Hôm qua (16/6) Nga đã quyết định cắt mọi nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine sau khi hai bên không thể thông qua thỏa thuận về giá bán cũng như thanh toán các khoản nợ cũ. Đây được xem là một diễn biến mới đầy căng thẳng liên quan đến vấn đề khí đốt giữa hai nước.
Đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu South Stream của Nga (Ảnh: Ria)
Theo giới phân tích, quyết định này tuy chưa ảnh hưởng ngay lập tức đến dòng khí đốt cho châu Âu nhưng có thể làm gián đoạn nguồn cung năng lượng dài hạn của khu vực này nếu vấn đề khí đốt giữa Nga và Ukraine tiếp tục bế tắc.
Người phát ngôn công ty khí đốt lớn nhất của Nga Gazprom, ông Sergei Kupriyanov cho biết, do Ukraine không thể trả trước các khoản tiền mua khí đốt vào hạn chót 16/6, nên từ bây giờ công ty Gazprom sẽ yêu cầu Ukraine phải trả trước cho bất cứ hợp đồng nào trong tương lai giữa hai nước.
Nga cũng đã gửi đơn kiện Công ty dầu khí quốc gia Naftogaz của Ukraine lên Tòa án trọng tài quốc tế ở Stockholm, Thụy Điển nhằm đòi 4,5 tỷ USD tiền nợ khí đốt mà Ukraine mua của Nga. Ông Kupriyanov cũng yêu cầu chính quyền Ukraine không làm gián đoạn hoạt động cung cấp khí đốt cho các khách hàng khác ở châu Âu của nước này được vận chuyển qua đường ống chạy qua Ukraine. Ông Kupriyanov cũng cho biết đã thông báo với châu Âu về khả năng cung cấp khí đốt cho khu vực này sẽ bị gián đoạn khi Nga cắt nguồn khí đốt của Ukraine.
Phản ứng trước quyết định của Nga, người đứng đầu Công ty dầu khí Ukraine Naftogaz, ông Andriy Kobolev cũng đã xác nhận Ukraine đã ngừng tiếp nhận khí đốt từ Nga, song cho biết: Ukraine đã chuẩn bị áp dụng chế độ khẩn cấp về năng lượng kể cả khi không có nguồn cung khí đốt của Nga, cho đến tháng 12 tới.
Ngoài ra công ty Naftogaz của Ukraine cũng thông báo đã gửi đơn kiện công ty Gazprom của Nga lên Tòa án trọng tài quốc tế Stockholm để đòi Nga bồi thường 6 tỷ USD. Đây là khoản tiền mà Ukraine cho là để bù lại số tiền mua khí đốt của Nga với giá quá cao so với trước đây. Công ty Naftogaz cho biết sẽ yêu cầu tòa án thiết lập một mức giá hợp lý cho lượng khí đốt mua của Nga trong tương lai.
Các động thái của Gazprom và Naftogaz được đưa ra sau khi đàm phán giữa Ukraine và Nga do Liên minh châu Âu làm trung gian cuối tuần qua đã không đem lại kết quả tích cực nào. Hai bên vẫn bất đồng về giá và những thay đổi trong hợp đồng năm 2009 vốn buộc Ukraine phải trả mức giá cao nhất tại châu Âu.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã bày tỏ sự thất vọng về sự việc trên: “Chúng tôi đã đưa ra các điều khoản siêu ưu đãi đối với Ukraine so với các điều khoản được đưa ra trước đây. Tuy nhiên, phía Ukraine đã không đồng ý với các điều khoản này và cố tình gây ra một cuộc khủng hoảng khí đốt. Đây là một sự việc đáng tiếc”.
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cáo buộc Nga cố tình ngăn chặn một thỏa thuận và gây khó dễ cho Ukraine trong bối cảnh mùa đông đang tới gần và nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Ông Yatseniuk nói: “Đây không phải chỉ là về vấn đề khí đốt. Đây là một kế hoạch của Nga nhằm phá hủy Ukraine, làm ảnh hưởng tới nhà nước Ukraine và sự độc lập của Ukraine”.
Hôm 16/6, người đứng đầu về năng lượng của Liên minh châu Âu Oettinger cảnh báo, Liên minh châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt vào mùa đông này sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine. Bởi lẽ đường ống dẫn của Nga tới châu Âu thông qua Ukraine cung cấp khoảng 15% khí đốt cho khu vực này.
Trước đây, Châu Âu đã từng nhiều lần rơi vào cuộc khủng hoảng khí đốt do căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Sự cố tồi tệ nhất là vào đêm giao thừa năm 2009, khi tranh chấp giá khí đốt giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu ở 18 quốc gia châu Âu. Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt đã đẩy nhiều người dân châu Âu vào tình cảnh buốt giá hay các nhà máy tạm đình trệ vì thiếu năng lượng. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất năm đó cũng chính là những nước phụ thuộc lớn nhất - Đông Âu, nơi người tiêu dùng hầu như chỉ dựa vào nguồn cung ứng từ Nga, trong khi với Liên minh châu Âu là 1/3.
Theo giới phân tích, việc cắt giảm lượng khí đốt của Nga cho Ukraine trong thời gian ngắn sẽ chưa ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng khí đốt cho châu Âu. Ông Euheniy Mahda, một chuyên gia phân tích chính trị của trang Euronews nói: “Cuộc chiến khí đốt giữa Nga với Ukraine lần này khác với hai cuộc khủng hoảng khí đốt trước. Cuộc chiến lần này bắt đầu vào mùa hè khi cả Ukraine và Liên minh châu Âu đều không phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Do đó, các bên vẫn có thời gian để giải quyết tranh chấp”.
Tuy nhiên, không ai dám chắc quá trình gián đoạn nguồn cung năng lượng này sẽ kéo dài bao lâu. Chính vì vậy, để không ảnh hưởng tới nguồn cung khí đốt cho Châu Âu trong dài hạn, Châu Âu cũng cần đóng một vai trò then chốt trong việc giải quyết tranh chấp giữa Nga và Ukraine./.