Theo Cục Bảo vệ Dân sự Italy, tỷ lệ gia tăng tổng số ca mắc Covid-19 ở Italy đang giảm dần kể từ ngày 8/3 và trong một vài ngày qua, số ca bệnh mới hàng ngày cũng bắt đầu giảm bớt. Điều này đã cho thấy Italy đang bước vào giai đoạn "làm phẳng đường cong", tức là sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang giảm dần ở quốc gia này.

stayhome_eltu.jpg
Khung cảnh từ trên cao của bãi biển Bronte với dòng chữ "Stay Home" (Ở nhà) được viết trên cát ở Sydney, Australia ngày 2/4. Ảnh: Getty

Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu chứng kiến sự bùng nổ của dịch Covid-19 và tính tới ngày 3/4 số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Italy là 115.242 với gần 14.000 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này. Từ ngày 9/3, Italy đã thực hiện lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước 60 triệu dân.

Tuy nhiên, những số liệu gần đây với tỷ lệ lây nhiễm và số ca bệnh ở Italy đều đang giảm đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch của quốc gia này. Dù vậy, một số chuyên gia y tế cộng đồng tại Italy vẫn ngần ngại chào đón những con số khả quan trên.

"Đúng là chúng tôi đã "làm phẳng được đường cong”. Chúng tôi đã nhìn thấy một vài ánh sáng hy vọng nơi cuối đường hầm nhưng con đường này vẫn rất, rất dài", Lorenzo Casani, giám đốc một bệnh viện dành cho người cao tuổi ở tâm dịch Lombardy - phía bắc Italy cho biết.

Italy thực sự đang "làm phẳng đường cong"?

Những dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau đều cho thấy Italy đã "làm phẳng đường cong" dịch bệnh.

"Những "số liệu thần kỳ" này là tỷ lệ phần trăm gia tăng trong tổng số ca mắc Covid-19 so với các ngày trước đó. Khi nào tỷ lệ này đạt mức 0% thì tức là không còn ca bệnh mới nào nữa", Nino Cartabellotta, Chủ tịch Quỹ GIMBE - một tổ chức đào tạo và nghiên cứu hệ thống chăm sóc sức khỏe Italy nhận định. Dữ liệu quốc gia của Italy đã cho thấy từ ngày 31/3 - 1/4, Italy chỉ tăng 4,5% trong tổng số ca mắc Covid-19, một số liệu khả quan hơn nhiều những con số trước đó, chẳng hạn như mức tăng 12,6% trong tổng số ca giữa ngày 16 và 17/3.

Các chuyên gia y tế công cộng trước đó dự đoán Italy sẽ chứng kiến xu hướng các ca dương tính với SARS-CoV-2 mới giảm vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 như là kết quả của các biện pháp phong tỏa.

"Một điều quan trọng là có những bằng chứng cho thấy những việc chúng tôi đang làm đã có tác động nhất định. Phong tỏa là một biện pháp vô cùng cứng rắn, đặc biệt trên quy mô toàn quốc, và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội", Flavia Riccardo, một nhà nghiên cứu tại Cơ quan nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Quốc gia Italy đánh giá.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đánh giá hiện chưa phải lúc để "ăn mừng" thành quả này.

"Chúng ta cần phải rất thận trọng với sự lạc quan hiện tại. Chúng ta không nên "thở phào" bởi những con số này", chuyên gia Casani cho biết. Mặc dù các số liệu chính thức cho thấy các ca mắc Covid-19 mới đều có xu hướng giảm nhưng số liệu này vẫn chưa tính tới những người dương tính với SARS-CoV-2 song vẫn chưa được xét nghiệm. Theo ông Casani, những người có các triệu chứng nhẹ và chưa biểu hiện các triệu chứng chiếm số lượng "vô cùng lớn".

Massimo Galli, người đứng đầu đơn vị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco ở Milan chỉ ra rằng, số liệu các ca mắc Covid-19 nhẹ có thể đang tăng lên nhưng vẫn chưa được phát hiện.

"Tôi không chắc liệu dịch bệnh có thực sự đang giảm dần hay không. Việc dự đoán diễn biến của dịch bệnh, các đường cong và thời kỳ đỉnh dịch là vô cùng khó trong điều kiện hiện nay", Galli cho biết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chúng ta vẫn nên ghi nhận những thành quả thể hiện qua các số liệu hiện tại bởi điều đó cho thấy sức ép lên các bệnh viện đang giảm dần khi số bệnh nhân cần nhập viện hoặc cần chăm sóc tích cực đã giảm.

Italy sẽ mất bao lâu để "làm phẳng đường cong"?

Theo Cục Bảo vệ Dân sự Italy, nước này sẽ cần khoảng 3 - 4 tuần nữa để làm phẳng đường cong trong biểu đồ diễn biến dịch Covid-19. Từ ngày 6 - 7/3, Italy đã chứng kiến mức tăng 26,9% trong tổng số các ca mắc Covid-19 song sau đó, tỷ lệ này đã giảm dần trong những tuần qua.

