Vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. Ảnh: Rodong Sinmun |
1.Ngày 29/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bắt đầu thảo luận dự thảo tuyên bố kêu gọi thực thi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên.
Động thái này diễn ra sau khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành thử tên lửa tầm trung trong những ngày qua.
Bước đi này được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang, với liên tiếp những tuyên bố và động thái răn đe lẫn nhau của các bên liên quan.
Dự thảo tuyên bố đang được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận yêu cầu tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc chậm nhất là tới ngày 31/5 phải đưa ra “các biện pháp cụ thể” nhằm thực hiện nghị quyết 2270 thông qua hôm 2/3 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia tăng các biện pháp trừng phạt quốc tế với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Trước đó, quân đội Mỹ cho biết, cả hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên ngày 28/4 đều đã thất bại.
Vụ phóng thử đầu tiên diễn ra vào lúc 6h40 sáng gần bờ biển phía Đông thành phố Wonsan. Quả tên lửa Musudan trong vụ phóng thử này đã rơi xuống chỉ vài giây sau khi được phóng đi.
Trong vụ phóng thử thứ 2 diễn ra lúc 19h26, Triều Tiên cũng phóng cùng loại tên lửa này ở cùng một khu vực như vụ đầu tiên và cũng đã thất bại.
Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc cho biết, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thử thêm tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan sau nhiều lần thất bại.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Bloomberg |
2.Để đối phó với các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu đàm phán về khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã khiến Nga và Trung Quốc lo ngại. Ngày 29/4, phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc và Nga đã hối thúc Mỹ không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Mỹ cần phải tôn trọng “những lo ngại chính đáng” của Nga và Trung Quốc đối với hệ thống phòng thủ tên lửa.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, hành động của Triều Tiên không nên được sử dụng như một cái cớ để thực hiện những hành động có thể làm leo thang căng thẳng.
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Chữ Thập ở Biển Đông. Ảnh AP |
3.Trung Quốc được cho là đang tiếp tục tìm cách chia rẽ ASEAN về những tranh chấp ở Biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc đã rầm rộ đưa tin rằng, trong chuyến thăm tới 3 nước ASEAN là Lào, Campuchia và Bruneim Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đạt được thỏa thuận 4 điểm với 3 quốc gia nói trên trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, ngày 27/4, trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam tại Campuchia, Quốc vụ khanh Nhà nước, người phát ngôn của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan đã khẳng định Campuchia không hề thông qua một thỏa thuận mới nào với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Theo các chuyên gia, động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan sắp công bố phán quyết cuối cùng về vụ Philipines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ tính hợp pháp của Tòa và khẳng định sẽ không tôn trọng phán quyết của Tòa.
Ngoài ra, động thái này của Trung Quốc cũng được cho là nhằm ngăn chặn ASEAN đạt được đồng thuận trong tranh chấp Biển Đông một khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực được công bố.
Liên quan đến vụ kiện, Mỹ vừa lên tiếng cho rằng, Trung Quốc có nguy cơ bị tổn hại uy tín “khủng khiếp” nếu Bắc Kinh phớt lờ một phán quyết của Tòa án quốc tế liên quan đến vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Mỹ đồng thời kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết ủng hộ quyết định của tòa án.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm mới đây tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại vừa lên tiếng thể hiện sự đồng thuận của nước này với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Chiến trường Aleppo. Ảnh: Alalam |
4.Hôm 29/4, tại Geneve, Thụy Sĩ, Mỹ và Nga nhất trí sẽ tạm dừng các cuộc không kích tại hai mặt trận chính ở Syria, nhằm cứu vãn lệnh ngừng bắn hòa bình đang có nguy cơ bị đổ vỡ.
Theo thỏa thuận, quân đội Nga và Mỹ sẽ ngừng các cuộc không kích ở tỉnh Ghouta, phía Đông thủ đô Damascus, tỉnh Latakia lệnh ngưng chiến có hiệu lực kể từ 1 giờ sáng ngày 30/4 và kéo dài trong 24 giờ.
Đây là lệnh ngừng bắn thứ 2 đạt được trong năm nay theo sáng kiến của Nga và Mỹ sau khi lệnh ngừng bắn đầu tiên có hiệu lực từ hôm 27/2 bị đổ vỡ, dẫn tới tình trạng leo thang căng thẳng trong những ngày qua, đặc biệt là tại Aleppo, một thành phố lớn ở miền Bắc Syria.
