Toan tính của Nga với Iran ở Syria
Idlib là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy và là khu vực quan trọng để Tổng thống Assad hoàn thành việc kiểm soát hoàn toàn đất nước. Chiến dịch quân sự lớn ở Idlib được lên kế hoạch cách đây 1 năm vẫn chưa thực sự bắt đầu. Trong những ngày qua, lực lượng chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga tăng cường tiến hành các cuộc tấn công nhưng chúng chỉ là "màn dạo đầu" nhằm gây sức ép với những kẻ nổi dậy và Thổ Nhĩ Kỳ bởi nếu cuộc tấn công thực sự diễn ra, Ankara sẽ phải đối mặt với cuộc di cư khổng lồ từ Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar Assad. Ảnh: AP |
Chiến dịch ở Idlib được cho là để thực hiện kế hoạch của Nga: soạn thảo hiến pháp mới cho Syria, tổ chức bầu cử, ổn định chính phủ và tái thiết đất nước.
Nhưng Nga không có ý định chỉ đơn giản trao lại Syria cho Tổng thống Assad. Nga muốn dùng Syria để tăng cường hơn nữa ảnh hưởng ở Trung Đông bằng cách bắc cầu quan hệ với Saudi Arabia và Các tiểu Vương Quốc Arab thống nhất, tăng cường liên minh kinh tế với Ai Cập đồng thời hỗ trợ quân sự cho nước này cũng như loại bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nhằm gia tăng vị thế Nga trên trường quốc tế.
Những mục tiêu này của Nga tuy nhiên lại không hề thống nhất với Iran. Iran coi Syria không chỉ là tiền đồn chiến lược bảo vệ ảnh hưởng của Iran ở Lebanon mà còn là tiền đồn khu vực để cân bằng ảnh hưởng với các tham vọng của Saudi Arabia. Tiền đồn này sẽ mở ra con đường cho Iran ở Địa Trung Hải và thúc đẩy liên minh với Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được xem là một đe dọa chiến lược, không chỉ với Israel và Mỹ, mà còn với cả Nga.
Những cuộc đụng độ địa phương gần đây giữa các lực lượng do Iran ủng hộ và các nhóm dân quân do Nga tài trợ đã cho thấy Nga đang hành động để loại bỏ đe dọa từ phía Iran.
Tehran bị 2 "cú đánh" từ Nga. Một lần là khi Nga từ chối yêu cầu mua hệ thống tên lửa S-400 từ Iran dù 2 nước từng "sát cánh" với Tổng thống Assad trong một liên minh tiêu diệt phe nổi dậy. Lần thứ 2 là khi Nga "im hơi lặng tiếng" giữa lúc Israel tiến hành tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria.
Với Iran, đây là một thông điệp, rằng Nga sẽ không sát cánh cùng nước này nếu Tehran bị Mỹ hay Israel tấn công và hơn nữa, Nga cũng sẽ có lợi ích nếu Iran bị cô lập. Các nhà phân tích phương Tây nhận định rằng sự ủng hộ của Nga với quyết định giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân của Iran xuất phát từ mong muốn của Moscow nhằm duy trì căng thẳng Mỹ - Iran như một phần trong ván bài chiến lược để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ độc quyền của EU.
Dỡ bỏ trừng phạt hay giảm các lệnh trừng phạt với Iran không phải là lợi ích của Moscow. Từng có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu từ Iran tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và một phần của nó đã được thực hiện. Cùng lúc đó, đường ống dẫn dầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoàn thành, nghĩa là Nga đang dẫn đầu cuộc đua. Nếu các lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ và Iran trở lại thị trường dầu mỏ, Nga sẽ thiệt hại nhiều ở thị trường châu Âu.
Cuộc gặp giữa các cố vấn an ninh của Nga, Mỹ và Israel dự kiến diễn ra ở Israel trong tháng này hội tụ trong một mục tiêu chung là đối phó với ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Theo các nguồn tin giấu tên, Nga mong Mỹ sẽ công nhận chính phủ Tổng thống Assad và dỡ bỏ trừng phạt. Đổi lại Nga sẽ hành động để loại bỏ ảnh hưởng của Iran ở Syria.
Tuy nhiên, loại bỏ ảnh hưởng của Iran còn có một lựa chọn nữa, đó là gây sức ép cho Tổng thống Assad - người đã đưa Iran vào ván bài Syria này. Nếu thành công trong việc tiễn chân Iran khỏi Syria, Tổng thống Assad có thể nhận được sự công nhận từ phía Mỹ và lời cam kết sẽ không tấn công Syria từ Israel. Nhà lãnh đạo Syria cũng nhận được những khoản tài trợ tái thiết đất nước từ Saudi Arabia cùng sự ủng hộ chiến lược từ Nga. Chừng ấy là quá nhiều so với những gì Iran có thể mang lại cho Tổng thống Assad.
Nhưng vấn đề ở đây là nếu Tổng thống Assad đồng ý loại bỏ các lực lượng của Iran ở Syria, ông sẽ phải có một giải thích hợp lý rằng tại sao lại là Iran mà không phải Nga. Tổng thống Syria cũng sẽ phải dựa vào Mỹ, Israel và Nga với những lợi ích khác nhau và trong kịch bản xấu nhất, có thể chính ông cũng sẽ phải rời đi.
