Nước Anh vui sướng

Phát biểu sau khi có kết quả trưng cầu dân ý tại Scotland, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố người dân Scotland đã có sự lựa chọn "rõ ràng". Thủ tướng Anh tuyên bố: Người dân Scotland đã lên tiếng và đó là một kết quả rõ ràng. Họ đã quyết giữ Liên hiệp với 4 dân tộc và như hàng triệu người khác, tôi cảm thấy vui mừng vì điều đó.

Thủ tướng Cameron nói: "Như tôi đã nói trong cuộc vận động, sẽ rất đau đớn khi nghĩ đến đoàn kết trong Liên hiệp Vương quốc Anh chấm dứt và tôi biết rằng suy nghĩ này không chỉ của người dân Anh mà trên toàn thế giới. Tôi biết rằng chúng ta chia sẻ những giá trị trong quá khứ và những lợi ích có thể tạo ra trong tương lai. Bây giờ là lúc chúng ta đoàn kết trong Liên hiệp Vương quốc Anh và cùng tiến lên."

trung_cau_bbgn.jpgNgười dân Scotland đã quyết định ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh
Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg tuyên bố: "Tôi vô cùng vui mừng khi người dân Scotland đã quyết định giữ gia đình của chúng ta cho các thế hệ tương lai. Trong một thế giới nhiều hiểm họa rình rập và bất ổn, tôi tin rằng chúng ta sẽ mạnh hơn, an toàn và thịnh vượng hơn cùng nhau nếu đoàn kết".         

Châu Âu "thở phào"

Về phía các lãnh đạo châu Âu, dù không công khai nói ra trước cuộc bỏ phiếu để tôn trọng ý kiến của cử tri Scotland. Song thực chất, châu Âu rất lo ngại hiệu ứng Domino có thể xảy ra nếu khi Scotland nói có với việc tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh. Đầu tiên sẽ là ảnh hưởng đến phong trào đòi ly khai đang mạnh mẽ ở Catalan, Tây Ban Nha; rồi vùng nói tiếng Hà Lan ở Bỉ. Các vùng đang đòi ly khai này chỉ chờ một tiền lệ tại Scotland để bùng lên. Những xu hướng ly khai đó là rất nguy hiểm cho châu Âu bởi nó phá vỡ các liên kết nội khối và đặt ra nghi ngờ về giá trị hội nhập châu Âu.

Chính vì thế, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, dù là người có mâu thuẫn với Thủ tướng Anh David Cameron, cũng công khai tuyên bố "nhẹ người" trước câu trả lời "Không" của người dân Scotland.         

Lựa chọn nói "Không » theo lý trí

Giới phân tích đã nhận định cử tri Scotland đã lựa chọn một câu trả lời "Không" của lý trí thay vì "Có" của con tim. Bởi những người hiểu rằng sẽ được lợi nhiều hơn nếu ở lại trong Liên hiệp Vương quốc Anh.

Đúng như dự đoán ban đầu, "đa số im lặng" - những cử tri dù giữ thái độ điềm tĩnh, không bày tỏ quan điểm ầm ĩ trước cuộc bỏ phiếu, đã đóng vai trò quyết định cuối cùng. Và câu trả lời của họ là "Không", bởi họ hiểu những giá trị của việc tiếp tục ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh, như thực tế lịch sử Scotland đã trải qua 307 năm qua.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các cử tri lưỡng lự là việc phải thương lượng lại vị thế của Scotland trong EU. Vương quốc Anh hiện có rất nhiều điều khoản miễn trừ dù thuộc EU, như việc vẫn dùng đồng tiên Bảng Anh, việc không vào không gian Schengen hay nhiều điều khoản liên quan đến quản trị ngân sách và thuế. Nhưng khi tách khỏi Vương quốc Anh, Scotland sẽ chỉ là một quốc gia nhỏ bé ở châu Âu, không thể cũng đòi hỏi những quyền lợi như Vương quốc Anh được.

Có rất nhiều vấn đề sẽ nảy sinh nếu  Scotland  trở thành một quốc gia độc lập. Trước hết là chuyện đồng tiền. Scotland sẽ sử dụng đồng tiền nào sau khi độc lập? Scotland phải tính đến các phương án khác: hoặc sử dụng đồng euro, hoặc tự in đồng tiền riêng của mình. Cả hai phương án này đều rủi ro và cần thời gian bởi khi đó, giới tài chính quốc tế sẽ chưa có đủ niềm tin vào đồng tiền mới của Scotland. Việc này phản ánh ở việc hơn 100 công ty lớn đã dọa rút trụ sở khỏi Scotland nếu nước này độc lập.

Khó khăn tiếp theo với Scotland sẽ là các thủ tục pháp lý để phân chia lãnh thổ, quyền lợi với Vương quốc Anh và các thủ tục để gia nhập Liên minh châu Âu hoặc NATO. Tóm lại là họ sẽ phải làm lại mọi thứ như một quốc gia vừa ra đời.

Trong khi đó, nói một cách bóng gió như báo chí châu Âu, rằng: Scotland vẫn tiến bước dù trả lời "không", bởi thực tế là London đã hứa và sẽ thực hiện tăng quyền cho Nghị viện Edinburg nếu Scotland lựa chọn ở lại./.