Tuy nhiên, dù thừa nhận tình trạng xung đột tại Aleppo là không thể chấp nhận và đáng lo ngại, song Nga và Mỹ lại không thể đi tới một thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực này.
Toàn cảnh Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần thứ 5. |
5.Ngày 27/4, tại thủ đô Moscow khai mạc Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 5 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ 80 quốc gia, trong đó có 14 Bộ trưởng Quốc phòng và 10 đoàn đại biểu của các quốc gia thành viên ASEAN.
Nội dung chính của Hội nghị lần thứ 5 này là cuộc đấu tranh chống khủng bố. Các đại biểu tham dự Hội nghị năm nay cũng rất quan tâm vấn đề hợp tác quân sự vì mục đích củng cố an ninh toàn cầu, vấn đề an ninh ở châu Âu, Trung Đông, tình hình ở khu vực châu Á - TBD và Trung Á...
Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày 27 và 28/4 có bốn phiên họp toàn thể với các chủ đề: “Chủ nghĩa khủng bố, mối đe dọa chính đối với an ninh toàn cầu”; “Những thách thức an ninh và khả năng hợp tác quân sự quốc tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”; “An ninh toàn cầu và hợp tác quân sự”; “Vấn đề chiến tranh và hòa bình tại châu Âu: hệ thống an ninh mới tại châu Âu”.
|
6.Quan hệ giữa Nga và NATO lại đang có những dấu hiệu căng thẳng. Ngày 27/4, hai siêu chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ đã hạ cánh xuống Lithuania - một động thái được cho là phô trương sức mạnh nhằm vào Nga.
Hai chiến đấu cơ F-22 này đã có mặt tại sân bay Siauliai cùng với một nhóm các chiến đấu cơ Tây Ban Nha theo chính sách về Không quân của NATO nhằm hỗ trợ các quốc gia Baltic bảo vệ biên giới trước “sự đe dọa từ Nga”.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, các chiến đấu cơ Su-24 của Nga đã áp sát tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Donald Cook của Mỹ đang có mặt tại biển Baltic để tham gia cuộc tập trận chung với NATO. Phía Mỹ cáo buộc chiến đấu cơ của Nga đã “tấn công giả tưởng nhằm vào tàu khu trục của Mỹ”.
Vài ngày sau, một máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ đã bị chiến đấu cơ Su-27 của Nga chặn đầu và khiến NATO ngay lập tức cáo buộc quân đội Nga “có những hành động thiếu chuyên nghiệp và không an toàn”.
Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và NATO rằng hành động của Nga là khiêu khích và lên tiếng cho rằng, chính NATO mới là bên cố tình làm leo thăng căng thẳng bằng việc điều quân đến các quốc gia Đông Âu gần Nga.
|
7.Liên quan đến cuộc bầu cử tại Mỹ, các ứng viên bầu cử Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Hillary Clinton - đã giành được những thắng lợi quan trọng có thể giúp họ tiến sát hơn tới mục tiêu lọt vào vòng cuối để tham gia vào cuộc “song đấu” giành chức Tổng thống.
Sức mạnh chính trị của ứng viên đảng Cộng hòa Trump đã thể hiện rõ trong các cuộc đua tranh ở các bang Maryland, Delaware, Pennsylvania, Connecticut và Rhode Island. Trong khi đó bà Clinton đã thu được những chiến thắng lớn ở Maryland và Pennsylvania cùng với Delaware.
Với các thắng lợi trên, ông Trump đã tiến sát đến mục tiêu có 1.237 đại biểu mà ông này cần để có thể được đề cử tuyệt đối cho cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng Cộng hòa vào tháng 7. Trong quá trình này, ông Trump đã giáng những đòn mạnh vào các tuyên bố của các đối thủ Ted Cruz và John Kasich cho rằng ông nên bị loại khỏi đề cử.
Trong khi đó, các thắng lợi lớn của bà Clinton đã củng cố lập luận của nhóm tranh cử của bà cho rằng đã đến lúc ông Sanders phải quyết định ngừng tấn công về mặt cá nhân và chính trị nhằm vào bà./.