Các chuyên gia từ Viện Kinh tế và Tài chính Einaudi (EIEF) trước đó cũng đã tiến hành những tính toán sử dụng dữ liệu từ Cục Bảo vệ Dân sự Italy về tỷ lệ lây nhiễm và kết luận rằng, dịch Covid-19 về cơ bản có thể bị loại bỏ khỏi Italy trong khoảng thời gian từ ngày 5/5 - 16/5. Theo số liệu này, dịch Covid-19 kết thúc sớm nhất ở là Trentino-Alto Adige (ngày 6/4) và lâu nhất là ở Tuscany (ngày 5/5). Khu vực Lombardy - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 được dự đoán sẽ không có ca nhiễm mới từ ngày 22/4.

Các biện pháp phong tỏa ở Italy tiếp tục kéo dài trong bao lâu?

Chính phủ Italy gần đây đã có kế hoạch mở rộng lệnh phong tỏa tới ngày 13/4. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 1/4 rằng: "Chúng tôi chưa có kế hoạch sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa".

Các chuyên gia cho biết tỷ lệ các ca dương tính với SARS-CoV-2 giảm không có nghĩa là các biện pháp ngăn ngừa nên được dỡ bỏ.

"Với Italy, ý tưởng về việc bắt đầu mở lại các cửa hàng trong một vài tuần tới thật điên rồ", ông Cartabellotta khẳng định, đồng thời cho biết quyết định dỡ bỏ phong tỏa sẽ còn phụ thuộc vào từng khu vực khác nhau.

Chuyên gia Casani cũng nhất trí với nhận định này: "Các biện pháp nghiêm ngặt nhất vẫn cần được duy trì. Đó là cách duy nhất để tránh một thảm họa".

Những kinh nghiệm xương máu từ Italy

Các chuyên gia đều cho rằng những quốc gia khác đang vật lộn trong cuộc chiến với dịch Covid-19 có thể học hỏi cả từ những sai lầm và thành công của Italy.

Những gì Italy trải qua trong dịch Covid-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc can thiệp sớm ở những quốc gia chưa trải qua sự bùng nổ của dịch bệnh. Trong khi ca mắc Covid-19 đầu tiên chỉ được phát hiện ở Italy ngày 20/2 thì virus  SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan khắp quốc gia này trong suốt 2 - 3 tuần, làm Italy bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn sự lây lan của virus ngay từ ban đầu.

Một số chuyên gia cho rằng thậm chí kể cả khi được phát hiện từ sớm thì các nhà chức trách Italy vẫn hành động quá chậm trong việc thực hiện các biện pháp phong tỏa do lo ngại có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế "vốn mong manh" này.

"Những gì Italy trải qua đã cho thấy các quốc gia khác không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của vấn đề và phải học hỏi từ những sai lầm của chúng tôi", ông Cartabellotta cho biết.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định vẫn còn rất nhiều điều thế giới có thể học được từ những điều Italy đã làm đúng.

Việc số ca mắc Covid-19 mới đang giảm dần phần lớn là nhờ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà chính phủ Italy đã thực hiện như đóng cửa gần như tất cả các cơ sở kinh doanh và dừng mọi hoạt động sản xuất không cần thiết cũng như hạn chế ra đường ở mức tối đa trên toàn quốc. Cartabellotta cho biết những biện pháp này đã "làm giảm sự lây lan của virus, hoãn lại đỉnh dịch, giảm quy mô và sự lan rộng của dịch bệnh trong thời gian lâu hơn để hệ thổng y tế có thể chuẩn bị và xử lý phù hợp đối với các ca bệnh có triệu chứng".

Mặc dù Italy đã chậm chạp trong việc phát hiện dịch Covid-19 song theo bà Riccardo, chính phủ nước này đã hành động khá quyết liệt khi virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện.

"Italy đã thực hiện một chính sách vô cùng quyết liệt cả trong việc theo dõi và điều tra tiếp xúc lẫn việc tăng cường các biện pháp để chuẩn bị cho sự gia tăng các ca bệnh mới".

Trong khi tỷ lệ xét nghiệm ở từng khu vực khác nhau thì nhìn chung, Italy đã tiến hành nhiều xét nghiệm hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Ông Casani thì cho biết ông và các bác sĩ khác đã nhận ra tầm quan trọng của việc điều trị bệnh Covid-19 từ những giai đoạn đầu. Giai đoạn đầu của virus với các triệu chứng giống như cúm là một thời điểm quan trọng cần tới các biện pháp can thiệp bởi khi bệnh tiếp tục diễn biến, các bệnh nhân sẽ có những phản ứng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn cần tới sự chăm sóc tích cực. Theo chuyên gia Casani, để các quốc gia tránh những tổn thất không cần thiết và giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc y tế, các biện pháp can thiệp là cần thiết trước khi bệnh diễn biễn xấu hơn.

Ngoài những điều Italy đã làm sai và làm đúng, bà Riccardo cho rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Italy với tỷ lệ tử vong của nước này trên mức tỷ lệ tử vong trung bình đã cho thế giới thấy virus SARS-CoV-2 có thể nguy hiểm như thế nào.

"Vào cuối tháng 2, thế giới đã nhìn về phía chúng tôi, cho rằng điều này là không thể xảy ra với họ và phải có lỗi sai nào đó trong hệ thống y tế của Italy. Nhưng bây giờ, khi các quốc gia trên khắp thế giới đều đang trải qua những đợt bùng phát dịch bệnh của mình, họ đã hiểu rằng tất cả chúng ta đều đang đối diện với một dịch bệnh có khả năng lây lan, gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và có thể khiến mọi người tử vong", bà Riccardo đánh giá./.