Diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị trong và ngoài khu vực đang có nhiều diễn biến mới, cuộc họp của giới chức EU lần này cũng thu hút sự chú ý khi đề cập nhiều vấn đề đối ngoại “nóng” trong đó phải kể đến căng thẳng với Belarus hay mối quan hệ có chiều hướng xấu đi với Nga.
27 nhà lãnh đạo của EU đã nhất trí áp trừng phạt Belarus, bao gồm trừng phạt kinh tế đồng thời cắt đứt các liên kết hàng không với Belarus sau vụ nước này yêu cầu máy bay thương mại chuyển hướng và bắt giữ nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich.
Thông điệp của EU qua biện pháp cứng rắn với Belarus
Vụ việc máy bay của hãng hàng không châu Âu Ryanair bị ép hạ cánh xuống sân bay thủ đô Minsk của Belarus có thể nói là sự kiện nổi bật, chi phối và tạo nên một thay đổi lớn trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo châu Âu.
Trong bức thư hôm 21/5 mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel gửi đến lãnh đạo 27 nước thành viên EU, mời đến họp Thượng đỉnh tại Brussels đầu tuần này, nghị trình ban đầu được ghi rõ là ngay trong ngày đầu tiên, các lãnh đạo châu Âu sẽ tiến hành một cuộc thảo luận chiến lược về mối quan hệ với Nga. Tiếp đến mới bàn đến các chủ đề khác như quan hệ EU-Anh sau Brexit, rồi vấn đề căng thẳng ở Trung Đông cũng như chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh EU-Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 6/2021.
Tuy nhiên, do sự cố xảy ra ở Belarus, các lãnh đạo EU đã dành phần lớn thời gian của ngày làm việc đầu tiên để bàn về các biện pháp trừng phạt Belarus. Kết quả là phía châu Âu đã ra lệnh cấm hãng hàng không chính của Belarus là Belavia được bay vào không phận cũng như tiếp cận các sân bay của các nước EU, đồng thời cũng kêu gọi các hãng hàng không châu Âu không bay qua không phận Belarus. Một loạt các biện pháp trừng phạt khác, cả về kinh tế lẫn chính trị, có thể sẽ bổ sung trong những ngày tới, trong đó đáng chú ý có việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi mời lãnh đạo phe đối lập của Belarus đến dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Anh vào tháng 6/2021.
Về tổng thể, phản ứng của châu Âu với Belarus là tương đối mạnh vì châu Âu coi đây là một hành động “chưa từng có tiền lệ” và “không thể chấp nhận được”, không chỉ đe dọa an ninh hàng không, an toàn của công dân mà còn là sự thể hiện việc Belarus sẵn sàng hành động mà không cần kiêng dè châu Âu. Do đó, châu Âu cho rằng cần phải đáp trả xứng đáng, đáp trả một cách mạnh mẽ để bảo vệ uy tín chính trị của châu Âu.
Sự cố diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Belarus trên thực tế đã đóng băng trong thời gian qua sau khi EU không công nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm ngoái tại Belarus, phản đối chính quyền của ông Alexander Lukashenko, đồng thời công khai hậu thuẫn cho phe đối lập, với ý định rõ ràng về việc kích hoạt một cuộc cách mạng màu để thay đổi chế độ tại Belarus, nhưng đã thất bại do Nga đã can thiệp và ngăn chặn. Do đó, sự cố vừa xảy ra càng khiến châu Âu cứng rắn hơn với Belarus, và khẳng định thông điệp của khối này là không chấp nhận chính quyền của ông Lukashenko.
Thay đổi nào trong định hướng chính sách của EU đối với Nga sau 5 năm?
Quan hệ với Nga vốn là chủ đề trọng tâm trong các thảo luận về chính sách đối ngoại của EU tại Thượng đỉnh lần này, nhưng đã bị sự cố ở Belarus lấn át. Trong thời gian qua, quan hệ với EU-Nga đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi hai bên trả đũa lẫn nhau bằng các lệnh trừng phạt, như trục xuất các nhà ngoại giao, cấm các nghị sĩ nhập cảnh rồi việc Nga đưa một số nước thành viên EU vào danh sách “quốc gia không thân thiện”.
Có thể nói, quan hệ EU-Nga đang rơi tự do và hai bên không hề có ý chí đủ lớn để cứu vãn mối quan hệ này. Về phía châu Âu, các lực lượng chống Nga, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu, Baltic đang hoạt động rất mạnh và chiếm ưu thế trên truyền thông. Các chính sách thù địch với Nga chủ yếu là từ nhóm nước này thúc đẩy, như mới đây Nghị viện châu Âu thậm chí còn ra một dự thảo tuyên bố muốn thúc đẩy việc thay đổi chế độ tại Nga.
Bên cạnh đó, sức ép của Mỹ trong việc muốn khai tử dự án đường dẫn khí gas “Dòng chảy phương Bắc 2”, rồi việc NATO gia tăng áp lực lên biên giới phía Tây của Nga… càng khiến quan hệ EU-Nga xấu đi trầm trọng. Nga đã buộc phải đáp trả sự thù địch này bằng cách gây áp lực lên vấn đề Ukraine, rồi trả đũa các lệnh trừng phạt ngoại giao của EU.
Trong thông điệp Liên bang cách đây vài tuần, Tổng thống Nga,Vladimir Putin cũng đã đưa ra các cảnh báo về “lằn ranh đỏ” mà phương Tây không nên vượt qua, còn Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov từng tuyên bố rằng “Nga sẵn sàng cắt đứt quan hệ với EU” nếu các chính sách thù địch tiếp diễn. Do đó, thực trạng quan hệ EU-Nga hiện nay còn xấu hơn cả thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014.
