Non andrà tutto bene - Mọi thứ không còn ổn

Còn nhớ, chỉ vài ngày trước lệnh phong tỏa toàn quốc, người dân trên khắp Italy vẫn ca hát trên ban công nhà mình bài hát “Andrà tutto bene” [tạm dịch: Mọi thứ rồi sẽ ổn] để trấn an tinh thần lẫn nhau cùng vượt qua đại dịch Covid-19.

italy_nyeb.jpg

Tấm vải căng dòng chữ: "Mọi chuyện sẽ ổn với thu nhập và nhà ở cho mọi người" được treo ngay bên ngoài một ngôi nhà bị hàng chục người vô gia cư chiếm làm nơi sinh sống ở Rome, Italy. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng, chỉ 3 tuần bị phong tỏa, tiếng hát ca đã chấm dứt nhường chỗ cho những bất ổn xã hội gia tăng, đặc biệt là ở những khu vực nghèo hơn ở phía Nam nước này.

Cha Salvatore Melluso tại Caritas Diocesana di Napoli, một cơ sở thiện nguyện Công giáo ở Naples, chia sẻ: “Giờ họ không còn ca hát hay nhảy múa ngoài ban công nữa. Mọi người trở nên sợ hãi một phần vì Covid-19 nhưng chủ yếu là vì đói nghèo. Rất nhiều người bị thất nghiệp và phải xếp hàng dài xin thức ăn”.

Dù số người thiệt mạng vì Covid-19 ở miền Nam Italy còn xa mới bằng miền Bắc nước này – nơi đang chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh – nhưng Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân miền Nam.

Căng thẳng đang leo thang tại các khu vực nghèo nhất ở miền Nam Italy, bao gồm Campania, Calabria, Sicily và Puglia. Nhiều chủ cửa hàng nhỏ đã bị ép phải cung cấp thực phẩm miễn phí nếu không muốn bị trộm cắp và phá hoại. Trong khi đó, cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ các siêu thị lớn nhằm ngăn chặn bạo loạn và hôi của.

Ông Paride Ezzine, một bồi bàn làm việc ở Palermo, Sicily cho biết, đã lâu rồi ông không còn được nhận lương: “Lệnh phong tỏa đã khiến nhiều nhà hàng đóng cửa. Tôi còn vợ và 2 người con, chúng tôi đang phải sống nhờ các khoản tiết kiệm trước đó. Tôi không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Chúng tôi đã xin ngân hàng hoãn trả các khoản nợ nhưng họ nói không. Tình cảnh này có thể khiến chúng tôi quỵ ngã”.

Lệnh phong tỏa toàn quốc dự kiến kéo dài đến ngày 12/4 tới tại Italy được cho là còn tác động đến khoảng 3,3 triệu người làm việc “ngoài luồng” – [không khai báo, không nộp thuế-ND] khác trên khắp Italy, trong số đó có hơn 1 triệu người sinh sống ở Campania, Sicily, Puglia và Calabria.

Giáo sư Giovanni Orsina tại Đại học Luiss nhận định: “Trên thực tế, chúng tôi không biết chính xác số người làm việc “ngoài luồng” như vậy, những con số nói trên chỉ là ước tính. Tuy nhiên, có rất nhiều người phải “chạy ăn từng ngày, làm những công việc theo mùa vụ. Họ không dành giụm được nhiều và sẽ cạn kiệt tiền nếu thời gian phong tỏa kéo dài”.

Tấm biển có dòng chữ: "Cùng với nhau, không sợ hãi", tại một khu phố ở Naples, Italy. Ảnh: AFP

“Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống”

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng ItalyGiuseppe Conte đã cam kết chuyển số tiền 4,3 tỷ euro tới các tỉnh thành và thêm 400 triệu Euro dưới dạng tem phiếu thực phẩm cho thị trưởng các thành phố trên khắp đất nước để hỗ trợ việc phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, rất nhiều thị trưởng cho rằng, số tiền nói trên là không đủ.

