Một ủy ban cố vấn cho Quốc hội Mỹ về các tác động của mối quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ - Trung đến an ninh quốc gia cảnh báo, Bắc Kinh có thể cạnh tranh với Washington trên mọi phương diện và ở khắp nơi trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào năm 2035.

ten_lua_sieu_sieu_thanh_tru_gbtk.jpg
Tên lửa siêu thanh Tinh không 2 (Starry Sky-2) của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

“Chuỗi đảo thứ hai” – đường phòng thủ chiến lược bị đe dọa

Trung Quốc đã nâng ngân sách quốc phòng năm nay lên 175 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2017.

Trong một báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ ngày 14/11, Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (UCESRC) cho rằng, Bắc Kinh đã có thể thách thức các hoạt động của Washington ở trên bộ, trên không, trên biển và cả mặt trận thông tin ngay trên “chuỗi đảo thứ hai” (một thuật ngữ mà Mỹ dùng để chỉ đường phòng thủ chiến lược của nước này, được hình thành bởi quần đảo Ogasawara, quần đảo núi lửa của Nhật Bản, quần đảo Mariana và Palau).

Năng lực quân sự hiện nay của Trung Quốc đã trở thành một thách thức cơ bản đối với việc lực lượng vũ trang Mỹ duy trì thế thượng phong lâu dài ở khu vực này suốt từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay – báo cáo của UCESRC nêu rõ.

Kết luận của UCESRC dựa trên những tài liệu mật và không mật, kết hợp với những nhận định của các quan chức chính phủ, giới học giả và trong cả lĩnh vực tư nhân, cũng như thực tế từ chuyến công tác nghiên cứu ở Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Các thành viên của UCESRC đã không được cấp thị thực vào Trung Quốc để thực hiện khảo sát.

Tầm nhìn của Tập Cận Bình

Báo cáo của UCESRC cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong hiện đại hóa quân đội.

“Khi hiện đại hóa quân đội tiến triển và Bắc Kinh ngày càng tự tin về Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nguy cơ ngày càng lớn là các biện pháp ngăn chặn [của Mỹ - ND] sẽ thất bại và Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực như là một bá chủ khu vực.”

Theo báo cáo này, lực lượng hỗ trợ chiến lược của PLA dù mới chỉ được thành lập vào cuối năm 2015 đã trở thành một thách thức cơ bản đối với khả năng hoạt động hiệu quả của Mỹ trên vũ trụ, không gian mạng và trường điện từ.

Adam Ni, một chuyên gia về quân sự của Trung Quốc tại trường đại học quốc gia Australia, cho rằng Bắc Kinh đã có những tiến bộ rất lớn trong lĩnh vực chế tạo thiết bị không người lái, chiến cơ tàng hình, tên lửa và nhiều vũ khí khác. Nước này cũng có những bước nhảy vọt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và tính toán lượng tử.

Nhưng tiến bộ thực sự đáng nể nhất của Trung Quốc, theo UCESRC, là tên lửa siêu thanh. Hồi tháng 8, nước này đã thử 1 quả tên lửa như thế, mà Mỹ gần như không có khả năng ngăn cản bởi nó bay nhanh hơn tốc độ âm thanh tới 6 lần. Nó sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất với nước Mỹ bởi Washington sẽ không kịp trở tay khi tên lửa này mang theo đầu đạn hạt nhân.

Đưa toàn bộ nước Mỹ vào tầm ngắm

Sau nhiều năm phát triển, tên lửa Trung Quốc cũng đang trở thành “thách thức chiến lược nghiêm trọng đối với Mỹ và các đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, báo cáo của UCESRC nhận định.

Loạt tên lửa DF và HN của Trung Quốc đã đạt đến tầm bắn 15.000 km, nghĩa là đặt toàn bộ lục địa Mỹ trong tầm ngắm.

Bắc Kinh đang tăng cường phát triển và nâng cấp vũ khí cho tất cả các lĩnh vực trong quân đội, từ các thiết bị không người lái dưới nước, máy lưỡng cư cho đến súng laser và chiến cơ siêu thanh.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã từ bỏ mọi chức năng dân sự và giúp Bắc Kinh đạt được một số tham vọng trên biển.

Thêm vào đó, Trung Quốc không ngừng xây dựng và bồi đắp trái phép một số thực thể ở Biển Đông, lắp đặt tên lửa và xây dựng đường băng để thách thức sự hiện diện của Mỹ ở khu vực.

Cuối tháng 9 vừa qua, một tàu khu trục của Trung Quốc suýt đâm va với tàu chiến Mỹ trên biển, hòng “đuổi” tàu Mỹ ra khỏi khu vực này. Mỹ đã lên án hành vi áp sát “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp đó”.

Cuối tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại ra lệnh cho quân khu phụ trách giám sát Biển Đông và Đài Loan đánh giá tình hình và tăng cường năng lực để có thể xử lý bất cứ tình huống khẩn cấp nào.

2050 và điều nước Mỹ không muốn thấy

Quân đội Trung Quốc sẽ mạnh ngang ngửa với quân đội Mỹ vào năm 2050. Đó là điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn và là viễn cảnh mà Washington không muốn thấy.

Nhưng có một nghịch lý “đau lòng” cho nước Mỹ là ông Tập Cận Bình đang thúc đẩy sự hội nhập lớn hơn trong các lực lượng của quân đội Trung Quốc, có nghĩa là nước này đang hướng tới một mô hình “liên hợp” tương tự như cách quân đội Mỹ tổ chức các lực lượng, gồm Lục quân, Hải quân, Lính thủy đánh bộ và Không quân tác chiến với nhau.

Nếu báo cáo này dự đoán chuẩn xác và Trung Quốc tiếp tục phát triển theo đà này, Mỹ có thể đánh mất vị thế trí cường quốc quân sự không có đối thủ của Mỹ hàng thập kỷ qua.

Tất nhiên, sẽ là thiên kiến khi chỉ nhìn vào sự phát triển của Trung Quốc mà quên đi rằng Mỹ cũng có thể nâng cấp quân đội lên rất nhiều trong tương lai. Tuy nhiên, báo cáo của UCESRC đã chỉ ra một thực tế rằng nước Mỹ đang gặp vấn đề rất lớn trong việc kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.

“Nếu chúng ta đã giải quyết một vài trong số những vấn đề này mấy năm trước thì chúng ta đã không lâm vào tình trạng như hiện nay” – Carolyn Bartholomew, Phó Chủ tịch UCESRC cho biết./.