LTS: Trong phần 1 của Tọa đàm “Thế giới những điểm nhấn năm 2016” do Báo điện tử VOV và Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) tổ chức, hai vị khách mời là Đại sứ Ngô Quang Xuân và Tiến sĩ Trần Việt Thái đã điểm lại một số sự kiện mang tính “bước ngoặt” của tình hình thế giới năm 2016, và phân tích đôi nét về sự kiện tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Chúng tôi xin giới thiệu tiếp phần 2 của Tọa đàm, với nội dung chủ yếu đề cập Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế khi xử vụ Philippines kiện Trung Quốc vấn đề Biển Đông.

PV: Trong phần đầu của chương trình, Đại sứ Ngô Quang Xuân và TS Trần Việt Thái đều đánh giá phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7-Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2016. Thưa TS Trần Việt Thái, là nhà nghiên cứu theo dõi sát vụ việc này, ông có thể nói rõ hơn về tác động của phán quyết này tới tranh chấp giữa Philipines và Trung Quốc cũng như tranh chấp giữa các bên khác tại Biển Đông?

toa_dam_pca_the_gioi_vov_2__pxfv.jpg
Từ trái qua: Tiến sĩ Trần Việt Thái, Đại sứ Ngô Quang Xuân, Biên tập viên Việt Nga.

Tiến sĩ Trần Việt Thái: Ngày 12/7 Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã ra phán quyết dày 507 trang. Sơ bộ chúng tôi thấy phán quyết này có tác động rất sâu rộng và toàn diện. Về mặt pháp lý nó làm rất rõ ra bức tranh pháp lý, thế nào là đảo, thế nào là đá, thế nào là quyền lịch sử, thế nào là quyền tài phán, Trung Quốc có quyền gì ở Biển Đông, không có gì ở Biển Đông. Là rất rõ. Kể cả loại hình hành vi vi phạm.

Nếu nói đến phán quyết, có mấy điểm sau: 1- Phán quyết bác bỏ các yêu sách vô lý của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn. Trung Quốc chỉ có những quyền theo quy định Công ước về Luật Biển (UNCLOS) cho phép. 2- Tuyên bố làm rõ các thực thể trên biển, thế nào là đảo, đá, bãi lúc nổi lúc chìm, và nó tạo ra các tiền lệ rất quan trọng trong các án lệ quốc tế. 3- Nó tạo ra những chuẩn mực trong ứng xử, nó quy định rất rõ thế nào là hành vi vi phạm hàng hải, thế nào là vi phạm chủ quyền của Philippines và các nước, từ đó có thể làm án lệ cho các hành vi khác. Ngoài ra về mặt chính trị, phán quyết này có ý nghĩa rất quan trọng.

5 vị trọng tài viên của Tòa trọng tài Phụ lục VII xử vụ Philippines. Ảnh: PCA.

Có thể nói đây là bước ngoặt về pháp lý và là công cụ quan trọng của các nước nhỏ trong việc duy trì trật tự thế giới, duy trì hòa bình ổn định và là một công cụ hữu nghị để bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các quốc gia. Tất nhiên dùng như thế nào và khi nào dùng thì đây là một câu chuyện khác nhưng rõ ràng phán quyết của Tòa tạo ra những cái thế rất mạnh không chỉ cho Philippines mà cho cả các nước trong khu vực trong việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn. Rõ ràng phán quyết là một bước tiến của nhân loại trong lĩnh vực pháp lý cũng như chính trị đối ngoại.

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Phán quyết (PCA) một lần nữa cho thấy giá trị của Công ước về Luật Biển và cho thấy nhiều điều trong Công ước đã được thực thi nghiêm túc như thế nào. Hai là Phán quyết cho tình hình Biển Đông vừa qua rất phức tạp nhưng trắng đen phải rõ ràng, ai đúng ai sai phải rõ ra. Đòi hỏi của Trung Quốc rất vô lý.

Nó sẽ là cơ sở pháp lý và chính trị cho tất cả các bên có liên quan đến cái gọi là tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc là thành viên Liên Hợp Quốc, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, thành viên UNCLOS. Trung Quốc không thể phớt lờ nội dung phán quyết. Điều tốt nhất cho các bên là hãy tôn trọng phán quyết này. Tuyên bố PCA là cơ sở cụ thể cho các bên đàm phán, tìm các giải pháp có thể chấp nhận được cho các bên. Tôi nghĩ phán quyết này rất quan trọng với Việt Nam.

Đại sứ Ngô Quang Xuân trả lời tại cuộc tọa đàm

Vấn đề hậu phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông

PV: Xin hỏi ông Trần Việt Thái, liệu chúng ta nên ứng xử ra sao sau phán quyết để bảo đảm hòa bình ổn định ở Biển Đông. Ý kiến của ông về các bên nên ứng xử ra sao trong giai đoạn hậu phán quyết?

Tiến sĩ Trần Việt Thái: Sau phán quyết để giữ vững hòa bình ổn định chúng ta phải theo dõi chặt cách ứng xử của các bên liên quan mà trước hết là các bên liên quan đến phán quyết. Đáng chú ý, sau ngày 12/7 tình hình diễn biến rất là nhanh, chủ yếu là do Philippines điều chỉnh chính sách, bản thân Trung Quốc cũng có những điều chỉnh về sách lược, tất nhiên mục tiêu của họ là không thay đổi, những gì họ làm trên thực địa vẫn dồn dập nhưng trên chính trị đối ngoại và góc độ pháp lý, trên tuyên truyền, họ có những điều chỉnh.

Chúng tôi sơ bộ nhận thấy mấy điểm này:

1- Tham vấn và duy trì tương tác dứt khoát phải được đảm bảo, không có thì không hiểu những gì đang diễn ra. Những gì vừa diễn ra rất phức tạp, thậm chí trái ngược những dự đoán trước đây, nếu không có tương tác chúng ta rất dễ ứng xử sai.

2- Không thể bỏ yếu tố pháp lý, giống như Đại sứ Ngô Quang Xuân nói. Công cụ pháp lý là rất quan trọng, phải kết hợp cả ngoại giao và pháp lý, trong diễn đàn cả song phương và đa phương, gì thuộc song phương thì giải quyết song phương, cái gì liên nhiều bên thì phải tham vấn các bên, không thể tách bạch ra được, không chỉ sử dụng pháp lý hoặc chỉ ngoại giao để giải quyết vấn đề phức tạp như vậy được. Phải biết sử dụng đúng công cụ, đúng đối tượng, đúng thời điểm.

3- Phải chuẩn bị lực lượng. Thực lực phải là chính, tự ta phải bảo đảm cho ta. Người ta chỉ tôn trọng chúng ta khi chúng ta có một thực lực nhất định. Chúng ta không gây hấn với ai cả nhưng chuẩn bị trong nội bộ là rất quan trọng.

Điểm nữa, phải thống nhất nhận thức và hành động trong nội bộ. Cái này vô cùng quan trọng, làm sao để nhân dân hiểu được, tránh những vấn đề phức tạp.

Câu chuyện truyền thông rất quan trọng. Và chúng ta phải giương cao chính nghĩa. Chúng ta phối hợp với các bên, có đóng góp, xây dựng một hình ảnh hội nhập thân thiện đó chính là những cách tốt nhất để bảo vệ hòa bình ổn định. Một khi tất cả các nước có lợi ích ở đây thì không ai gây chiến, gây phức tạp tình hình./.

>>

Đón đọc phần 3