Thị trưởng Catania Salvo Pogliese nói: “Chắc chắn là không đủ. Chúng tôi đã hy vọng sẽ có thể nhận được nhiều hơn nữa và tôi hy vọng Chính phủ có thể tìm ra giải pháp gì. Tình thế hiện nay đã rất nguy ngập và đa số người dân Italy đang không có thu nhập gì. Những người từng số tốt trước đây giờ cũng đã gặp nhiều khó khăn”.

Hơn nữa, khoản tiền 4,3 tỷ euro này chỉ có thể đến tay các thị trưởng thành phố vào tháng 5 tới và hầu hết số tiền này được duyệt chi vào các lĩnh vực khác. Giáo sư Giovanni Orsina nêu rõ: “Nếu Chính phủ muốn sử dụng toàn bộ số tiền này để cứu trợ thực phẩm cho người dân, thì thị trưởng các thành phố sẽ chẳng còn tiền để làm bất kỳ điều gì khác.

Nếu chỉ trông chờ vào khoản tiền 400 triệu euro thì số tiền này khi chia hết cho mọi thành phố trên khắp Italy cũng chả khác nào “muối bỏ bể”. Gánh nặng đang đè lên vai các thị trưởng. Người dân Italy sẽ đòi hỏi số tiền mà các thị trưởng không thể cung cấp cho họ. Sự kỳ vọng của dân chúng vì thế không được đáp ứng”.

Nghiêm trọng hơn, nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức đang lợi dụng tình hình hiện nay để kêu gọi người dân gây bạo loạn. Cảnh sát Italy đang điều tra một nhóm có tên trên Facebook là “Cách mạng Quốc gia” đang kích động mọi người cùng cướp phá mọi siêu thị.

Một nhân viên cảnh sát giấu tên cho biết: “Những đối tượng đứng sau các tổ chức này là những tên hành nghề trộm cướp từ trước đó. Giờ khi lệnh phong tỏa được thiết lập, chúng không còn mục tiêu nào khác ngoài siêu thị và các tiệm thuốc. Rất nhiều người vì đói nghèo do đại dịch Covid-19 đã nghe theo lời kêu gọi của chúng”.

Giới chức Italy cũng lo ngại mafia nhân dịp này để tuyển mộ người cho chúng. “Các băng nhóm tội phạm có rất nhiều tiền và những người nghèo khó cuối cùng cũng phải chấp nhận làm việc cho chúng và một khi “tay đã nhúng chàm”, họ không còn đường lùi”, Giáo sư Orsina chia sẻ.

Để đối phó với tình hình này, Thị trưởng Palermo Leoluca Orlando đã yêu cầu Chính phủ thiết lập một “khoản thu nhập sinh tồn”, cho những người nghèo khổ nhất để tránh việc các băng nhóm tội phạm lợi dụng họ để kích động bạo lực.

Cảnh sát Italy được triển khai để ngăn chặn tình trạng đi lại tự do trên toàn đất nước. Ảnh: AGF

Trong khi đó, việc các doanh nghiệp nhỏ không được miễn thuế trong thời gian chịu lệnh phong tỏa đồng nghĩa với việc họ vẫn phải xoay đủ cách để kiếm tiền dù điều này gần như là không thể. Những người đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp xã hội lại phải đối mặt với tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu không thể chấp nhận được tại các cơ quan công quyền.

Giáo sư Massimiliano Panarari tại Đại học Luiss đánh giá: “Tình trạng quan liêu hiện nay chính là kẻ thù của Italy và tình trạng khủng hoảng sẽ không thể được giải quyết. Trước khi có lệnh phong tỏa, mọi người luôn cố “lên giây cót tinh thần cho nhau, nhưng giờ họ phải đối mặt với một thực tế “đắng ngắt” tại một quốc gia đang hết sức mong manh trước dịch bệnh”./.