Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định thông qua các biện pháp cứng rắn về gia tăng trừng phạt Triều Tiên, nhiều nước tiếp tục cam kết ủng hộ mạnh mẽ động thái của Liên Hợp Quốc, song vẫn nhấn mạnh đến giải pháp xúc tiến đối thoại mới với chính quyền Bình Nhưỡng.

ri_yong_ho_nxkp.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho có cuộc gặp chóng vánh với người đồng cấp Hàn Quốc tại hội nghị đang diễn ra ở Manila, Philippines. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trong tuyên bố chung ngày 6/8, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Ngoại trưởng Julie Bishop đã hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí cao về các biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên sau những vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây của nước này.

Tuyên bố nhấn mạnh, Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu và Australia sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực quốc tế, sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt tài chính và bổ sung cấm đi lại đối với các cá nhân cũng như 7 công ty có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trong cuộc điện đàm vài giờ trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump cho rằng Triều Tiên đang là mối nguy hiểm trực tiếp đối với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như với hầu hết với các quốc gia trên thế giới.

Lãnh đạo hai nước cam kết thực hiện đầy đủ tất cả các nghị quyết liên quan, thúc giục cộng đồng quốc tế phối hợp hành động nhiều hơn nữa bằng biện pháp bổ trợ nhằm chấm dứt hành vi “đe dọa và gây mất ổn định” của Triều Tiên".

Tuy vậy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng khẳng định thêm rằng nước này vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại nếu Triều Tiên có thiện chí.

Bên lề cuộc họp an ninh khu vực Đông Nam Á (ASEAN) tại Manila, Ngoại trưởng Mỹ và Hàn Quốc đánh giá cao nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc hôm 5/8, coi đây là một “kết quả không thể tốt hơn” khi nhận được lá phiếu ủng hộ mạnh mẽ của 15 thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Đặc biệt lần này Trung Quốc đã thể hiện lập trường cứng rắn và rõ ràng hơn với Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh siết chặt trừng phạt là cần thiết trong tình hình hiện nay nhưng các bên không được làm trầm trọng thêm nữa khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông nói: “Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên bình tĩnh giải quyết vấn đề liên quan đến các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và không làm bất cứ điều gì không có lợi cho cộng đồng quốc tế như các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Chúng tôi cũng thúc giục các bên đặc biệt Hàn Quốc, Mỹ kiềm chế, bình tĩnh đánh giá tình hình, đưa ra quyết định khôn ngoan để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng. Trung Quốc vẫn tin rằng, đàm phán vẫn là giải pháp tối ưu nhất hiện nay”.

Ủng hộ lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, đại diện của Nga Vasily Nebenzya cũng nhấn mạnh rằng cần có một chiến lược chính trị để giải quyết vì những biện pháp trừng phạt là không đủ.

Ông Nebenzya cảnh báo, các biện pháp trừng phạt cả về ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng không được dùng để “bóp nghẹt” nền kinh tế Triều Tiên hoặc cố ý làm trầm trọng hơn tình hình nhân đạo mà thay vào đó là “một công cụ” khiến nước này phải tham gia đàm phán với tinh thần xây dựng.

Thủ tướng Nhật Bản cùng ngày lên tiếng khẳng định nước này cam kết sẵn sàng hợp tác chặt với Trung Quốc, Nga để đảm bảo lệnh cấm mới đạt được hiệu quả như mong đợi

Trong khi đó, Triều Tiên đã có phản ứng đầu tiên với nghị quyết trừng phạt nói trên.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun ngày 6/8 thách thức rằng, Mỹ sẽ tự hủy hoại chính mình nếu có bất kỳ hành động hạt nhân hay biện pháp trừng phạt nào chống lại Triều Tiên, đồng thời bác bỏ sáng kiến bình thường hóa quan hệ song phương của Hàn Quốc.

Trên trang mạng cá nhân Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức đăng bài đáp trả khi khẳng định gói các biện pháp trừng phạt lớn nhất đối với Triều Tiên từ trước tới nay sẽ gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Triều Tiên.

Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quy định lệnh cấm nhập khẩu sắt, quặng sắt, chì, than và hải sản từ Triều Tiên. Ngoài ra, các tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên sẽ bị đóng băng, các tàu biển của Triều Tiên vi phạm nghị quyết sẽ bị thương cảng tất cả các nước từ chối.

Cùng với đó, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có nghĩa vụ hạn chế số lượng công nhân Triều Tiên lao động trên lãnh thổ của mình, không tạo các liên doanh mới với Triều Tiên và không mở rộng những doanh nghiệp hiện có. Theo ước tính, các biện pháp trừng phạt này có thể tiếp tục làm sụt giảm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD mỗi năm./.