Nga đã gửi 4 máy bay trực thăng tới Syria (Ảnh Wochit) |
Về phần mình, Điện Kremlin luôn tuyên bố rằng, Nga cung cấp vũ khí và các trang thiết bị quân sự khác cho Syria là theo hợp đồng đã ký giữa hai nước trước đây và điều này "phù hợp với luật pháp quốc tế".
Trong khi đó, Mỹ cảnh báo những hỗ trợ của Nga dành cho Tổng thống Syria Bashar Al-Assad có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Syria.
2. Trong bối cảnh Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry 18/9 tuyên bố rằng, Mỹ sẵn sàng đối thoại quân sự với Nga về tình hình Syria và việc này sẽ sớm diễn ra.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (ảnh phải) hôm 18/9 cho biết, Mỹ sẵn sàng tham gia đàm phán quân sự với Nga về Syria (Ảnh Yahoo news) |
Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ kỳ vọng cuộc đối thoại sẽ “giúp xác định rõ những khác biệt giữa Nga và Mỹ trong những bước đi tiếp theo liên quan tới tình hình Syria”.
Mỹ và Nga luôn có quan điểm khác nhau về tình hình Syria. Trong khi Mỹ và phương Tây tìm cách vừa loại bỏ Tổng thống Syria Bashar Assad, vừa tiêu diệt được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng thì Nga cho rằng, việc hỗ trợ trực tiếp cho chính quyền Assad về mặt quân sự trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng là cách tốt nhất để chấm dứt xung đột ở đây.
Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tại Syria?
3. Chính phủ Ukraine ngày 16/9 thông báo đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với khoảng 400 cá nhân, trong đó có nhiều nhà báo phương Tây và 90 công ty được cho là liên quan cuộc khủng hoảng tại miền Đông nước này và vụ Crimea sáp nhập vào Nga.
Tổng thống Ukraine Poroshenko ký sắc lệnh ban hành các biện pháp trừng phạt đối với 400 cá nhân và 90 công ty (Ảnh AP) |
Ngay sau khi sắc lệnh được ký, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu hồi đại sứ tại Ukraine về Moscow để phản đối việc Ukraine áp đặt trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân của Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, các biện pháp trừng phạt mới của Ukraine đối với Nga có thể gây suy yếu việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Ukraine và phe đối lập tại miền đông Ukraine.
Quyết định bất ngờ của Ukraine cũng khiến châu Âu lo ngại rằng nước này đang ngăn trở các giá trị của châu Âu chỉ để giành được ưu thế trong cuộc chiến tranh tuyên truyền với Nga.
4. Quốc hội Nhật Bản sáng 19/9 đã thông qua dự luật an ninh mới nới lỏng những hạn chế của quân đội nước này từ sau Thế chiến thứ 2.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, (bên phải) và các thành viên nội các cúi đầu chào tại Quốc hội ở Tokyo, ngày 18/9/2015 (Ảnh AP). |
Thay đổi đáng quan tâm nhất của dự luật an ninh là việc cho phép quân đội Nhật Bản được bảo vệ đồng minh trong trường hợp cần phòng vệ tập thể. Theo dự luật mới, Nhật Bản hoàn toàn có quyền đánh chặn tên lửa bay qua lãnh thổ nước này và nhằm vào Mỹ.
Ngoài ra, trong trường hợp tàu chiến của Mỹ bị tấn công, quân đội Nhật Bản cũng có quyền hỗ trợ. Dự luật mới cũng cho phép Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, bao gồm hỗ trợ hậu cần và bảo vệ các nhân viên dân sự.
Theo giới truyền thông, dự luật an ninh mới đã gây ra nhiều tranh cãi về việc liệu Nhật Bản có nên từ bỏ con đường hòa bình trước đây để đối mặt với những thách thức về an ninh ngày một gia tăng hiện nay hay không. Dù thừa nhận có nhiều nguy cơ về an ninh hiện nay, song người dân Nhật Bản vẫn không cảm thấy dễ chịu với sự thay đổi dự luật an ninh.
Hiến pháp mới của Nhật Bản có gây chia rẽ quan hệ quân sự Mỹ- Nhật?
5. Hôm 16/9, các binh sĩ đã bắt giữ Tổng thống lâm thời của Burkina Faso là Michel Kafando cùng Thủ tướng Isaac Zida của nước này.
Trong tuyên bố phát trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia, những thủ lĩnh cuộc đảo chính xuất thân từ đơn vị cận vệ của Tổng thống tự nhận là Hội đồng Quốc gia vì Dân chủ, nêu rõ chính phủ chuyển tiếp đã bị giải thể và Tổng thống lâm thời Michel Kafando không còn nắm quyền.
