Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi cũng nhấn mạnh việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội là điều bắt buộc nhằm bầu ra cơ quan lập pháp để giám sát các hoạt động của Chính phủ.

el_ynyv.jpgTổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi (ảnh: Cairo Post)
Trong khi đó, tại thời điểm này, Ai Cập đang tích cực tiến hành nhiều chiến dịch “cải tổ” lớn nhằm vực dậy nền kinh tế bị suy giảm mạnh sau hơn bốn năm bất ổn. Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng, quyết định kéo dài bầu cử Quốc hội có lẽ đã giúp Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi có thêm thời gian để củng cố lại chính quyền quân sự, loại bỏ lực lượng chính trị đối lập, đứng đầu là tổ chức Anh em Hồi giáo.

Ưu thế từ việc trì hoãn

Trong khi các cuộc tranh luận nổ ra liên quan luật bầu cử Quốc hội, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước Ai Cập liên tục đưa ra ba thông điệp mạnh mẽ: Thứ nhất, Ai Cập đang trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế và cuộc chiến chống khủng bố, do vậy sẽ không chấp nhận sự phản kháng hoặc chống đối. Thứ hai, các tổ chức xã hội dân sự như hiệp hội, đoàn thể hoạt động vào thời điểm này là không cần thiết, chỉ làm cản trở những nỗ lực phát triển chung hoặc nhằm ủng hộ cho kẻ thù của Ai Cập. Và cuối cùng, trong khi thiếu vắng vai trò của Quốc hội, hàng loạt dự luật quan trọng đã được Chính quyền thông qua mà không một đảng phái, lực lượng chính trị nào có thể can thiệp hoặc ngăn cản.

Thực tế cho thấy, Ai Cập không có Quốc hội từ tháng 6/2012 theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao. Thời gian còn lại, Tổng thống được toàn quyền quyết định các hoạt động của cơ quan lập pháp và hành pháp. Kể từ khi chính thức nắm quyền (6/2014), Tổng thống Al-Sisi đã ban hành hàng loạt các đạo luật dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố và duy trì ổn định, trật tự trong nước.

Đáng lưu ý, việc chính thức thông qua sắc lệnh chống khủng bố mới vừa qua (2/2015) đã mở rộng trạng thái an ninh, tăng phạm vi và quyền hạn trên toàn xã hội, mục tiêu nhắm đến các nhóm, tổ chức tội phạm gây tổn hại đến an ninh quốc gia và sự thống nhất của Ai Cập. Đây cũng chính là một trong những công cụ pháp lý chủ yếu cho phép chính quyền Al-Sisi thẳng tay trấn áp các lực lượng chính trị chống đối, tập trung vào tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi.

Trong khi đó, quyết định hoãn bầu cử có thể đã góp phần cho thành công của Hội nghị phát triển kinh tế Ai Cập (EEDC), được tổ chức từ ngày 13 đến 15/3 vừa qua, đã giúp các nhà đầu tư dễ dàng ký kết các thỏa thuận với chính phủ, giảm bớt các thủ tục pháp lý ban đầu như phải thông qua biểu quyết từ các thành viên quốc hội, ảnh hưởng đến giai đoạn khởi công các dự án. Hội nghị cũng đã giúp chính quyền Al-Sisi khẳng định được vị thế cường quốc trong khu vực và thế giới Arab, lôi kéo sự đồng thuận từ các quốc gia như Mỹ, châu Âu ủng hộ quá trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập, qua đó thu hút được khoản viện trợ và đầu tư cần thiết nhằm khôi phục kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ, nghèo đói kéo dài.

Nguy cơ tiềm ẩn bất ổn

Mặc dù xác định bầu cử Quốc hội là giai đoạn quan trọng, bước lộ trình chuyển giao chính trị cuối cùng, có ảnh hưởng trong việc thiết lập nền móng của một nhà nước mới tại Ai Cập, nhưng nhiều chuyên gia khu vực cho rằng, kéo dài tiến trình bầu cử Quốc hội làm tăng nguy cơ bất ổn. Theo đó, một số thách thức mà Ai Cập sẽ phải đối mặt:

Một là, cùng với tình hình bạo lực và khủng bố ngày càng gia tăng và có chiều hướng lan rộng, cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập diễn ra trong bối cảnh quyền tự do, dân chủ của người dân ngày càng bị hạn chế với hàng loạt các dự luật, sắc lệnh được cho là hà khắc, thậm chí vi hiến. Các hoạt động vi phạm quy định bầu cử, can thiệp quá sâu của chính quyền, cùng sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông nhà nước... đang tiếp tục loại bỏ, chống lại các lực lượng có quan điểm độc lập hay đối lập, làm tăng sự phản kháng giữa người dân với chính quyền, kích động tư tưởng cực đoan, bài trừ chế độ.

Bỏ phiếu bầu Quốc hội mới ở Ai Cập sẽ hoãn đến trước cuối năm (ảnh: AFP)
Hai là, Quốc hội sắp tới sẽ không góp phần vào việc thành lập một nhà nước mới do thể chế này đang được xây dựng dựa trên sự vắng mặt của một cơ quan lập pháp thực sự. Trên thực tế, Hiến pháp đã được thông qua, Tổng thống đã được bầu, và thẩm quyền bổ nhiệm thành phần nội các trong Chính phủ nằm trong tay Tổng thống Al-Sisi. Do vậy, theo logic, bất kỳ sự phản kháng từ cơ quan Lập pháp tại nước này có thể dẫn đến một quyết định giải thể từ Tổng thống.

