TheoAP, rất may là cô gái 15 tuổi này đã trốn thoát được sang Thổ Nhĩ Kỳ và đang sinh sống cùng 2 người anh trai của mình.
Cả ba người hiện sống trong một lán trại ven đường tại một ngôi làng nhỏ ở phía Bắc Iraq cùng với nhiều gia đinh khác cũng bị ly tán sau các cuộc tấn công của IS.
Hai người em gái của cô vẫn nằm trong tay IS trong khi bố và các anh trai của họ đã bị mất tích.
Hành trình nhiều trắc trở
Cô gái 15 tuổi này chỉ là một trong số hàng trăm phụ nữ và trẻ em người Yazidi bị IS bắt vào đầu tháng 8 vừa qua khi chúng chiếm được thị trấn Sinjar, quê nhà của cô, tại miền Bắc Iraq.
Trong cuộc tấn công thị trấn nói trên, IS đã tiêu diệt hàng trăm dân thường và buộc hàng chục nghìn người phải đi sơ tán đến các khu vực do người Kurd kiểm soát.
Bộ Nhân quyền Iraq cho biết, tại thời điểm đó có hàng trăm phụ nữ Iraq bị IS bắt vì chúng coi những người Yazidis là những người theo tôn giáo phù thủy.
Theo AP, trong cuộc nói chuyện của mình, cô gái này đã kể lại những điều gần như trùng lặp với những gì đã được nêu trong bản báo cáo nhân quyền của Liên Hợp Quốc đưa ra vào tháng 9 vừa qua.
Cũng như nhiều phụ nữ và trẻ em gái khác, cô gái này nhắc lại việc nhóm phiến quân này chia họ thành nhiều nhóm nhỏ và đưa về nhiều khu vực khác nhau do chúng kiểm soát tại Syria và Iraq và bán họ cho các chiến binh nước ngoài hoặc ép họ phải cưới những người ủng hộ IS.
Trong hàng tuần trời sau khi bị bắt tại Sinjar, cô gái 15 tuổi này cùng 2 em gái của mình bị đưa đi hết nơi này đến nơi khác.
Trong câu truyện của mình, cô gái này nói rất rõ ràng và không hề chần chừ gì khi bị hỏi. Trước đó, cô đã yêu cầu người thân của mình đi ra một chỗ khác bởi cô cảm thấy mình sẽ dễ chịu hơn khi được ở một mình.
Đầu tiên, cô nói rằng, cô và những cô gái khác được đưa đến thị trấn Tal Afar, nơi cô bị giam giữ tại nhà tù Badosh.
Khi Mỹ bắt đầu không kích IS tại đây thì nhóm này đưa cô cùng nhiều cô gái khác đến thành phố Mosul, thành lũy quan trọng nhất của chúng ở phía Bắc Iraq.
Từ Mosul, chúng đưa họ đến thủ đô tự xưng của chúng là thành phố Raqqa tại Syria nới chúng giam giữ họ trong một căn nhà.
“IS đưa những cô gái này đến Syria để bán họ”, cô gái này nói, “Tôi cũng bị bán sang Syria nơi tôi ở cùng các em gái của mình trong vòng 5 ngày. Sau đó, một em gái của tôi bị bán và đưa trở lại Mosul trong khi tôi vẫn ở lại Syria”, cô gái này kể.
Tại Raqqa, cô bị bắt cưới một người đàn ông Palestine. Cô cho biết cô đã bắn chết người này nhờ sự giúp đỡ của một ông chủ nhà người Iraq vốn có mâu thuẫn với người Palestine nói trên và cung cấp súng cho cô.
Sau đó cô chạy trốn nhưng cũng không biết chạy đi đâu nên chỉ còn cách là đành phải quay về nơi cô và những cô gái khác bị giam giữ tại Raqqa.
Rất may là bọn IS ở đó không nhận ra cô và lại đem bán cô lần nữa với giá 1.000 USD cho một chiến binh người Saudi. Chiến binh này sau đó đưa cô về một ngôi nhà nơi hắn sống chung cùng nhiều chiến binh khác.
