1. Tối 19/12, một chiếc xe tải đã bất ngờ lao vào khu chợ Giáng sinh đông đúc ở thủ đô Berlin, Đức khiến 12 người thiệt mạng, 48 người bị thương. 

berlin1_dlrn_qkxm.jpg
Cảnh sát tuần tra tại chợ Giáng sinh ở Quảng trường Breitscheid, Berlin ngày 22/12/2016. (ảnh: Reuters). 

Đáng chú ý là trước đó, nhiều cơ quan tình báo châu Âu đã liên tục phát đi lời cảnh báo các nước phải thắt chặt an ninh trước đợt nghỉ lễ bởi nguy cơ khủng bố những ngày này là rất cao.

Ngay sau vụ tấn công, trong một tuyên bố đăng trên mạng Amaq, tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ việc. Tuyên bố này nêu rõ, một binh sĩ của tổ chức này đã thực hiện chiến dịch ở Berlin nhằm hưởng ứng những lời kêu gọi tấn công nhằm vào công dân của các nước tham gia liên minh chống IS.

Sau vụ khủng bố, cảnh sát Đức tổ chức truy nã gắt gao nghi phạm. Những khu trại dành cho người tị nạn liên tục bị khám xét.

Thủ phạm vụ tấn công được xác định là Anis Amri - 24 tuổi người gốc Tunisia. Sau nhiều ngày lẩn trốn, ngày 23/12, tên Anis Amri đã bị phát hiện và tiêu diệt tại thành phố Milan, Italy sau một cuộc đọ súng với cảnh sát.

Các chuyên gia cho rằng, vụ tấn công khủng bố tại Berlin như giọt nước tràn ly, sẽ dẫn tới những thay đổi lớn tại Đức liên quan tới vấn đề nhập cư. 

2.Không chỉ nước Đức thấp thỏm nỗi lo khủng bố khi mùa Giáng sinh đến, mà các nước khác trên thế giới cũng phải tăng cường an ninh trong dịp này. Ngày 23/12, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo các lực lượng chức năng cần cảnh giác cao độ trước nguy cơ các phần tử cực đoan ủng hộ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện các vụ tấn công trên đất Mỹ trong dịp Giáng sinh. 

Cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường phố New York. (Ảnh: Reuters).

Cảnh báo được công bố trong bản tin của các lực lượng chức năng Mỹ, theo cảnh báo này, IS tự xưng đã kêu gọi các phần tử thánh chiến tại Mỹ tấn công những nơi tập trung đông người trong dịp Giáng sinh, trong đó có các nhà thờ Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, FBI cho biết hiện không có mối đe dọa cụ thể nào nhằm vào nước Mỹ.

Trong khi đó, lực lượng an ninh tại các nước Đông Nam Á và Australia cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi phá hàng loạt âm mưu đánh bom.

Cảnh sát Australia ngày 23/12 cho biết đã ngăn chặn được các vụ tấn công nhằm vào một số địa điểm tại thành phố Melbourne trong ngày Giáng sinh.

Trong khi đó, ít nhất 14 người tại Indonesia bị bắt giữ vì tình nghi liên quan đến âm mưu đánh bom nhằm vào dinh thự Tổng thống tại Jakarta và các địa điểm khác.

Là quốc gia có nhiều người Hồi giáo sinh sống, Indonesia là nước đầu tiên tại Đông Nam Á bị nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công vào tháng 1/2016.  Khoảng 85.000 cảnh sát và 15.0000 binh sĩ Indonesia sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh cho các hoạt động trong dịp Giáng sinh và Năm mới.

Thái Lan cũng có kể hoạch triển khai hơn 100.000 cảnh sát, tăng đáng kể so với năm ngoái để đảm bảo an ninh trong dịp lễ.

3. Tối 19/12 (theo giờ địa phương), Đại sứ Liên bang Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrei Karlov đã bị bắn chết tại một cuộc triển lãm ảnh ở thủ đô Ankara. 
Hoa tưởng niệm Đại sứ Nga Andrey Karlov. (Ảnh: Reuters)

Vụ việc đã gây chấn động trong dư luận Nga và thế giới. Tay súng tên là Mevlüt Mert Altıntas, sinh năm 1994, thành viên lực lượng cảnh sát chống bạo động Ankara. Lãnh đạo nhiều nước đã lên án vụ ám sát này và gửi lời chia buồn đến nước Nga.

Việc Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn ngay trước ống kính camera đã gây chấn động dư luận, Vụ việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm khi quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vừa nồng ấm trở lại được cho là có thể “hủy hoại quan hệ hai nước”. Đây cũng là hồi chuông báo động về lỗ hổng an ninh đang gióng lên ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, vụ việc liên quan đến giáo sỹ Gulen - người được cho là đứng phía sau cuộc đảo chính bất thành ở nước này hồi tháng 7 vừa qua. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ cho biết, tổ chức nhúng tay vào vụ ám sát Đại sứ Nga là FETO - tổ chức được điều hành bởi giáo sỹ Gulen.

Giáo sỹ Gulenhiện đang sống lưu vong ở Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/11 đã bác bỏ cáo buộc này đồng thời lo ngại về các thông tin bất lợi mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Trợ lý của giáo sĩ Gulen, ông Alp Aslandogan cũng bác bỏ mọi sự liên quan của ông Gulen trong vụ việc Đại sứ Nga bị bắn chết ở Thổ Nhĩ Kỳ.  

