Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách về vấn đề nhân đạo Stephen O'Brien hôm qua (16/9) cảnh báo, bạo lực gia tăng ở Syria và số lượng người phải tị nạn khỏi quốc gia Trung Đông này ngày một tăng là bằng chứng về những tác động toàn cầu của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. Thế nhưng, Mỹ và Nga, 2 nước có thể có tác động đáng kể đến tình hình ở Syria, vẫn dè dặt trong việc hợp tác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Điểm chung duy nhất mà 2 cường quốc này chia sẻ có lẽ là việc thừa nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa cuộc nội chiến ở Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lợi dụng rối ren để hoành hành tại quốc gia Trung Đông này.
Ngoại trưởng Nga Lavrov (ảnh) và Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã điện đàm 3 lần trong 10 ngày qua về tình hình Syria (Ảnh Wochit) |
Nga là đồng minh lâu năm của Tổng thống Syria Bashar Assad song chỉ đến gần đây Moscow mới thể hiện rõ rệt những hỗ trợ về mặt khí tài cho chính quyền ở Damascus với lý do chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Báo chí phương Tây đưa tin, một đoàn xe quân sự lớn của Nga đã đi qua khu vực miền Trung Syria hôm qua.
Mỹ chỉ trích hành động của Nga chỉ kéo dài cuộc xung đột ở Syria nhưng thực tế, từ hồi tháng 5, quân đội Mỹ đã bắt đầu huấn luyện cho khoảng 5400 tay súng nổi dậy ở Syria và chương trình này sẽ kéo dài một năm. Đây được xem là một bài kiểm tra đối với chiến lược của Tổng thống Barack Obama trong việc tìm kiếm các “đối tác tại chỗ” để chiến đấu chống lại phiến quân Hồi giáo và duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở tiền tuyến.
Tuy nhiên chương trình này gặp nhiều khó khăn ngay từ khi mới khởi động vì khóa đầu tiên chưa đầy 60 tay súng đã thất thủ trước Mặt trận Nusra Front, một cánh vũ trang của mạng lưới khủng bố Al Qaeda tại Syria. Một số tay súng do Mỹ huấn luyện đã bị bắt.
Phát biểu trong phiên điều trần của người đứng đầu Trung tâm chỉ huy quân đội Mỹ, tướng Lloyd Austin trước Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ kỳ cựu bang Arizona John McCain đã thẳng thắn chỉ trích những thất bại của kế hoạch này.
“Những nỗ lực của Mỹ nhằm huấn luyện và trang bị cho lực lượng nổi dậy Syria chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng rõ ràng đã thất bại. Mục tiêu là huấn luyện đến 3.000 tay súng trong năm đầu tiên nhưng đến nay chương trình này mới đào tạo và trang bị cho 54 tay súng mà một số đã bị An Kêđa ở Syria giết hại hoặc bị bắt giữ ngay khi trở về đây. Chương trình mà chính phủ hứa hẹn sẽ đem lại kết quả rõ rệt ở thực địa lại không mai lại bất cứ tác động đáng kể nào trên chiến trường.”
Thế nhưng Mỹ nhất thời chưa chấp nhận được việc sẽ hợp tác với Nga hay xa hơn là với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad trong vấn đề này. Nhà Trắng hôm qua (16/9) cho biết, chính phủ Mỹ hoan nghênh những hỗ trợ mang tính xây dựng của Nga dành cho liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria song từ chối bình luận về việc liệu Washington có để ngỏ khả năng đối thoại quân sự giữa 2 nước về vấn đề này hay không.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh Wochit) |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày bình luận rằng, những hỗ trợ của Nga dành cho Tổng thống Syria Bashar Al-Assad có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Syria. Phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết:
“Tôi đã nói rõ rằng, việc Nga tiếp tục hậu thuẫn Tổng thống Bashar Assad mang lại nguy cơ xung đột leo thang và có thể ngăn cản những nỗ lực chung của 2 nước trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan nếu chúng ta không tập trung vào việc tìm một giải pháp chính trị.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố dứt khoát rằng ông không chấp nhận quan điểm mặc định của Mỹ cho rằng chỉ có việc loại bỏ các nhân vật như Tổng thống Syria Bashar Assad thì mới đem lại ổn định dài lâu cho Trung Đông.
Trong khi Mỹ và châu Âu loay hoay tìm cách vừa loại bỏ ông Bashar Assad, vừa tiêu diệt được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng thì Nga hành động dựa trên đánh giá của riêng mình. Nga cho rằng, việc hỗ trợ trực tiếp cho chính quyền Assad về mặt quân sự trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng là cách tốt nhất để chấm dứt xung đột ở đây.
Theo Nga, nếu mục tiêu của Mỹ và phương Tây là giảm dòng người tị nạn và giảm mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo thì việc lật đổ ông Bashar Assad rồi trông mong vào một lực lượng nổi dậy còn chưa rõ hình hài như trên sẽ không thể giúp đạt được 2 mục tiêu này./.