Theo Reuters, việc cân nhắc thay đổi chính sách trên diễn ra sau khi hãng sản xuất bán dẫn FSLN của Mỹ mất một lúc 20 nhân viên quan trọng trong vụ máy bay Malaysia mất tích ngày 8/3.

FSLN cho biết 20 nhân viên của họ là các kỹ sư và chuyên gia liên quan đế các dự án quản lý và cắt giảm chi phí tại các cơ sở sản xuất quan trọng của hãng tại Trung Quốc và Malaysia.

malaysia-plane1_copy.jpg
Thiệt hại về nhân sự như của FSLN trong vụ máy bay Malaysia bị mất tích là rất hiếm xảy ra (Ảnh AP)

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cảnh báo việc thay đổi chính sách này sẽ khó có thể thực hiện được tại các tập đoàn lớn.

Rất khó thực hiện

Thông thường, các công ty lớn thường có chính sách không cho phép các Tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính và các nhân sự cấp cao khác bay cùng nhau để giảm thiểu rủi ro tai nạn.

Mặc dù vậy, rất ít công ty lại thi hành chính sách này đối với nhân sự ở cấp thấp hơn.

Hơn thế nữa, các tập đoàn và thậm chí cả các câu lạc bộ thể thao danh tiếng hầu như không bao giờ ngăn cản các nhân viên quan trọng và các thành viên của một nhóm đi cùng nhau trên xe buýt, xe ô tô, những phương tiện còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với máy bay, các chuyên gia về an toàn và an ninh cho các tập đoàn nổi tiếng cho biết.

Ngay cả đối với câu lạc bộ Manchester United -vốn đã mất tới 8 cầu thủ trong vụ tai nạn máy bay năm 1958 tại Munich,  họ vẫn tiếp tục để các cầu thủ bay cùng với nhau trong các chuyến du đấu trên khắp châu Âu giống như nhiều câu lạc bộ danh tiếng khác trên thế giới.

Với các công ty toàn cầu chuyên tổ chức các cuộc hội thảo kinh doanh và phải đưa nhân viên đi công tác tại một số điểm liên tục thì việc chia nhỏ người sang nhiều chuyến bay thường không khả thi và thường gây bất tiện cũng như tốn kém hơn rất nhiều so với bay chung trừ trường hợp tai nạn máy bay khiến tổn thất là cực kỳ khủng khiếp.

Đi chung vẫn an toàn

“Khi có quá nhiều người bị thiệt mạng trong cùng một thời điểm tại cùng một chỗ, chúng ta dường như đã để tình cảm lấn át khi tính toán đến việc quản lý rủi ro bằng việc chia nhỏ số nhân viên này và để họ bay trên nhiều chuyến bay khác nhau”, ông David Ropeik, người chuyên viết và tư vấn về nhận thức về rủi ro, cho biết.

Nguy cơ bị thiệt mạng khi máy bay rơi thay đổi dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như tổng quãng đường bay và số chuyến bay. Nhưng nhìn chung, sử dụng máy bay thương mại an toàn hơn là đi bằng đường bộ”, ông Ropeik nói.

Trong trường hợp của hãng FSLN, hãng này có chính sách đi công tác cho toàn bộ các nhân viên của mình kể cả số nhân viên trên chiếc máy bay bị mất tích, ông Mitch Haws, Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và Quan hệ Đầu tư Toàn cầu của FSLN, cho biêt.

Hầu hết số nhân viên trên chuyến bay bị mất tích chủ yếu là kỹ sư và chuyên gia đang thực hiện việc chuyển cơ sở sản xuất chip bán dẫn của hãng từ Thiên Tân, Trung Quốc về Kuala Lumpur, Malaysia để giảm chi phí hiệu quả hơn.

Họ làm việc ở cả hai nơi cùng một lúc và thường xuyên phải đi lại giữa hai địa điểm nói trên để tham gia vào các dự án khác nhau, hãng FSLN cho biết.

Mặc dù 20 nhân viên này chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng số 16,800 nhân viên của hãng, công việc của họ là rất đặc thù và trực thuộc sự quản lý của Tổng Giám đốc Gregg Lowe.

“Bất kỳ ai đi công tác cho một hãng thì cũng đều là người quan trọng cả”, chuyên gia Doug Freedman cho biết và nói thêm: “ Tuy nhiên, FSLN có số lượng nhân viên rất lớn và họ có thể điều chuyển những người khác để lấp đầy khoảng trống nói trên”.

Thông lệ chung của nhiều công ty

Mặc dù vậy, việc để các nhân viên đi công tác cùng nhau đã trở thành một chuẩn mực chung của các công ty chứ không phải là ngoại lệ nữa.

Hãng sản xuất vi xử lý Intel thường sử dụng máy bay riêng cho các Giám đốc và quản lý đi lại liên tục giữa các văn phòng và nhà máy tại California, Oregon và Arizona.

Trong khi đó, Google , Apple, Facebook và nhiều công ty công nghệ khác có xe bus đưa đón khoảng 12 nhân viên 1 lúc từ nhà của họ ở San Francisco đến Thung lũng Silicon.

Những chiếc xe bus này chở khoảng 17.000 người đi lại trên quãng đường trên, Sở Giao thông Công chính San Francisco cho biết.

Ông Tim Horner, một chuyên gia tư vấn an ninh cho rằng các tập đoàn tổ chức các sự kiện và có sự tham gia của đông đảo nhân viên cũng nên xem xét những rủi ro tại nơi công tác hơn là chỉ chăm chăm vào lo an toàn của chuyến đi.

Một số công ty của Mỹ gửi nhân viên đến Olympic Mùa Đông 2014 tại Sochi quá quan tâm đến nguy cơ khủng bố mà không lo đến những nguy cơ hiển hiện hơn như tội phạm trên đường phố và các trường hợp cấp cưu khẩn cấp, ông Horner nói.

“Các bạn cần nhận thức rằng những tai nạn thảm khốc này thường ít khi xảy ra. Đó không phải là việc có thể xảy ra hàng ngày”, ông Horner nói liên quan đến vụ máy bay Malaysia mất tích./.