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã thắt chặt an ninh tại đại sứ quán Nga ở thủ đô Ankara và tạm giữ khoảng hơn chục người, bao gồm gia đình của tay súng Altintas, để phục vụ cuộc điều tra vụ ám sát và mối liên hệ giữa những người này với ông Gulen.

Đáng chú ý là ngày 21/12, nhóm phiến quân Jabhat Fatah al-Sham (trước đây là Mặt trận Al-Nusra), từng liên hệ với Al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ sát hại Đại sứ Andrey Karlov. 

4.Hàng chục nghìn người đã biểu tình trên khắp các đường phố thủ đô Seoul của Hàn Quốc nhiều ngày liên tục nhằm yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức lập tức. 

Dòng người biểu tình yêu cầu bà Park từ chức ngay lập tức. (Ảnh: RT).

Những người biểu tình đã tuần hành hướng đến Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), Văn phòng Thủ tướng và Tòa án Hiến pháp, giương cao biểu ngữ, bóng bay, hô vang các khẩu hiệu phản đối Tổng thống Park Geun-hye cũng như hối thúc Tòa án Hiến pháp thông qua việc luận tội bà.

Trước đó, chiều 23/12, Nhóm công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc đã triệu tập bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-Hye, để lấy lời khai, phục vụ việc điều tra nghi ngờ bà Choi Soon-sil đã được nhận nhiều đặc lợi từ các doanh nghiệp lớn, trong đó có tập đoàn Samsung, và vai trò cụ thể của Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye trong quá trình này.

Trước đó, ngày 9/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, theo đó bà bị đình chỉ tạm thời chức vụ Tổng thống. Thủ tướng đương nhiệm Hwang Kyo-ahn thay thế bà tạm thời lãnh đạo đất nước. Ngày 22/12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã bắt đầu xem xét về việc Quốc hội bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye. 

5. Ngày 23/12, tại thủ đô Moscow đã diễn ra cuộc họp báo thường niên dịp cuối năm của Tổng thống Nga Vladimi Putin. Tại cuộc họp báo này, ông Putin đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề nóng trong nước và quốc tế. Cuộc họp báo năm nay đã lập kỷ lục về số lượng các nhà báo tham dự, lên tới 1.500 người. 

Tổng thống Putin lạc quan về kinh tế Nga 2017. Ảnh: Sputnik.

Tổng thống Putin đã có nhiều tuyên bố đáng chú ý liên quan đến chính sách của Nga trong năm tới về kinh tế, quân sự quốc phòng, quan hệ của Nga với châu Âu và Mỹ, mối quan hệ Nga-Trung, cuộc chiến chống khủng bố, Hiệp định khí hậu Paris, khủng hoảng giá dầu...

Đặc biệt khi đề cập cuộc khủng hoảng tại quốc gia láng giềng Ukraine, Tổng thống Putin đã lạc quan nhận định rằng quan hệ giữa hai nước “sớm hay muộn” cũng sẽ bình thường trở lại.

Trong số nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến cá nhân, phóng viên rất quan tâm đến câu trả lời về việc ông Putin có tiếp tục tham gia nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp không. Tổng thống Putin cho biết:

“Thời gian sẽ trôi qua, tôi sẽ nhìn vào những gì đang xảy ra ở trong nước, trên thế giới và những gì chúng tôi đã làm, cần phải làm và làm thế nào. Sau đó một quyết định sẽ được đưa ra về việc tôi sẽ tham gia vào cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga tới hay không”.

Cuộc họp báo diễn ra chỉ 4 ngày sau khi  nước Nga bị chấn động bởi vụ việc Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị ám sát. Trả lời câu hỏi của báo Sputnik News, Tổng thống Putin khẳng định, điều đó không thể cản trở mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Kết thúc cuộc họp báo cuối năm 2016, Tổng thống Putin gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người. 

6. Chính phủ Syria ngày 22/12 đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn Aleppo sau khi các nhóm quân đối lập cuối cùng rời khỏi thành phố. Thắng lợi này được đánh giá là một bước ngoặt lớn, có thể làm xoay chuyển cục diện cuộc nội chiến tại Syria - vốn gây ra nhiều hệ lụy không chỉ đối với quốc gia Trung Đông này, mà còn đối với khu vực và thế giới. 

Người dân và binh sĩ Syria ăn mừng việc giải phóng thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters

Thông báo đưa ra sau khi các tay súng nổi dậy cuối cùng sơ tán khỏi phía Đông thành phố dưới sự giám sát của hơn 30 quan sát viên quốc tế được triển khai theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hôm 19/12.

Theo các nhà phân tích, việc chính quyền Syria giành lại được quyền kiểm soát Aleppo là một bước ngoặt lớn trong cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này và ít nhất về trung hạn nó sẽ duy trì quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bởi Aleppo không chỉ là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất Syria, mà còn là thành trì chiến lược cuối cùng của phe đối lập.

Có thể nói, trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria đang gây ra nhiều hệ lụy đối với khu vực và thế giới, thì những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chiến trường Syria thực sự đã tạo ra cơ hội lớn, không chỉ cho đất nước và nhân dân Syria mà còn cho tất cả các bên liên quan để khỏi bị lún sâu hơn nữa vào cuộc xung đột đẫm máu ở quốc gia này./.