chúng. Cùng với đó là những diễn biến tại Donbass hiện nay sẽ buộc chính quyền Kiev phải có những hành động thận trọng hơn.

Các nhà phân tích cho rằng, cần phải có thêm các nỗ lực để giải tỏa căng thẳng xã hội một cách kịp thời và ngăn chặn những sự cố tương tự như vụ việc ngày 31/8 vừa qua xảy ra trong tương lai. Nếu không hậu quả của những vụ việc đó có thể khiến một số nhân vật biến mất khỏi chính trường Ukraine./.