Người đứng đầu cuộc đảo chính tại Burkina Faso, ông Gilbert Diendere (bên phải) và Tổng thống Senegal Macky Sall tại sân bay Ouagadougou, Burkina Faso, 18/9/2015 (Ảnh Reuters). |
Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án mạnh mẽ vụ bắt giữ trên và yêu cầu thả ngay tất cả những quan chức đang bị giam giữ. Trong một tuyên bố ngay sau khi xảy ra sự việc này, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng hành động này là “sự vi phạm trắng trợn Hiến pháp và Hiến chương chuyển giao của Burkina Faso.
Lực lượng đảo chính quân sự ở Burkina Faso ngày 18/9 đã thả Tổng thống lâm thời Michel Kafando và 2 vị bộ trưởng. Tuy nhiên, Thủ tướng nước này Isaac Zida vẫn đang bị lực lượng đảo chính quản thúc tại nhà.
Phản ứng trước cuộc đảo chính tại Burkina Faso, Liên minh châu Phi ngày 19/9, tuyên bố đình chỉ tư cách thành viêncủa nước này, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các lãnh đạo cuộc đảo chính.
6.Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tìm được giải pháp đồng thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Trong bối cảnh đó, nhiều nước châu Âu đã phải tự quyết định giải pháp tạm thời. Croatia ngày 18/9 đã đóng 7 trong số 8 cửa khẩu biên giới đường bộ với Serbia để ngăn chặn lượng người di cư khổng lồ lên tới 10.000 người/ngày.Người tị nạn lên xe buýt đưa đến Hungary và Áo tại biên giới Croatia-Serbia, ảnh chụp ngày 19/9/2015 (EFE) |
Cảnh sát Slovenia thông báo là họ đã buộc phải cho dừng một đoàn tàu chở khoảng 150 người tị nạn ở nhà ga Dobova nằm bên biên giới nước này và khẳng định đoàn tàu này sẽ phải quay trở lại địa điểm xuất phát.
Ước tính hơn 17.000 người di cư đã đi từ biên giới Croatia đến biên giới Slovenia kể từ khi Hungary đóng cửa biên giới ngày 16/9.
Theo quy định của Liên minh châu Âu, người tị nạn cần phải đăng ký và tuyên bố tị nạn tại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân.
Tuy nhiên, nhiều người nhập cư và tị nạn lại mong muốn tiếp tục tiến vào các quốc gia Tây Âu giàu có hơn như Đức và Áo.
Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp vào tuần tới để giải quyết những bất đồng trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn của 28 quốc gia thành viên.
Châu Âu “quá tải” trước làn sóng nhập cư
7. Trong cuộc bỏ phiếu của Đảng Tự do diễn ra hôm 14/9, ông Tony Abbott chỉ giành được 44 phiếu, trong khi đó ông Turnbull giành được 54 phiếu. Với chiến thắng này, ông Turnbull trở thành Thủ tướng thứ 4 của Australia kể từ năm 2013 đến nay.
Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng ở thủ đô Canberra, Australia, ngày 15/9/2015 (Ảnh AP). |
Ông Turnbull cho biết, ông dự định điều hành Chính phủ đến hết nhiệm kỳ chứ không tổ chức bầu cử sớm và cam kết, Chính phủ của ông sẽ là một Chính phủ tự do hoàn toàn hướng tới từng cá nhân và nền kinh tế Australia.
Dự kiến ông Turnbull sẽ thực hiện nhiều thay đổi lớn trong Nội các hiện tại, theo đó, Bộ trưởng Tài chính Joe Hockey, sẽ bị thay thế bằng Bộ trưởng Các Dịch vụ Xã hội Scott Morrison. Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews, người chịu trách nhiệm giám sát việc mua các tàu ngầm trị giá 35 tỷ USD, dự kiến cũng sẽ bị thay thế khi ông Turnbull công bố Nội các mới.
8. Ngày 18/9, hàng triệu người Hồi giáo đã đổ về Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia để dự buổi cầu nguyện thứ Sáu tại Đại Thánh đường.
Tại Đại Thánh đường, những người cầu nguyện cho biết, lễ hành hương Hajj năm nay mang lại cơ hội cho những người Hồi giáo đặt sang một bên những mối bất hòa.
Hàng chục ngàn người Hồi giáo đổ về thánh địa Mecca, Saudi Arabia trong mùa hành hương, ảnh chụp ngày 18/9/2015 (EFE) |
Đây là một trong những nghi lễ tôn giáo lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay khoảng 1,2 triệu người đã tới đây, bất chấp vụ sập cần cẩu tại Đại Thánh đường của Thánh địa Mecca khiến hơn 100 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương.