Quốc hội Anh đã thông qua đề xuất sửa đổi thỏa thuận Brexit cho phép Thủ tướng Theresa May đàm phán lại với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời các nghị sĩ nước này cũng khẳng định họ chỉ ủng hộ thỏa thuận “ly hôn” nếu dỡ bỏ điều khoản khiến Anh phải giữ biên giới mở với Ireland. Như vậy, cho đến lúc này, có thể thấy “một khe cửa hẹp” cho vấn đề Brexit đã được mở ra. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ phía EU khẳng định, thỏa thuận Brexit là không thể đàm phán lại. Vậy các bên sẽ phải làm thế nào để tìm tiếng nói chung? Những kịch bản tiếp theo cho vấn đề Brexit sẽ ra sao?
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, Anh sẽ rời EU theo kế hoạch nhưng tương lai về một thỏa thuận Brexit mà cả 2 bên đều nhất trí vẫn còn rất bấp bênh. Ảnh: Reuters |
Thế khó của Thủ tướng Anh Theresa May và EU
Sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh vào hôm qua (30/1), sức ép hiện đang đè nặng lên vai Thủ tướng Theresa May khi bà phải thuyết phục giới chức EU đàm phán lại về thỏa thuận Brexit. Hiện một số giới chức EU cũng như lãnh đạo một số nước trong khối đã nói “không” với việc đàm phán lại.
Trong phiên bỏ phiếu vừa qua thì Hạ viện Anh quyết định trao nhiệm vụ cho bà Theresa May phải đi đàm phán lại thoả thuận với EU để nhằm mục đích, theo như câu chữ trong nghị quyết mà Hạ viện Anh yêu cầu, là có được “những phương án thay thế”. Tuy nhiên, cụ thể thì phương án thay thế đó là gì thì lại không được nêu rõ. Đó là cái khó cho bà May và khó cho cả EU. Về quan điểm thì phía EU luôn nhấn mạnh rằng, họ đã phải mất gần 2 năm để đàm phán mới có được thoả thuận Brexit vào cuối tháng 11/2018 và trong thời gian đó thì tất cả các vấn đề, khía cạnh của Brexit đều đã được đem ra mổ xẻ quá chi tiết nên hiện tại thì không còn gì để có thể đàm phán thêm do các nhà đàm phán EU cũng đã quá mệt mỏi.
Tuy nhiên, luôn luôn có chỗ cho những thay đổi linh hoạt. EU vẫn có thể sẽ đưa ra các nhân nhượng cho phía Anh, bằng cách thêm vào trong thỏa thuận Brexit những đảm bảo mang tính ràng buộc hơn về pháp lý liên quan đến vấn đề biên giới Bắc Ireland. Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần nói rõ ở đây: một, đó là thực chất vấn đề bế tắc hiện nay của tiến trình Brexit không phải là việc EU sẽ nhân nhượng chính phủ Anh đến mức độ nào, mà là ở chỗ, sẽ không có bất cứ nhân nhượng nào từ phía EU có thể làm hài lòng phe theo đuổi “Brexit cứng” trong nội bộ đảng Bảo thủ Anh. Phe này chỉ lấy vấn đề biên giới Bắc Ireland làm lí do để dồn ép chính phủ Anh phải thực thi một sự chia tay hoàn toàn với EU.
Thứ hai, là về khả năng thực tế của việc thực thi giải pháp “biên giới ảo” mà phía London đang yêu cầu trong vài ngày qua. Phía EU đã nghiên cứu và cho rằng việc kiểm soát từ xa bằng các phương tiện điện tử thay vì một biên giới cứng là điều phi thực tế và vì thế, cách duy nhất để tránh việc tái lập biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland là giữ Bắc Ireland, và cả Vương quốc Anh, trong Liên minh thuế quan châu Âu.
