Từng có ý kiến cho rằng sau hơn hai thập kỷ kết thúc Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Washington và Moscow đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, những vụ việc liên tiếp xảy ra trên thực tế thời gian qua, có thể thấy rằng mối quan hệ giữa 2 cường quốc chưa bao giờ êm dịu.

obama-putin-ng.jpg
Quan hệ Mỹ - Nga theo kiểu "bằng mặt chưa bằng lòng" (Ảnh minh họa, nguồn: windsorstar.com)

Bất đồng về hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu

Trải qua nhiều thăng trầm trong suốt các nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton (1993-2001) và G.Bush (2001-2009), trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Nga-Mỹ tái xác lập lại quan hệ, với mục tiêu khép lại bất đồng để bước sang thời kỳ đối thoại có tính xây dựng hơn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, chính tham vọng quá lớn của Mỹ nhằm duy trì vị trí độc tôn, răn đe hạt nhân chiến lược toàn cầu đã làm cho kế hoạch tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ không mấy tiến triển.

Hệ thống phòng thủ tên lửa NMD được coi là “chướng ngại vật” lớn nhất trong quan hệ Nga-Mỹ. Dư luận quốc tế đã từng chứng kiến việc Nga khăng khăng phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu (NMD) vì cho rằng hệ thống được triển khai gần biên giới là nhằm vào Nga, đồng thời yêu cầu một sự “đảm bảo pháp lý” từ Mỹ và NATO rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa không nhằm vào nước này.

Tuy người Mỹ vẫn luôn phủ nhận hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm vào Nga, nhưng dư luận không khó để nhận ra rằng Nga mới là nước duy nhất sở hữu tiềm lực hạt nhân có khả năng để tiêu diệt các mục tiêu của Mỹ.

Ý tưởng về hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia được người Mỹ manh nha và ấp ủ vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX. Để dọn đường cho việc thực hiện tham vọng này, Mỹ dù đã ký vào Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 1972, nhưng tới năm 1999, Mỹ đã ban hành Đạo luật phòng thủ tên lửa quốc gia. Tới năm 2002, bằng việc tuyên bố đơn phương rút khỏi ABM, Mỹ chính thức loại bỏ rào cản lớn nhất để biến ý tưởng NMD thành hiện thực.

Từ Magnitsky đến Snowden

Những bất đồng xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa chưa được tháo gỡ. Việc Mỹ thông qua Đạo luật Magnitsky vào cuối năm 2012 với mục đích chính là nhằm trừng phạt giới quan chức Nga vì lý do “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” sau cái chết của luật sư người Nga Sergei Magnitsky, càng làm cho hố sâu ngăn cách mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn thêm.

Đáp lại Đạo luật Magnitsky của Mỹ, Nga lập tức thông qua lệnh cấm công dân Mỹ nhận con nuôi người Nga đồng thời cũng cấm các tổ chức của Nga tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi của công dân Mỹ. Bên cạnh đó Nga cũng ra lệnh cấm tạm thời hoạt động của các tổ chức phi thương mại tham gia hoạt động chính trị tại Nga dưới sự bảo trợ của Mỹ.

Các vụ trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Nga vẫn còn chưa ráo mực, việc Nga bắt quả tang một điệp viên CIA đội lốt nhà ngoại giao Mỹ móc nối với sĩ quan phản gián của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nhằm khai thác các thông tin cho Mỹ khiến cho báo chí lại có lý do để mổ xẻ về mối quan hệ vốn không mặn nồng giữa 2 nước lớn. Gần đây nhất, việc Nga cấp quy chế tị nạn 1 năm cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden khiến cho mối quan hệ ấy càng trở nên ngột ngạt.

Nga-Mỹ vẫn cần có nhau

Tuy nhiên rất dễ để nhận thấy rằng, tuy mức độ căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ có những thời điểm khiến hai nước dường như ở vào thế đối đầu nhau nhưng những động thái mà cả hai phía đáp trả lẫn nhau vẫn nằm trong khuôn khổ ngoại giao tối thiểu.

Phát biểu trước báo giới mới đây, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh mối quan hệ Nga-Mỹ kể từ khi tái xác lập cho tới nay đang phát triển theo hướng rất thực tế. Ông Carney cho rằng tính thực tế được thể hiện ở chỗ Washington mong muốn hợp tác với Moscow trong mọi lĩnh vực tiềm năng, đồng thời tìm cách làm rõ các vấn đề mà hai bên đang bất đồng.

Bản thân Tổng thống Barack Obama khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình NBC đại ý nhấn mạnh rằng “thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai nước đã là quá khứ, chúng ta phải nghĩ về tương lai. Và không có lý do gì để chúng ta không thể hợp tác hiệu quả hơn hiện nay”.

Về phía Nga, mặc dù không đáp ứng đề nghị dẫn độ Edward Snowden, người bị chính quyền Mỹ coi là “kẻ tội đồ” của nước này, một động thái khiến quan hệ Nga-Mỹ vốn không yên ổn bỗng chốc lại dậy sóng, nhưng Tổng thống Nga Putin vẫn khẳng định Moscow không chấp nhận bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Nga-Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga đặt điều kiện “Snowden chỉ được tị nạn ở Nga khi anh ngừng tiết lộ thêm những bí mật của Chính phủ Mỹ”.

Những tuyên bố của 2 nhà lãnh đạo Nga, Mỹ có thể coi là những minh chứng xác thực nhất về mối quan hệ Nga-Mỹ. Thực tế là họ vẫn còn cần cho nhau bởi việc giữ mối quan hệ với một nước có vai trò quan trọng trên trường quốc tế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Gần đây nhất, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki trả lời phỏng vấn cho biết các cuộc hội đàm cấp cao ở Washington ngày 9/8 sẽ là cuộc hội đàm “2+2” đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ năm 2007 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Quyết định mới nhất này của chính quyền Mỹ có liên quan tới mối quan hệ giữa Washington và Moscow cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn đang cố tìm cách để tránh làm chệch hướng mối quan hệ với Nga./.