Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống Syria al- Assad khẳng định, ông không có ý định từ nhiệm và không có lý do gì có thể ngăn cản ông tái tranh cử thêm 1 nhiệm kỳ nữa.

Tại sao ông al-Assad lại có một tuyên bố tự tin như vậy trong thời điểm hiện nay, và liệu tuyên bố của ông có ảnh hưởng thế nào đến tương lai chính trị của ông cũng như Hội nghị Geneva 2 đang dự kiến sẽ diễn ra tại Thụy Sỹ?

al--assad-1.jpg
Tổng thống Syria al-Assad (Ảnh: AFP)

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Mayadeen của Lebanon, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nêu rõ: khả năng ông tiếp tục tranh cử ghế Tổng thống phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là ước muốn cá nhân và nguyện vọng của người dân.

Bên cạnh đó, ông Assad còn tuyên bố rằng: về cá nhân, ông không thấy có "bất cứ lí do gì" khiến ông không nên tranh cử. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn đang loay hoay chuẩn bị cho Hội nghị Geneva 2, tuyên bố của ông Assad đã làm dư luận đặc biệt chú ý. Có nhiều lý do giải thích cho tuyên bố dường như rất tự tin này của ông Assad.

Thứ nhất phải kể đến sự chậm trễ trong việc xúc tiến và chuẩn bị Hội nghị Geneva 2 của cộng đồng quốc tế. Đặc phái viên quốc tế về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi trong chuyến thăm Iraq ngày 21/10 đã phải thừa nhận điều này và cho biết, đến nay thời điểm diễn ra Hội nghị vẫn chưa được ấn định chính xác.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do đại diện Liên minh đối lập Syria tại Mỹ cho biết, lực lượng này vẫn chưa quyết định có tham gia Hội nghị hay không. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc Syria - tổ chức đối lập lớn nhất của Syria ở nước ngoài, cũng đã tuyên bố sẽ từ bỏ Liên minh dân tộc của phe đối lập và lực lượng cách mạng Syria nếu liên minh này tham gia Hội nghị Geneva 2.

Có thể thấy sự không thống nhất, mâu thuẫn và chia rẽ lẫn nhau trong lực lượng đối lập tại Syria thời gian gần đây chính là nguyên nhân thứ hai khiến ông Assad quyết định đưa ra tuyên bố tranh cử.

Sẵn sàng tham gia Hội nghị Geneva 2, nhưng ông Assad cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho cộng đồng quốc tế rằng: những lực lượng nào của phe đối lập sẽ tham gia Hội nghị, những lực lượng này có mối liên hệ thế nào với người dân Syria hay chỉ đại diện cho nước mời họ… Dường như ông Assad đang đánh vào điểm yếu của phe đối lập tại Syria hiện nay, đồng thời cũng là điểm dao động của người dân nước này.

Rõ ràng, dư luận trong nước và ý kiến của người dân là một yếu tố rất quan trọng, sẽ góp phần không nhỏ trong việc định đoạt tương lai của ông Assad nói riêng và cả Syria nói chung. Trong bối cảnh nội chiến, khủng bố vẫn kéo dài và phe đối lập vẫn là một lực lượng hỗn hợp, chưa đại diện cho quyền lợi của người dân, thì việc lựa chọn ai là người cầm quyền vẫn là một thử thách cho chính nhân dân Syria.

Hiểu được tâm lý này, trong tuyên bố tái cử của mình, ông Assad đã nhấn mạnh, khả năng ông tiếp tục tranh cử ghế Tổng thống phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là ước muốn cá nhân và nguyện vọng của người dân. Như vậy, dư luận trong nước đang chùng xuống lắng nghe tình hình chính là nguyên nhân thứ 3 giải thích cho tuyên bố của ông Assad.

Rõ ràng lúc này, người dân đang âm thầm lựa chọn cho mình một người cầm quyền xứng đáng. Một lợi thế nữa cho ông Assad lúc này còn là sự lung lay của liên minh Thổ Nhĩ Kỳ - Quatar - Saudi Arabia, vốn được thành lập để ủng hộ quân phiến loại Syria chống lại ông Assad. Trong diễn biến mới nhất, Quatar đã bất ngờ thay đổi lập trường, đề nghị bình thường hóa quan hệ với Syria.

Dường như rất nhiều yếu tố thuận lợi đang ủng hộ cho ông Assad. Tuy vậy, ngay lập tức Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phản ứng lại tuyên bố của ông Assad và cho rằng, mọi nỗ lực nhằm tái đắc cử của Tổng thống Syria sẽ chỉ làm kéo dài cuộc nội chiến, chứ không thể giải quyết các vấn đề tại quốc gia Trung Đông này, và phe đối lập sẽ không bao giờ đồng ý để ông Assad tiếp tục cầm quyền.

Có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, việc ông Assad tuyên bố tái cử sẽ phần nào tạo dựng lòng tin của người dân, nhưng nó có thể cũng sẽ trở thành cái cớ để cho phương Tây cũng như phe đối lập thúc ép ông phải từ chức, hoặc tham gia đàm phán với những điều khoản bất lợi tại Hội nghị Geneva 2 sắp tới.

Cho đến nay, Hội nghị Geneva 2 vẫn được đánh giá là sự lựa chọn sáng suốt của tất cả các bên nhằm tìm ra một giải pháp chính trị, thế nhưng những trở ngại và khó khăn vẫn đang còn chồng chất. Như thế, tuyên bố tái ứng cử của ông Assad có thể sẽ là một nhân tố khiến tất cả các bên bừng tỉnh cho những nỗ lực tiếp theo của mình, trên con đường định đoạt tương lai cuộc khủng hoảng tại Syria./.