Hội đồng Bảo an LHQ ngày 22/3 đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để chỉ trích vụ đánh bom liều chết nhằm vào một đền thờ Hồi giáo ở trung tâm Thủ đô Damascus, làm giáo sĩ Hồi giáo dòng Sunni nổi tiếng là ông Mohammad Said Ramadan al-Buti và hàng chục tín đồ Hồi giáo thiệt mạng.

Trong một tuyên bố đưa ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York,  đại sứ Nga tại Liên hợp quốc và là chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng này - ông Vitaly Churkin nhấn mạnh: “Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ tái khẳng định rằng, khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện đều cấu thành những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh quốc tế. Bất cứ hành động khủng bố nào cũng đều là hành vi tội ác và không thể bào chữa được cho dù đó là động cơ gì và ai đã thực hiện, thực hiện trong thời điểm nào và thực hiện ở đâu. Các thành viên Hội đồng Bảo an tái khẳng định quyết tâm đối phó với tất cả các dạng thức khủng bố theo đúng hiến chương LHQ”.

syria-foxnews.jpg
Cuộc nội chiến ở Syria tiếp tục leo thang (Ảnh: Foxnews)

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin, 49 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết tại đền thờ Hồi giáo Iman ở trung tâm Thủ đô Damascus. Kẻ đánh bom liều chết đã kích nổ quả bom khi những người cầu nguyện đang nghe bài thuyết pháp của giáo sĩ Al-Buti, 84 tuổi, một người nổi tiếng với các bài thuyết pháp chống chủ nghĩa khủng bố và chỉ trích các hành động cực đoan của lực lượng chống đối Syria. Cái chết của giáo sĩ này được coi là một đòn giáng vào chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận đứng sau vụ này, song Đài truyền hình Syria cáo buộc “các phần tử khủng bố” dính líu đến vụ việc. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 22/3, Tổng thống Bashar Al-Assad thề sẽ quét sạch lực lượng Hồi giáo cực đoan ra khỏi quốc gia này. Nhà chức trách Syria cũng đã tuyến bố tổ chức quốc tang trong ngày hôm 23/3.

Trong một tuyến bố được đăng tải trên mạng Internet, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - Alexander Lukashevich nhấn mạnh: Nga kịch liệt lên án các hành vi tấn công khủng bố, đồng thời bày tỏ chia buồn tới tất cả những người Hồi giáo, các nhà lãnh đạo và người dân Syria, cũng như thân nhân những người chết trong vụ đánh bom trên. Nga hoàn toàn tin rằng, vụ đánh bom này là do các phần tử có thái độ đối đầu với các nhà lãnh đạo Syria gây ra.

Ở một diễn biến khác, việc nên hay không nên hỗ trợ vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria đang trở thành một vấn đề nóng và gây tranh cãi tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khai mạc ngày 22/3 và kéo dài trong hai ngày tại Ailen.

Pháp và Anh vẫn giữ quan điểm rằng, EU nên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria để qua đó hỗ trợ vũ khí cho lực lượng đối lập Syria. Phát biểu trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Anh - William Hague cho biết, sẽ nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận của liên minh châu Âu trong vấn đề này.

“Trọng tâm của chúng tôi là phải đảm bảo làm sao đạt được một thỏa thuận tại EU. Đó là điều mà chúng tôi luôn thành công tư trước đến nay, và chúng tôi sẽ vẫn tìm kiếm để có được những cuộc thảo luận suôn sẻ về vấn đề này” - Ngoại trưởng William Hague nói.

Trong khi đó, Đức và một số nước khác thì cho rằng, việc hỗ trợ vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria sẽ khiến tình hình Syria thêm xấu đi. Ngoại trưởng Đức - Guido Westerwelle cho biết, ông hoàn toàn có thể hiểu được lập trường của Anh và Pháp song chính phủ Đức không ủng hộ việc trao vũ khí vào tay lực lượng đối lập để lật đổ Tổng thống Syria -  Bashar al-Assad.

“Chúng tôi muốn ủng hộ những người đủ tư cách. Chúng tôi muốn ủng hộ những người thực sự muốn hỗ trợ người dân Syria và không đi theo các phần tử cực đoan” – Ngoại trưởng Guido Westerwelle bày tỏ.

Sự phân cực trong quan điểm của các nước thành viên EU diễn ra sau khi giới chức và truyền thông chính thống Syria ngày 19/3 vừa qua đã tố cáo lực lượng nổi dậy ở nước này sử dụng vũ khí hóa học tại tỉnh miền Nam Aleppo, cho rằng đây là hành động “leo thang nguy hiểm”. Đây là lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cáo buộc lực lượng nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học và dư luận sau đó đã có những phản ứng trái chiều về thông tin này.

Liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Syria, ngày 22/3, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp đã quyết định kéo dài thời gian điều tra về các vụ lạm dụng nhân quyền tại Syria thêm 1 năm nữa.

Với 41 phiếu thuận và 1 phiếu chống trong tổng số 47 quốc gia thành viên, Hội đồng nhân quyền đã cho phép Ủy ban điều tra gồm 4 chuyên gia độc lập của LHQ có thêm thời gian để thu thập bằng chứng về các tội ác diễn ra tại Syria.

Theo đó, nhóm điều tra này sẽ được phép thực hiện hoạt động điều tra từ nay đến tháng 3/2014. Trong số các quốc gia ủng hộ có Mỹ, Đức, Libya, Pakistan, Qatar. Chỉ có Venezuela là bỏ phiếu phản đối. 5 quốc gia gồm: Ecuador, Ấn Độ, Kazakhstan, Philippines và Uganda bỏ phiếu trắng.

Theo đại sứ Mỹ tại LHQ - Eileen Donahoe, những người gây ra tội ác chống lại người dân Syria cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

“Những người gây ra tội ác chống lại người dân Syria đều phải bị trừng phạt. Tất cả người dân Syria đáng được hưởng tự do và cơ hội sống trong hòa bình. Mỹ cam kết hỗ trợ người dân Syria đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ” – Đại sứ Eileen Donahoe nói.

Đại sứ Syria tại LHQ - Khabbaz Hamoui thì kịch liệt phản đối nghị quyết, đồng thời lên án Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đổ thêm dầu vào lửa.

“Thủ đô của một số người đã ủng hộ và tài trợ cho dự thảo nghị quyết này đều là nạn nhân của các hành vi khủng bố. Họ nhắm mắt làm ngơ để làm cho tình hình tại quốc gia họ càng ngày càng xấu đi sau những quyết định như vậy” - Đại sứ Khabbaz Hamoui bày tỏ.

Trước đó, hồi đầu tháng 3, Ủy ban điều tra về tình hình Syria của LHQ do ông Paulo Pinheiro - chuyên gia Brazil đứng đầu đã nói rằng, đang tiến hành thu thập bằng chứng về 20 vụ thảm sát tại Syria nhằm chứng minh rằng tình hình nội chiến tại Syria đang ngày một xấu đi. Theo ước tính của LHQ, hơn 70.000 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực kéo dài 3 năm qua tại Syria./.