Kịch bản cho tiến trình Brexit
Với tất cả những gì đã và đang diễn ra thì có thể nói, không ai có thể chắc chắn về kịch bản sắp tới của Brexit. Điều rõ ràng duy nhất, đó là cả phía chính phủ Anh của bà Theresa May lẫn phía Liên minh châu Âu đều không mong muốn Brexit diễn ra mà không có thoả thuận, do hậu quả kinh tế - xã hội quá lớn của kịch bản này. Hai bên đều có quá nhiều thứ để mất. Tuy nhiên, do các khó khăn trong việc đàm phán, có thể phải đến những phút cuối cùng của thời hạn ngày 29/3 thì hai bên mới có thể đạt được thoả thuận. Để đạt được điều này thì cần sự cố gắng lớn từ cả hai phía, một là nhượng bộ từ phía EU và hai, quan trọng hơn, là nỗ lực tạo nên một lực lượng đa số trong Hạ viện Anh ủng hộ quan điểm “Brexit mềm”, tức là duy trì Vương quốc Anh trong Liên minh thuế quan châu Âu trong một thời hạn nhất định.
Hiện nay phe Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn đã chính thức ủng hộ quan điểm này nhưng vấn đề là bà Theresa May, thay vì đi thuyết phục Công đảng và lôi kéo các đảng khác ủng hộ cho cách tiếp cận này thì lại mất quá nhiều công sức đi hàn gắn sự chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ Anh.
Brexit bế tắc, Anh sẵn sàng cho kịch bản “không thỏa thuận”
Vào thời điểm hiện nay, khi Brexit vẫn đang bế tắc, thì hầu như tất cả đều đã sẵn sàng cho kịch bản “không thoả thuận”. Cần phải nói rõ, đó là mặc dù đa số người dân Anh lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6/2016 nhưng trong giới doanh nghiệp Anh, tỷ lệ phản đối Brexit áp đảo tỷ lệ ủng hộ do Brexit mang đến quá nhiều cản trở cho việc làm ăn với EU. Trong vài tháng qua, Hiệp hội doanh nghiệp Anh cũng như lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn tại Anh liên tiếp đưa ra các cảnh báo và kêu gọi phải bằng mọi cách tránh “Brexit cứng” bởi nếu không nền kinh tế Anh sẽ phải gánh chịu thảm hoạ.
Về phía người dân Vương quốc Anh thì cũng có sự phân biệt rất rõ. Trong cuộc bỏ phiếu tháng 6/2016, gần 66% người dân Scotland, khoảng 58% người dân Bắc Ireland và đa số người dân xứ Wales đều mong muốn ở lại trong EU chứ không muốn Brexit. Vì thế, tiến trình Brexit càng bế tắc và mệt mỏi như hiện nay thì sự bất mãn của người dân những vùng này càng cao. Thậm chí, không thể loại trừ kịch bản Scotland xúc tiến kế hoạch trưng cầu ý dân lần 2 về việc tách khỏi Vương quốc Anh. Nói chung Brexit như hiện nay đem lại sự mệt mỏi cho nhiều phía và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, sau 2 năm, đa số người dân Anh đã hiểu rằng sự kiện Brexit tháng 6/2016 có nguyên nhân lớn từ việc thông tin sai lệch và nếu có một cuộc trưng cầu ý dân lần 2, đa số dân Anh sẽ chọn ở lại trong EU. Tuy nhiên, Brexit có lẽ sẽ không thể đảo ngược được nữa và người dân Anh phải tìm cách sống chung với lựa chọn này.
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, nước Anh sẽ phải rời khỏi EU theo kế hoạch. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy, sự ra đi của nước Anh sẽ không hề suôn sẻ, thậm chí có thể phải lui thời hạn nước Anh ra khỏi EU nếu không một thỏa thuận nào được các bên chấp nhận./.
Thủ tướng May sắp công bố kế hoạch B về Brexit, nước Anh “ngột ngạt”
Quốc hội Anh không có quyền “đánh cắp quá trình Brexit“