Ngày 29/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin 2 ngày trước khi cuộc họp dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Lý do mà Tổng thống Mỹ đưa ra liên quan đến vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch. Tuy nhiên, dư luận đang đặt dấu hỏi động cơ đằng sau quyết định này của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7/2018. |
Ông Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp chưa đầy một giờ sau khi nói với báo giới rằng ông tin "đây là thời điểm rất tốt để gặp ông Putin". Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định này trong cuộc tham vấn với Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Thông báo của ông Donald Trump khiến giới chức Nga bất ngờ khi họ chỉ biết tin qua truyền thông, thay vì nhận thông báo từ chính quyền Mỹ. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, phía Nga bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Mỹ và sẵn sàng liên lạc với ông Donald Trump.
"Chúng tôi đang trên đường đến hội nghị và chỉ thấy thông báo trên Twitter của ông Donald Trump và thông tin trên truyền thông. Chúng tôi không nhận được thông tin chính thức. Nhưng nếu điều đó là thật, chúng tôi sẽ có thêm thời gian cho các cuộc họp hữu ích khác".
Trong khi đó, phía Nhà Trắng không cho biết ông Donald Trump sẽ làm gì trong khoảng thời gian dự kiến diễn ra cuộc họp bị hủy giữa hai bên vào sáng 1/12 (giờ địa phương).
Nhận định về giải thích của phía Mỹ, ông Dan Kovalik, giáo sư nhân quyền tại Đại học Luật Pittsburgh cho rằng, đó không phải là một quyết định hợp lý vào thời điểm này. Theo ông Kovalik thì dù tình hình eo biển Kerch hay về việc ai là người có lỗi trong vụ việc thì giờ cũng là lúc cần một cuộc gặp giữa Mỹ và Nga để giải quyết vấn đề đó và cũng nhằm đối phó với những căng thẳng đang diễn ra ở bất kỳ nơi nào tại châu Âu giữa Nga và NATO.
Cũng theo ông Kovalik, việc hủy gặp Tổng thống Nga Putin đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong thái độ của nhà lãnh đạo Mỹ. Ông Donald Trump từng nhiều lần nhấn mạnh mong muốn làm ấm lại quan hệ với phía Nga. Theo đó, Tổng thống Donald Trump dường như đang cảm thấy bị áp lực như thể cuộc gặp với Nga đồng nghĩa với việc ông đang "hợp tác" với Tổng thống Putin. Đây luôn là luận điệu chỉ trích của phe Dân chủ tại Mỹ đối với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Kovalik nhận định: “Có vẻ như ban đầu chính quyền của ông Donald Trump cố cải thiện quan hệ với Nga. Tôi nghĩ đây cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, đảng Dân chủ và cả giới truyền thông tại Mỹ đẩy mạnh chiến dịch cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ khiến chính quyền của ông Donald Trump phải chứng minh rằng họ không hợp tác mà đang đối kháng với Nga”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7/2018, Tổng thống Donald Trump không phê phán người người đồng cấp Putin, khiến ông hứng nhiều chỉ trích khi trở về Mỹ. Thực tế là truyền thông Mỹ đã phản ứng mạnh trong và sau cuộc gặp Donald Trump - Putin ở Helsinki. Khá nhiều lãnh đạo cấp cao hay người nổi tiếng chỉ trích các phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo trong khuôn khổ hội nghị là một sự "phản quốc"./.
Hội nghị G20 đối mặt với nhiều bất đồng
Thượng đỉnh G20: Nín thở chờ thay đổi cục diện địa chính trị thế giới