Áp lực về cung cấp thông tin
Theo ABC, 3 ngày sau khi chiếc máy bay Boeing 777 mất tích khi đang bay ở khu vực biển phía Bắc Malaysia và phía Nam Việt Nam, việc không tim được các mảnh vỡ hoặc dấu hiệu gì cho thấy điều gì thực sự đã xảy ra với chiếc máy bay này chỉ càng làm dấy lên những đồn đoán vô căn cứ.
Những đồn đoán này càng khoét sâu nỗi đau của gia đình và bạn bè của 239 người trên chiếc máy bay nói trên.
Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Azaharuddin Abdul Rahman cung cấp thông tin về khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích (Ảnh AP) |
Các quan chức Malaysia đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong việc quản lý khủng hoảng bằng cách liên tục cung cấp thông tin cho báo chí và thân nhân những hành khách trên máy bay bất chấp một thực tế rằng thông tin của họ không có gì mới mẻ cả.
Điều này khiến các phóng viên quốc tế- vốn đang phải chịu một áp lực rất lớn để có thể cung cấp thông tin 24/7 về vụ việc nói trên, không thể đưa tin gì nhiều ngoại trừ những nội dung chưa hề được kiểm chứng và hình ảnh thân nhân những người mất tích đang đau khổ tuyệt vọng.
Trong thế giới hiện đại với nhiều thiết bị liên lạc tối tân, mọi người sẽ cảm thấy rất bất thường khi không thể biết được những nguyên nhân chính thức và kết quả cuối cùng liên quan đến vụ máy bay mất tích nói trên.
Hơn thế nữa, người ta còn kỳ vọng các bản tin trên truyền hình sẽ giúp họ được theo dõi hình ảnh trực tiếp về mảnh vỡ của chiếc máy bay và được nghe những lời trao đổi cuối cùng được hộp đen ghi lại.
Thay vì thế, trên các trang Facebook và Twitter lại tràn ngập những lời đồn thổi vô lý.
Micheal Smith, một trong những chuyên gia quản lý khủng hoảng hàng đầu tại Australia, cho biết vụ máy bay Malaysia biến mất đang thử thách tính chuyên nghiệp và kỹ năng và kinh nghiệm quản lý khủng hoảng của những người liên quan đến vụ việc này.
“Tôi chưa thấy một cuộc khủng hoảng nào càng lúc càng lan rộng và càng khó khăn như vụ này bởi số lượng thông tin quá ít ỏi”, ông Smith phát biểu trong chương trình Thế giới Ngày nay (The World Today) của hãng ABC.
“Một trong những cách hiệu quả nhất để quản lý khủng hoảng là phải có càng nhiều thông tin càng sớm càng tốt và cập nhật những thông tin này một cách thường xuyên nhất có thể. Nhưng trong vụ này thông tin là rất ít ỏi và hầu như không có gì và điều đó làm cho tâm trạng của mọi người ngày càng trở nên bức bối hơn”, ông Smith nói.
Nỗi đau vẫn kéo dài
Ông Smith cũng chia sẻ: “Vụ máy bay mất tích này cũng thử thách khả năng quản lý khủng hoảng bởi số lượng người cần được cung cấp thông tin là rất lớn. Thân nhân của những hành khách trên máy bay sống ở khắp nơi trên thế giới và rất khó để liên lạc trực tiếp với họ”.
“Đối với gia đình của những người mất tích trên máy bay đang than khóc cho người thân của mình. Mỗi giây mỗi phút đều là rất đau đớn”, ông Smith nói.
Thân nhân những hành khách trên máy bay bị mất tích đau buồn vì chưa có thông tin cụ thể nào (Ảnh AP) |
Ông Smith cho biết vụ máy bay bị mất tích này không hề giống các cuộc khủng hoảng khác-vốn luôn có kết luận cuối cùng và một đối tượng cụ thể để quy trách nhiệm, sẽ càng nối dài nỗi đau của gia đình và bạn bè của những hành khách trên máy bay.
“Gia đình những hành khách nói trên muốn có được kết luận cuối cùng, họ muốn có thông tin chắc chắn và theo lẽ thường là ai đó để ràng buộc trách nhiệm trong vụ này”, ông Smith giải thích.
“Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một bằng chứng nào hoặc thậm chí là không thể biết ai đã gây ra vụ này. Chính vì thế không khó để nhận ra sự tức giận ngày càng gia tăng không chỉ trong các gia đình mà còn là bất cứ ai đang quan sát cuộc khủng hoảng này”, ông Smith nhấn mạnh.
Malaysia Airlines đang quản lý tốt
Mặc dù vậy, ông Smith cũng nói rằng hãng Malaysia Airlines đã theo đúng tất cả các nguyên tắc về quản lý rủi ro bất chấp cáo buộc của Trung Quốc rằng hãng này vẫn thiếu các hành động cụ thể.
Được coi là một trong những chuyên gia nhiều kinh nghiệm thực tế về việc quản lý rủi ro, ông Smith cho rằng các sách giáo khoa về quản lýrủi ro cần phải được viết lại để phản ánh đúng bản chất vụ máy bay Malaysia mất tích.
“Mỗi một thảm họa lớn trên thế giới sẽ khiến các sách giáo khoa này phải cập nhật và viết lại một chút bởi sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, chính trị và tình hình thế giới tại thời điểm xảy ra thảm họa”, ông Smith nói.
“Trong vụ máy bay mất tích, một bài học mà chúng ta có thể rút ra được ngay là việc kiểm soát hộ chiếu kỹ lưỡng. Mỗi cuộc khủng hoảng sẽ giúp chúng ta có thêm những bài học quý báu để có thể ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng sau này”, ông Smith nói./.