Châu Âu giờ đang ở ngã ba đường về chính sách đối ngoại, khối này bị chia rẽ mạnh trong cách tiếp cận với Nga, giữa một bên là hai cường quốc Pháp-Đức cùng một số nước Nam Âu muốn duy trì một quan hệ mang tính đối thoại thẳng thắn với Nga, còn bên kia, chiếm đa số, lại nương theo định hướng chính sách của Mỹ, gia tăng đối đầu với Nga, đặc biệt là 3 nước Baltic cùng các nước Đông Âu như Ba Lan, CH Séc…
Châu Âu hiện không còn ở thế có thể ép buộc Nga nhượng bộ vì sau 7 năm trừng phạt liên quan đến khủng hoảng Ukraine, Nga vẫn đứng vững và đã đa dạng hóa được cấu trúc kinh tế cũng như các mối quan hệ đối ngoại của mình, trong đó đặc biệt quan trọng là nâng tầm quan hệ với Trung Quốc, còn châu Âu thì lại vẫn dường như quá xa rời thực tế địa chính trị.
Hiện tại, đang có một độ vênh lớn về nhận thức địa chính trị trong châu Âu, giữa chính phủ mỗi nước thành viên và giữa các thiết chế của chính EU, điển hình là giữa Nghị viện châu Âu với Ủy ban châu Âu, trong đó Nghị viện châu Âu có vẻ vẫn đang bị ảnh hưởng lớn bởi tư duy chiến tranh Lạnh. Cán cân quan hệ EU-Nga đã thay đổi nhưng dường như EU chưa nhận thức đủ sâu về sự thay đổi này và nay cần phải điều chỉnh lại. Nhưng do sự cố Belarus, các lãnh đạo châu Âu cũng đã hẹn đến tháng sau (6/2021) mới có thể bàn cụ thể về các thay đổi chiến lược này.
EU chuẩn bị và kỳ vọng gì vào chuyến thăm của Tổng thống Biden sắp tới?
Ngoài việc đưa ra các phản ứng về mối quan hệ với Nga hay với đồng minh của nước này là Belarus cùng một số chủ đề khác, giới quan sát cho rằng mục tiêu mà các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU hướng tới trong hai ngày họp là thúc đẩy các giải pháp xây dựng lại một liên minh mạnh mẽ với Mỹ trước khi Tổng thống Joe Biden sẽ đến thăm châu Âu dự kiến vào tháng tới.
Việc thay đổi chính quyền ở Mỹ, khi ông Joe Biden lên thay ông Donald Trump tạo ra rất nhiều kỳ vọng ở châu Âu vì ông Joe Biden là một chính trị gia cổ điển, ủng hộ chủ nghĩa Đại Tây Dương, trong khi ông Donald Trump thì thể hiện công khai sự không thân thiện với chính các đồng minh châu Âu. Vì thế, ngay khi ông Joe Biden nhậm chức, châu Âu đã phát đi thông điệp muốn cùng Mỹ xây dựng lại mối quan hệ đồng minh chiến lược liên Đại Tây Dương, cùng Mỹ thảo luận về chiến lược chung đối phó với Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, vì châu Âu luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương nên châu Âu cũng mong muốn chính quyền của ông Joe Biden thể hiện một cách cụ thể bằng hành động việc ủng hộ các thiết chế đa phương, chứ không chỉ bằng lời nói, trong đó chủ đề cấp bách nhất là chính sách phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu, hợp tác nâng cao năng lực sản xuất vaccine, hoặc có thể là nới lỏng các biện pháp cấm xuất khẩu vaccine và nguyên liệu sản xuất vaccine.
Trong tất cả các chủ đề này, chiến lược đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc có lẽ là điểm đạt được sự đồng thuận lớn nhất giữa châu Âu và Mỹ. Trong khi phía Mỹ đã xác định rõ Trung Quốc là đối thủ địa chính trị lớn nhất của nước này trong thế kỷ 21 thì EU mới đây cũng đã gia tăng căng thẳng với Trung Quốc qua các vụ trừng phạt trả đũa dẫn tới đóng băng quy trình phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc hoàn tất cuối năm 2020. Vì thế, EU có nhu cầu cũng như sức ép phải phối hợp hành động với Mỹ để buộc Trung Quốc nhượng bộ, dù khác với Mỹ, châu Âu đã tuyên bố là không muốn đối đầu hay bao vây Trung Quốc. Do đó, châu Âu chờ đợi cuộc gặp với ông Joe Biden vào tháng 6/2021 sẽ giúp định hình được một khung chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc.
Ngược lại, cách tiếp cận với Nga có lẽ sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa EU và Mỹ vì trong lúc quan hệ EU-Nga đang rơi tự do thì chính quyền Mỹ lại có dấu hiệu muốn hòa giải, nhượng bộ Nga. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã có cuộc gặp rất hòa nhã với Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov tại Iceland và Mỹ ngày càng thể hiện rõ là muốn xoa dịu Nga để kéo Nga rời xa Trung Quốc. Chắc chắn châu Âu cũng sẽ muốn Mỹ làm rõ các ý định của phía Mỹ trong chủ đề này, để qua đó xây dựng chiến lược quan hệ với Nga của riêng châu Âu trong thời gian tới./.