Tuyên bố trên được ông Hollande đưa ra cuối giờ chiều 30/11 (giờ Paris) trong ngày đầu tiên cánh tả Pháp chính thức tiếp nhận đơn đăng ký của các ƯCV tham dự vào cuộc bầu cử sơ bộ của cánh này sẽ được tổ chức vào tháng 1.

Trong bài phát biểu kéo dài hơn 10 phút, ông Hollande vẫn bảo vệ các thành quả  trong nhiệm kỳ của mình khi nhấn mạnh đến các yếu tố tích cực gần đây trong việc chống lại tỷ lệ thất nghiệp và nâng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Pháp. Tuy nhiên, ông Hollande quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 vì thừa nhận không thể giải quyết nổi vấn đề chia rẽ nội bộ có thể dẫn đến sự tan vỡ bên cánh tả.

tong_thong_phap_otcb.jpg
Đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande (Ảnh: The New York Times).

Quyết định trên của ông Hollande là chưa từng có tiền lệ trong nền Cộng hoà thứ 5 của nước Pháp. Tính từ năm 1958, chưa có Tổng thống Pháp nào từ chối ra tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 của mình. Các ông Charles De Gaulle (1959-1966; 1966-1969), Francois Mitterand (1981-1995), Jacques Chirac (1995-2007)đều đã làm Tổng thống trong 2 nhiệm kỳ. Các ông Valery Giscard d’Estaing và Nicolas Sarkozy thất bại khi ra ứng cử nhiệm kỳ 2 còn ông George Pompidou qua đời khi đang là Tổng thống (1974).

Quyết định của ông Hollande, dù vẫn được nhắc đến như là một trong những khả năng có thế xảy ra, được coi là một bất ngờ lớn trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 đang đến rất gần.

Thứ nhất, ông Hollande nổi tiếng là người không bao giờ chịu từ bỏ mục tiêu và rất nhiều đồng minh lẫn các đối thủ chính trị của ông Hollande đều từng nhận định rằng ông Hollande sẽ đua tranh đến cùng. Việc ông Hollande không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 trên thực tế là một sự thừa nhận toàn diện thất bại của chính ông trong 5 năm làm Tổng thống Pháp. Điều này xem như đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Hollande.

Thứ hai, ông Hollande đã đưa ra quyết định gây sốc ngay trong ngày đầu tiên cánh tả chính thức tiếp nhận các đơn ứng cử của các ƯCV tham dự bầu cử sơ bộ. Theo lịch, đến 15/12 việc đăng ký mới kết thúc và ông Hollande hoàn toàn có thể dành thời gian để có thêm các tính toán cho đến thời điểm đó. Các phân tích từ chính giới Pháp trước đó cho rằng ông Hollande có thể sẽ chờ đến phút cuối mới đưa ra quyết định. Tuy nhiên, thực tế thì ông Hollande đã từ bỏ cuộc đua sớm hơn dự đoán của nhiều người.

Các nguyên nhân khiến ông Hollande thực hiện cú rút lui lịch sử, thực ra không phải quá mới mẻ.

Thành tích kinh tế và uy tín cá nhân là nguyên nhân đầu tiên. Cách đây hơn 1 năm, ông Hollande đã đưa ra một tuyên bố được xem là thực hiện một “canh bạc chính trị” theo đó ông sẽ chỉ ra tái tranh cử Tổng thống Pháp nếu đảo ngược được biểu đồ thất nghiệp tại Pháp. Canh bạc này đã không thành công vì trong suốt thời gian qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp dù không tăng mạnh nhưng cũng vẫn luôn ở mức trên 10% và lời hứa “lật ngược biểu đồ” của ông Hollande đã không được thực hiện. Rất nhiều đồng minh chính trị của ông Hollande đã coi tuyên bố này là một sai lầm nghiêm trọng khiến ông Hollande không còn đường lùi.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp không phải là thất bại duy nhất của ông Hollande. Trong gần 5 năm ở cương vị Tổng thống, chính quyền của ông Hollande đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng và chính giới Pháp ở nhiều cải cách quan trọng như việc tước quốc tịch Pháp của những kẻ khủng bố có hai quốc tịch, ở luật Macron, ở luật hôn nhân đồng giới và luật lao động El-Khomri. Tình hình kinh tế-xã hội Pháp u ám trong suốt vài năm qua khiến tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Hollande thuộc dạng thấp nhất trong các đời Tổng thống Pháp, chỉ trên dưới 10%. Với tỷ lệ này, hầu hết các phân tích dự đoán ông Hollande sẽ thất bại nếu ra tái tranh cử Tổng thống Pháp, thậm chí có thể sẽ thất bại ngay tại chính vòng sơ bộ cánh tả.

Nhưng, thành tích điều hành kém lạc quan không phải là nguyên nhân lớn nhất cho sự rút lui, mà chính là sự phản đối trong nội bộ cánh tả và nhất là ý thức của ông Hollande về rủi ro quá lớn cho cánh tả và cá nhân ông nếu ông ra tái tranh cử.

Nếu ông Hollande bất chấp uy tín cá nhân thấp để ra tranh cử thì sẽ khó có thể tập hợp được phe cánh tả vốn đang chia rẽ thành nhiều phe phái nhưng lại có một điểm chung là tất cả đều chống Hollande. Khi đó, giống như Nicolas Sarkozy bên cánh hữu, cuộc bầu cử sơ bộ cánh tả (nếu Hollande chấp nhận tham gia) có thể biến thành một cuộc trưng cầu chống lại Hollande mà phần thua dành cho ông Hollande là rất lớn.

Với cá nhân ông Hollande, việc bị loại ngay từ vòng sơ bộ cánh tả khi đang là đương kim Tổng thống sẽ là một sự ô nhục chưa từng có trong lịch sử nền chính trị Pháp và nguy cơ quá lớn đó có thể đã khiến ông Hollande chùn bước.

Việc ông Hollande rút lui, vì thế, có thể xem là quyết định đau đớn nhưng dũng cảm và an toàn cho cá nhân ông, cũng như tránh cho cánh tả rơi vào cảnh đấu đá nội bộ be bét và sẽ hoàn toàn đánh mất các cơ hội tranh đua cùng Francois Fillon bên cánh hữu và Marine Le Pen của Mặt trận quốc gia. Ông Hollande dĩ nhiên vẫn có cơ hội nếu đua tranh đến cùng, nhất là sau chiến thắng của ông Fillon bên cánh hữu, nhưng bản thân ông có lẽ đã tự cân nhắc thiệt -hơn rất kỹ trước khi từ bỏ tham vọng.

Việc của cánh tả bây giờ là nhanh chóng chọn ra được một đại diện đủ mạnh và có đủ khả năng tập hợp các phe phái trước khi bước vào cuộc đua cùng cánh hữu và đảng cực hữu Mặt trận quốc gia. Với sự rút lui của ông Francois Hollande, Thủ tướng Manuel Valls trở thành gương mặt sáng giá nhất cho cánh tả và dự đoán ông Valls sẽ sớm tuyên bố ra tranh cử trong tuần này. Tuy nhiên, ông Valls trước hết phải vượt qua gần chục đối thủ trong nội bộ cánh tả, trong một cuộc đua được dự báo là có không ít rủi ro. Tiếp đó, sẽ là các thách thức khác mang tên Emmanuel Macron, rồi đến Marine Le Pen và Francois Fillon./.