Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ngày 17-18/10 vừa qua đã không đạt được sự đồng thuận khi một số quốc gia thành viên đứng đầu là Pháp phản đối mở các cuộc đàm phán gia nhập khối đối với Bắc Macedonia và Albania.
Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev đang đứng trước sức ép từ phe đối lập khi lời hứa đưa Bắc Macedonia gia nhâp EU đang bị đe dọa. Ảnh: vecer.mk. |
Sự chia rẽ trong nội bộ khối đã gây thất vọng lớn cho các nước khu vực Tây Balkan, làm cho tương lai gia nhập ngôi nhà chung của họ ngày càng trở nên xa vời hơn.
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này tại Brussels được các quốc gia khu vực Tây Balkan, đặc biệt là Bắc Macedonia, kỳ vọng hơn bao giờ hết, bởi sau nhiều lần cam kết lẫn nỗ lực cải cách, giấc mơ gia nhập khối của họ dự định sẽ được đưa ra trong cuộc họp lần này. Ngay Bắc Macedonia đã phải nhượng bộ với nước láng giềng Hy Lạp trong một thỏa thuận gây tranh cãi và chịu nhiều sức ép để đổi tên nước, mở đường cho họ tham gia vào các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhưng trái với sự mong đợi nhiều năm qua của các quốc gia Tây Balkan, một số quốc gia thành viên EU mà đứng đầu là Pháp lại không đồng ý để mở các cuộc đàm phán với Bắc Macedonia và Albania. Tất nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lý do cho quyết định gây tranh cãi của mình, như EU cần phải giải quyết triệt để các vấn đề nội bộ, thực hiên một loạt cải cách và thống nhất nội bộ cả về chính trị lẫn kinh tế trước khi đề cập tới chuyện mở rộng khối. Nhưng phần lớn các quốc gia thành viên khác, trong đó có Đức, lại có quan điểm ngược lại sau những gì các quốc gia Tây Balkan thực hiện theo yêu cầu của EU trong thời gian qua.
Uy tín của EU bị ảnh hưởng
Việc các nhà lãnh đạo EU không đồng thuận trong vấn đề mở rộng khối với các quốc gia khu vực Tây Balkan đã vô hình chung làm tổn hại tới uy tín của châu Âu và đe dọa triển vọng trở thành thành viên khối của các quốc gia này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude-Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại buổi họp báo kết thúc hội nghị mô tả đây là “một sai lầm lịch sử” của châu Âu khi các nhà lãnh đạo không tìm được tiếng nói chung.
Còn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu, ông David McAllister, nhận định, kết quả của hội nghị cho thấy sự chia rẽ bên trong và bên ngoài châu Âu, chứng tỏ Liên minh châu Âu đã không thể thể hiện sức mạnh lãnh đạo, sự can đảm và tầm nhìn chiến lược. Thất bại trong việc đưa ra các quyết định táo bạo đã làm suy yếu sự ổn định, khả năng dự đoán và uy tín của EU trong mắt các đối tác và bạn bè.
Trong khi đó, dư luận tại Bắc Macedonia cũng tỏ ra rất thất vọng trước kết quả của hội nghị. Tổng thống Stevo Pendarovski nói rằng ý tưởng một châu Âu thống nhất là quyền của tất cả người dân châu Âu, không ai có thể tước bỏ. Bắc Macedonia là một quốc gia châu Âu và có quyền trở thành thành viên của ngôi nhà chung. Không hài lòng về kết quả hội nghị, Bộ trưởng ngoại giao Bắc Macedonia Nikola Dimitrov còn đặt câu hỏi liệu giới lãnh đao EU có thực sự nghiêm túc trong việc kết nạp các quốc gia thành viên Tây Balkan hay không.
Còn Thủ tướng Zoran Zaev, người đã đi tiên phong đàm phán việc đổi tên nước với Hy Lạp, đang phải đối mặt với sức ép rất lớn từ phe đối lập. Để thỏa thuận đổi tên nước tranh cãi với Hy Lạp được thông qua tại Quốc hội, ông đã phải thuyết phục các nghị sĩ bằng nhiều cam kết, trong đó hứa sẽ đưa Bắc Macedonia gia nhập EU và NATO. Nay mọi diễn biến mới đang chống lại ông.
Cảnh báo không sáng sủa
Kết quả thất vọng của hội nghị đã đưa các quốc gia khu vực Tây Balkan vào thế khó với nhiều cảnh báo không sáng sủa. Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách mở rộng khối, ông Johannes Hahn, nói rằng việc từ chối thừa nhận tiến bộ đã đạt được tại các quốc gia Tây Balkan sẽ dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực, bao gồm nguy cơ gây mất ổn định của khu vực, với tác động đầy đủ đến EU.
Cảnh báo của ông Hahn không phải là không có cơ sở, bởi Tây Balkan vốn là một khu vực có nhiều tranh cãi sắc tộc và lãnh thổ, là hậu quả của cuộc nội chiến tại Liên bang Nam Tư cũ trong những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker cũng từng nói rằng ông ủng hộ nguyện vọng gia nhập EU của các quốc gia Tây Balkan để bóng ma của cuộc chiến tranh năm xưa quay sẽ không quay trở lại khu vực này.
Mặc khác, châu Âu chắc hẳn đã không thể bình yên như hôm nay nếu tuyến đường Balkan không được đóng lại vào đầu năm 2016 khi cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu lên tới đỉnh điểm. Thêm vào đó, các chính trị gia cảnh báo việc dập tắt hy vọng của Bắc Macedonia và Albania cũng như các quốc gia khác khu vực Tây Balkan có thể châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trỗi dậy tại đây, đồng thời tạo khoảng trống cho các bên thứ ba như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, gia tăng tầm ảnh hưởng tại cửa ngõ phía Nam của châu Âu.
Trước thông tin xấu bủa vây, các nhà lãnh đạo Bắc Macedonia và Albania trấn an dư luận và cam kết tiếp tục cải cách để chứng minh nguyện vọng của họ là có thật, và hy vọng nhóm quốc gia phản đối sẽ thay đổi quan điểm, sớm nhất là tại hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan tại Croatia vào đầu năm tới./.