Đằng sau mối quan hệ phức tạp Nga – Thổ Nhĩ Kỳ
Nga muốn giúp Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát tất cả lãnh thổ Syria, bao gồm cả Idlib và vùng đông bắc. Ban đầu, Idlib đại diện cho cơ hội của Moscow trong ván bài đối ngoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Ván bài này sẽ đưa Moscow và Ankara xích lại gần nhau trong nhiều vấn đề, cả trong hợp tác song phương và công nghệ quân sự. Tháng 9/2018, Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thậm chí đã ký kết với nhau thỏa thuận Sochi về Idlib với những cam kết mạnh mẽ từ phía Ankara, nhất là trong vấn đề đối phó với nhóm phiến quân HTS. Nhưng từ đó trở đi, những cam kết này đã không được thực hiện đầy đủ và không như những gì Moscow mong đợi.
Những cuộc tấn công gần đây của quân chính phủ Syria với sự hậu thuẫn từ Nga là minh chứng cho thấy Moscow đang cảm nhận rõ tình hình ở Idlib đang vượt quá tầm kiểm soát khi HTS ngày càng tăng cường lực lượng cũng như củng cố các vị trí trong khu vực này. Bản thân Nga cũng chịu sức ép từ phía Syria và Iran ở một mức độ nào đó khi Thổ Nhĩ Kỳ không thể thực hiện các cam kết như đã hứa.
Tất cả mục tiêu mà Nga tuyên bố khi hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ như tuần tra chung, đàm phán hòa bình, các biện pháp kiềm chế HTS là những bước quan trọng về mặt chính trị để giải quyết tình hình. Nhưng tất cả những điều đó không phải lợi ích cuối cùng của Moscow. Đó chỉ là công cụ để Nga chơi trò "mềm nắn rắn buông" với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan hiểu Moscow muốn Ankara hành xử một cách thông minh và tránh các động thái leo thang căng thẳng. Chính vì thế, trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin những tuần trước, ông Erdogan đã đổ lỗi cho Damascus vì đã "phá hoại" mối quan hệ giữa Moscow và Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cũng "đánh tiếng" với ông Putin rằng ông hiểu Nga "không hài lòng" với vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết nhóm nổi dậy HTS.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như là một "ca khó" với Nga ở Syria. Các cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Erdogan diễn ra chỉ một vài ngày sau khi các bài báo cho biết Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho các nhóm đối lập ở Idlib. Theo Reuters, các vũ khí này được sử dụng để giúp các nhóm phiến quân trung thành với Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại quân chính phủ Syria do Nga ủng hộ sau khi Ankara "thất bại trong việc thuyết phục Nga ở các cuộc gặp giữa các nhóm làm việc chung gần đây nhằm chấm dứt dòng người di cư tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa nhiều phương tiện bọc thép, tên lửa dẫn đường chống tăng và các vũ khí khác nhằm giúp phiến quân giành lại thị trấn Kfar Nabouda chiến lược và đẩy lùi quân đội Syria nhưng thật trớ trêu khi một số vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho lực lượng này là do Moscow chế tạo và phân phối cho Ankara trong các hợp đồng quân sự song phương những năm 2000. Điều này với Nga chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”.
Dù vậy, Nga vẫn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết tình hình Idlib khi tuyên bố tình hình hiện tại chỉ nên "có 2 bên" giải quyết là Moscow và Ankara. Không bên thứ ba nào nên can dự, đặc biệt là Mỹ và các nước EU.
"Hãy nhìn xem, mọi người đều đang chơi ván bài của mình ở đây", một quan chức ngoại giao cấp cao của Nga nhận định với trang Al-Monitor. "Mỹ tìm kiếm mọi cơ hội để phá hoại mối quan hệ giữa chúng tôi và Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là trong thương vụ S-400. EU muốn tạo ảnh hưởng và vẫn muốn có "một chân" trong ván bài này. Nhưng tất cả những gì họ có thể làm là đưa ra các tuyên bố và đề xuất trên giấy tờ để buộc chúng tôi phải hành động có trách nhiệm hơn trong các cuộc giao tranh ở Idlib".
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng là Thổ Nhĩ Kỳ tuân theo các điều khoản của thỏa thuận về Idlib ở Sochi. "Nga sẽ duy trì hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có trách nhiệm ngăn cản các cuộc tấn công của những kẻ khủng bố từ Idlib".
Tuy nhiên, Idlib không chỉ là quân bài để Ankara mặc cả trong vấn đề người Kurd mà còn là khu vực để nước này duy trì ảnh hưởng ở Syria.
Chiến tranh ở Syria thực chất vẫn chưa qua đi và mối quan hệ phức tạp giữa các bên vẫn chưa có một nút mở. Có mối quan hệ như Nga – Iran tưởng là đồng minh nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng, có mối quan hệ được định nghĩa bằng quy luật “kẻ thù của kẻ thù là bạn” trong “liên minh” chưa có tiền lệ Nga – Mỹ Israel. Không chỉ Nga, bất cứ nước nào đang hiện diện ở quốc gia Trung Đông này đều có những toan tính chiến lược mà mỗi bên đều chưa vội ngả quân bài cuối cùng cho đến khi chắc rằng lợi ích chiến lược của mình được đảm bảo./.
Dự cuộc gặp chưa có tiền lệ, Nga-Mỹ “hóa giải” căng thẳng Israel-Syria?