Ba là, hệ thống, quy trình bầu cử đang phải đối mặt với sự phản đối từ nhiều đảng phái chính trị. Theo đó, Quốc hội sẽ được xây dựng với các lực lượng chính trị tham gia đều bị phân mảnh, không có một đảng phái nào đủ khả năng để chiếm ưu thế trong Nghị viện sắp tới. Lần đầu tiên, trong nhiều thập kỷ tại Ai Cập, không có đảng đại diện cho Chính phủ hay phe đối lập chiếm đa số ghế, và do vậy sẽ làm cản trở hiệu quả của cơ quan lập pháp.

Trong khi trì hoãn bầu cử quốc hội đang gây phản ứng trái chiều từ các đảng phái chính trị, thì việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng nhận nhiều chỉ trích tại Ai Cập. Một số đảng phái chính trị tại Ai Cập cho rằng, Hội nghị phát triển kinh tế Ai Cập vừa qua đã tô vẽ một bức tranh thịnh vượng và hào nhoáng chưa từng có của Ai Cập, nhưng chỉ nhằm che lấp một nền kinh tế trì trệ và nghèo đói.

Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu cho thấy, chỉ số của Ai Cập hiện đang ở mức báo động, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, giáo dục và đào tạo, quy mô thị trường tài chính, y tế, lao động… Hơn thế nữa, sự suy thoái trầm trọng do thâm hụt ngân sách ở mức 20,8 tỷ USD, chiếm 6,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); nợ công 260 tỷ USD; nợ nước ngoài khoảng 5,9 tỷ USD.

Hàng trăm tỷ USD cam kết đầu tư, tài trợ cho Ai Cập, nhưng hầu hết là khoản đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng, bất động sản, mà không có khả năng thúc đẩy sản xuất, không hỗ trợ nền kinh tế phát triển, cũng như tạo việc làm ổn định cho người lao động. Trước khi diễn ra hội nghị, dư luận Ai Cập lo ngại, liệu các công ty nước ngoài có sẵn sàng bất chấp những rủi ro chính trị trong một đất nước trải qua các cuộc xung đột kéo dài và liệu các nhà lãnh đạo nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, có sẵn sàng hợp tác với ông Al-Sisi, người lên nắm quyền sau khi lật đổ người tiền nhiệm vào năm 2013 hay không.

Rõ ràng, thời điểm khó khăn đối với Ai Cập vẫn còn ở phía trước, trong một quốc gia có tới 40% dân số sống ở mức nghèo đói, mức thu nhập bình quân đầu người dưới 2 USD một ngày, tỉ lệ thất nghiệp khá cao, trên dưới 30%, và còn cần phải thực hiện nhiều cải cách nữa, đặc biệt là loại bỏ hệ thống quan liêu, với 7 triệu công chức, tiêu tốn 25% chi phí ngân sách quốc gia.

Hướng đi nào cho Ai Cập

Loại bỏ vai trò Quốc hội và trấn áp các phe nhóm chống đối ​​dường như làm cho việc quản trị nhà nước của Tổng thống Al-Sisi trở nên dễ dàng, hiệu quả và nhanh hơn so với việc phải tham vấn với các bên, tranh luận với đại diện các đảng phái, và phải lắng nghe những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, về lâu dài, thúc đẩy sự đồng thuận quốc gia và huy động các nguồn lực để đương đầu với thách thức trong nước và nguy hiểm bên ngoài sẽ cho phép chính quyền Ai Cập giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Việc siết chặt kiểm soát an ninh trong nước, đặc biệt đối với hoạt động của các đảng phái chính trị, cơ quan truyền thông nước ngoài, tổ chức xã hội dân sự,… cùng với sự phân cực giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, đang ngầm tạo một làn sóng chống đối mạnh mẽ trong dân chúng, nguy cơ đẩy Ai Cập bùng phát bất ổn trở lại. Bên cạnh đó, các mối đe dọa tấn công khủng bố, ở cả bên trong (nhóm Ansar Beit al-Maqdis tại bán đảo Sinai) và bên ngoài (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Libi, lực lượng Hamas ở Palestine, đang có chiều hướng gia tăng, gây sức ép lớn về an ninh đối với Tổng thống Al-Sisi.

Do vậy, để đối phó với những thách thức này, thời gian tới, một mặt Ai Cập sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác, liên minh chống khủng bố ở khu vực và quốc tế, kêu gọi tăng cường viện trợ, hợp tác về quân sự, kinh tế từ Mỹ, Nga, Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao chính trị cuối cùng, cuộc bầu cử Quốc hội, theo hướng ủng hộ một chính quyền quân sự như hiện nay.

Các chuyên gia khu vực nhận định cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới sẽ còn quá sớm đối với chính quyền Al-Sisi nếu các đạo luật chưa thực sự mang lại sự ổn định trong nước, chưa triệt phá tận gốc lực lượng chính trị đối lập, đứng đầu là tổ chức anh em hồi giáo.

Do đó, thời gian tới, các biện pháp chủ yếu của Chính quyền Al-Sisi vẫn sẽ là: Thứ nhất, tiếp tục thông qua các đạo luật chống khủng bố và khôi phục lại an ninh để thực hiện các hoạt động cô lập, tiến tới xóa bỏ các phe phái chống đối cực đoan; thứ hai, tìm kiếm liên minh chính trị có quan điểm tương đồng, đa số dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak, qua đó đảm bảo duy trì một chính quyền thân quân đội và hoàn thành lộ trình chuyển giao chính trị cuối cùng; thứ ba, tiếp tục triển khai các hoạt động ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm sự bảo trợ, liên kết về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, tập trung vào các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia, các nước trong liên đoàn Arab./.