Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được vào tháng trước vẫn được duy trì và các bên tại Ukraine tiếp tục nhất trí rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực chiến tuyến.
Binh sĩ Ukraine tại miền Đông nước này. Ảnh AFP |
Cuộc họp thượng đỉnh hôm nay nhằm thảo luận các bước đi thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine, bao gồm cuộc bầu cử địa phương sắp diễn ra tại Ukraine, đảm bảo sự tiếp cận của các quan sát viên quốc tế tại khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực chiến tuyến.
Lệnh ngừng bắn đạt được vào tháng trước giữa các bên vẫn được duy trì, làm dấy lên hi vọng rằng cuộc xung đột làm 8 nghìn người thiệt mạng trong 17 tháng qua tại Ukraine sắp kết thúc. Hôm 30/09 vừa qua, chính phủ và lực lượng đối lập Ukraine cũng nhất trí rút vũ khí hạng nhẹ ra khỏi khu vực đệm. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột.
Theo thỏa thuận Minsk 2, khu vực phía Đông Ukraine sẽ tổ chức các cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhóm đối lập muốn tổ chức bầu cử địa phương theo các điều khoản của mình, bao gồm loại trừ ứng cử viên ủng hộ chính phủ Ukraine và tổ chức ngày bầu cử không trùng với các cuộc bầu cử địa phương tại những khu vực còn lại của Ukraine vào ngày 25/10 tới.
Chính phủ Ukraine muốn các cuộc bầu cử cần phải bị hủy bỏ ngay lập tức để đảm bảo tiến trình hòa bình tiếp diễn. Đức, Pháp và Ukraine cũng cảnh báo các cuộc bầu cử địa phương do nhóm đối lập lên kế hoạch sẽ là “ đường ranh giới đỏ”.
Tổng thống Ukraine Petro Porosenco cảnh báo: “Lực lượng đối lập tại miền Đông đã thông báo quyết định tổ chức các cuộc bầu cử không hợp pháp, trái với thỏa thuận Minsk. Các nước cần phải hợp tác để phối hợp hành động chống lại những mối đe dọa tới thỏa thuận Minsk như kéo dài và mở rộng các biện pháp trừng phạt”.
Cuộc họp thượng đỉnh về Ukraine diễn ra khi châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư cũng như sự gia tăng can thiệp quân sự của Nga tại Syria. Đâu là lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin có cuộc gặp các nhà lãnh đạo châu Âu kể từ khi tiến hành không kích Syria. Mặc dù đây là cuộc họp thảo luận về tình hình Ukraine nhưng một số nguồn tin cho biết, ông Putin có thể sẽ đối thoại song phương với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel về cuộc nội chiến Syria.
Văn phòng Thủ tướng Đức khẳng định không có sự liên quan giữa tình hình Ukraine và Syria nhưng giới quan sát cho rằng, với quyết định tham gia chiến dịch không kích nhằm vào mục tiêu chung IS tại Syria có thể là đòn bẩy tốt hơn cho thỏa thuận về Ukraine, đặc biệt liên quan đến việc hối thúc các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga./.