“Hắn nói với tôi: “Tao sẽ đổi tên mày thành Abeer để mẹ mày không nhận ra mày được. Mày sẽ là một người Hồi giáo sau đó tao sẽ lấy mày”. Tuy nhiên tôi đã từ chối trở thành một người Hồi giáo và tìm cách chạy trốn”, cô gái kể lại.
Cô cho biết cô thấy những tên chiến binh này pha chế một loại thuốc dạng bột và cô đã lấy cắp rồi pha với trà để cho những tên này uống khiến chúng ngủ ly bì và trốn ra khỏi nhà.
Sau đó, cô may mắn đi nhờ một người đàn ông đến Thổ Nhĩ Kỳ và gặp lại anh trai mình. Anh trai cô sau đó đã vay 2.000 USD từ bạn bè để trả cho một kẻ buôn người để nhờ hắn đưa họ về lại Iraq.
Sau đó họ quyết định dừng chân tại một ngôi làng ven đường bên ngoài thành phố Dahuk của người Kurd, nơi có nhiều gia đình Yazidi cũng sinh sống.
Câu chuyện của những cô gái khác
Những cô gái khác cũng kể lại những điều kiện khó khăn mà họ phải trải qua khi nằm trong tay của IS. Họ cho biết, chúng thường bỏ đói họ, bắt họ nhịn uống nước và thậm chí không cho họ ngồi.
Họ cũng chứng kiến hàng chục phụ nữ và trẻ em gái người Yazidi bị bắt và đều nói rằng họ cũng có người thân bị mất tích.
Amsha Ali, một cô gái 19 tuổi, cho biết cô bị đưa từ Sinjar đến Mosul khi cô đang mang thai ở tháng thứ 6. Lần cuối khi cô còn nhìn thấy chồng và những người đàn ông trong gia đình mình là khi cô bị IS kéo ra khỏi nhà trong khi họ bị chúng bắt nằm úp mặt xuống đất.
Tại Mosul, cô và nhiều phụ nữ khác bị đưa vào một ngôi nhà đầy những tên IS và bị ép phải cưới chúng.
“Mỗi tên trong số chúng chọn lấy một người trong số chúng tôi”, cô nói và cho biết một tên IS đã chọn cô nhưng cô đã không bị cưỡng hiếp bởi đang có thai. Tuy nhiên, cô đã phải chứng kiến nhiều cô gái khác bị cưỡng hiếp.
Sau đó vài tuần, cô đã trốn thoát khỏi ngôi nhà đó vào ban đêm sau khi trèo qua cửa số phòng tắm.
Một người Mosul nhìn thấy cô ven đường đã giúp cô trốn ra khỏi thành phố đến một khu vực của người Kurd vào ngày 28/8, cô kể lại.
Cô cho biết cô cố gắng thuyết phục nhiều người khác cùng trốn cùng cô nhưng họ quá sợ hãi.
“Họ đã quá sợ hãi nên họ chọn cách ở lại và giờ tôi không có thông tin gì về họ nữa”, cô nói.
Giờ thì Ali sống cùng cha và em gái mình tại một ngôi nhà xây dang dở tại thị trấn Sharia, nơi có khoảng 5.000 người Yazidi đang sinh sống gần Dahuk.
“Việc chúng giết hại người khác không phải là điều ghê gớm nhất mà tôi phải trải qua”, cô nói khi nhớ lại cảnh tượng những tên IS tấn công và tiêu diệt người Yazidi tại Sinjar.
“Ngay cả khi chúng buộc bố chồng tôi, chồng tôi và các anh em trai nhà chồng phải nằm xuống đất để chúng tiêu diệt thì đó cũng chỉ là những điều rất đau khổ đối với tôi. Tuy nhiên, điều ghê gớm nhất lại là việc phải cưới một tên IS. Đó là điều khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”, cô nói./.