Vai trò chiến lược của Đảo Rắn
Đảo Rắn – khu vực mà Hải quân Nga chiếm được ngay trong tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự, giờ đã trở thành trận địa mới khi quân đội Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine hứng chịu thất bại nặng nên khi thực hiện nỗ lực giành lại hòn đảo.
Còn Kiev khẳng định họ đang giới hạn chiến dịch, chỉ tấn công vào các cơ sở trọng yếu trên hòn đảo này và các tàu thuyền của Nga. Đối với quân đội Ukraine, việc kiểm soát Đảo Rắn có thể giúp họ một lần nữa kiểm soát vùng biển và không phận gần Odessa để đẩy mạnh phản công quân đội Nga.
Cơ quan tình báo của Bộ quốc phòng Anh, cho biết, trận chiến vẫn chưa kết thúc và Nga đang cố gắng tăng cường lực lượng tại đó.
Đảo Rắn hay còn gọi là Đảo Zmiinyi, cách mũi cực Nam của Ukraine khoảng 48 km và cách bán đảo Crimea khoảng 300 km, có diện tích vỏn vẹn 0.17km2 với dân số khoảng 100 người. Song nó được mô tả là có vị trí chiến lược ở Biển Đen.
Chuyên gia quân sự Oleh Zhdanov của Ukraine lưu ý: “Nếu quân đội Nga thành công trong việc củng cố quyền kiểm soát hòn đảo này và thiết lập hệ thống phòng không tầm xa, họ sẽ kiểm soát vùng biển, đất liền và không phận ở Tây Bắc của Biển Đen và ở phía Nam của Ukraine".
Các nhà phân tích chỉ ra rằng đối với quân đội Nga, việc giành quyền kiểm soát Đảo Rắn sẽ giúp họ có thể đổ bộ Odessa từ phía Nam và trong trường hợp thất bại khi đối phó với cuộc phản công của Ukraine, họ thể rút về khu vực Biển Đen để thực hiện tác chiến trên biển.
Đây là lý do Nga triển khai tàu tuần dương mang theo tên lửa dẫn đường Moskva đến hòn đảo này ngay lập tức, chỉ vài giờ sau khi phát động chiến dịch quân sự. Mặc dù Nga kiểm soát được Đảo Rắn, nhưng nước này cũng phải chịu thiệt hại lớn khi soái hạm Moskva bị chìm. Việc mất tàu Moskva đã khiến các tàu tiếp tế của Nga tới hòn đảo này chỉ được bảo vệ ở mức độ tối thiểu.
Theo chuyên gia Oleh Zhdanov, nỗ lực Nga củng cố sự hiện diện quân sự tại Đảo Rắn có thể tạo ra “thảm họa” đối với Ukraine, về mặt chiến lược cũng như kinh tế. Ukraine đã phải đóng cửa cảng biển tại Odessa, tạm dừng xuất khẩu ngũ cốc sau khi Nga kiểm soát hòn đảo này.
Ông Zhdanov lo ngại Đảo Rắn có thể được Nga sử dụng như một chiến tuyến thứ hai. “Nếu người Nga thành công trong việc lắp đặt các hệ thống phòng không tầm xa thì họ có thể bảo vệ được phi đội của mình và tiếp cận vùng bờ biển của Ukraine”. Không chỉ vậy, Đảo Rắn còn là chìa khóa giúp Nga kiểm soát tình hình ở khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nằm cách không xa thành phố Odessa của Ukraine.
Sự hiện diện của Nga trên hòn đảo này cũng khiến NATO “đứng ngồi không yên” vì Đảo Rắn cách bờ biển của Romania- một thành viên của NATO, khoảng 45km. Nhà phân tích hải quân Anh Jonathan Bentham cho rằng, hệ thống phòng không S-400 của Nga sẽ là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”.
Còn nhà sử học Dorin Dobrincu của Romania nhận định, nếu Nga triển khai hệ thống tên lửa này trên Đảo Rắn, không chỉ Odessa mà cả sườn phía Nam của NATO cũng sẽ bị đe dọa.
“Điều đó không chỉ là mối quan tâm đối với chính phủ và người dân Romania mà còn với toàn bộ liên minh. Nga có khả năng phá hủy các thành phố và năng lực quân sự ở lãnh thổ phía đông của chúng tôi”.
“Chìa khóa” để kiểm soát Biển Đen
Ngay từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, NATO đã điều động các lực lượng của Pháp và Bỉ tăng cường bảo vệ biên giới của Romania. Tuy vậy, Romania vẫn có thể chịu những rủi ro lớn về kinh tế khi Nga kiểm soát hòn đảo này.
Đảo Rắn nằm sát cửa sông Danube, nơi phân định biên giới của Romania với Ukraine. Cảng Constanta của Romania ở Biển Đen cách đó không xa và hiện những con tàu ở cảng này không còn khả năng tiếp cận cảng quan trọng của Ukraine ở Odessa.
Nhà phân tích chính trị - quân sự người Nga Alexander Mikhailov cho biết, quân đội Nga trên Đảo Rắn có thể kiểm soát giao thông vào Tây Bắc Biển Đen và đồng bằng sông Danube - cửa ngõ vào Đông Nam châu Âu. Ông nói rằng: “Nếu có một căn cứ quân sự hoặc cơ sở hạ tầng quân sự ở đây, Nga có thể chặn các con tàu đến hoặc rời con sông này”.
Trung tâm Euro-Atlantic của Romania cho rằng, Moscow có khả năng sẽ sáp nhập hòn đảo và kiểm soát nhiều tuyến đường vận chuyển trên Biển Đen hướng tới Eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Về mặt lịch sử, Đảo Rắn là lãnh thổ của Romania nhưng sau đó nó được chuyển giao cho Liên Xô để sử dụng như một căn cứ radar vào năm 1948. Bucharest đã chấp nhận thỏa thuận này khi còn nằm dưới ảnh hưởng của Liên Xô cho đến năm 1989.
Sau khi Liên Xô tan rã, Tòa án Công lý Quốc tế đã đưa ra các giới hạn về lãnh thổ của hòn đảo, trao cho Romania gần 80% thềm lục địa Biển Đen gần hòn đảo và Ukraine phần còn lại.
Ngoài vai trò to lớn về quân sự, giá trị chiến lược của Đảo Rắn còn thể hiện ở khía cạnh kinh tế. Đây là nơi rất giàu tài nguyên tài nguyên hydrocacbon và cũng có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào. Theo giới phân tích, dù có diện tích rất nhỏ nhưng số phận hòn đảo này lại là một trong những yếu tố chính trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine./.