Kết quả kiểm phiếu sơ bộ đến thời điểm này cho thấy, Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, giành được 119 ghế trong tổng số 272 ghế tại Quốc hội do dân bầu. Với kết quả này, có nhiều khả năng ông Sharif lần thứ 3 trở thành Thủ tướng Pakistan. Tuy nhiên, những cáo buộc gian lận cùng những vụ đánh bom ngay trong ngày Tổng tuyển cử khiến nhiều người lo ngại cho tương lai của Pakistan.

cong%20tac%20bau%20cu%20tai%20pakistan.jpg
Công tác bầu cử tại Pakistan (ảnh: nydailytimes)

Phát biểu tại trụ sở của Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan tại thành phố Lahore, thuộc tỉnh Punjap, ông Nawaz Sharif đã tuyên bố chiến thắng và có thể thành lập chính phủ mà không phải phụ thuộc vào các đối tác khác. Ông cũng cam kết sẽ cải thiện tình trạng tham nhũng, tình trạng thiếu điện, cùng việc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ đô la cho Pakistan. Đặc biệt, ông Sharif sẽ mời các đảng phái đối lập cùng chia sẻ quan điểm về các vấn đề lớn hiện nay của đất nước này.Với gần 60% cử tri đi bầu - số lượng cao nhất kể từ năm 1977, ông Fakhruddin G. Ibrahim - Chủ tịch Uỷ ban bầu cử Pakistan cho rằng, đây là cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt.

“Tôi thực sự vui mừng khi cuộc bầu cử thu hút số lượng cử tri đi bầu đông như vậy,” ông Irahim nói. “Chúng ta đã đợi ngày này từ lâu, đó là một sự kiện góp phần nâng cao vai trò của người dân đối với đất nước. Tất cả người dân Pakistan đều vui mừng với sự kiện này. Song đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn”.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử tại Pakistan chưa thể nói là đã thành công, và chiến thắng của ông Nawaz Sharif cũng chưa thực sự thuyết phục khi có những cáo buộc gian lận và bạo lực trong ngày bầu cử.

Có phải bầu cử lại?

Ủy ban Bầu cử Pakistan cho biết, đã không thể tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Karachi – một trung tâm thương mại và là thành phố lớn nhất nước này, đồng thời nêu quan ngại về việc nhân viên của Ủy ban bầu cử tại thành phố này bị đe dọa, khiến họ không thể thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Thực tế, vẫn chưa rõ liệu kết luận này của Ủy ban Bầu cử Pakistan có đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải tổ chức lại tổng tuyển cử hay không.

Trong khi đó, Jammat-e-Islami-JI - một đảng Hồi giáo lớn ở Pakistan - tuyên bố tẩy chay cuộc Tổng tuyển cử ở Karachi và một thành phố khác, đồng thời cáo buộc Phong trào Muttahida Qaumi-MQM đối địch gian lận và gây bạo lực. Đảng Jammat-e-Islami-JI đã rút tất cả 29 ứng cử viên của đảng này cạnh tranh vào các ghế lập pháp trung ương và địa phương cũng như rút khỏi thành phố Hyderabad. Ngoài ra, Đảng Phong trào Công lý Pakistan (PTI) của ngôi sao môn cricket Imran Khan cũng cáo buộc Phong trào Muttahida Qaumi
gian lận bầu cử trên diện rộng ở Karachi.

Trước đó, ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử, hàng loạt vụ tấn công của phiến quân Taliban nhằm vào các ứng cử viên của các đảng thế tục, văn phòng các chính trị gia cũng như các cuộc tuần hành, mít tinh tranh cử trên cả nước gây nhiều thương vong.

Đáng chú ý là vụ đánh bom tại tỉnh Balochistan nhằm vào đoàn xe chở cháu trai của ông Sajid Shah – người đứng đầu Đảng Nhân dân Pakistan, làm ít  nhất 10 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương vào đêm 11/5 .

Ước tính khoảng 120 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương kể từ khi chiến dịch tranh cử bắt đầu vào giữa tháng 4 vừa qua

Cho dù tình trạng bạo lực xảy ra trước bầu cử là khá phổ biến ở Pakistan, song dư luận vẫn lo ngại nó đang làm lu mờ hy vọng về một cuộc tổng tuyển cử công bằng và yên ổn ở quốc gia Nam Á này. Cùng với đó, mâu thuẫn giữa chính phủ dân sự và giới quân sự - vốn nắm trong tay nhiều quyền lực ở Pakistan - vẫn “nóng như lò lửa”, chỉ chực chờ bùng phát. Trước những thực tế này, có thể thấy, một tương lai tươi đẹp hơn đối với người dân nơi đây vẫn còn là dấu hỏi lớn./.