Mỹ-Anh khẳng định tự do hàng hải          

Giới chuyên gia quân sự không thể phủ nhận một điều rằng, Trung Quốc đã củng cố được sức mạnh quân sự trên Biển Đông. Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa khu vực tranh chấp tại Biển Đông sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây mất ổn định khu vực.

1_iyna.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson phát biểu trên tàu HMS Sutherland. Ảnh: AP 

Với Mỹ, các hoạt động tuần tra hàng hải tự do cũng là biện pháp nhằm đối phó việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông. Mỹ vẫn duy trì cam kết về một khu vực tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đầu tháng 5 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng cảnh báo việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự hóa sẽ dẫn đến “những hậu quả trước mắt và lâu dài”.

Với Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson nhấn mạnh rằng, Anh cùng với Pháp và Australia muốn đảm bảo quyền tự do qua lại vùng biển này.

“Chúng tôi đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tự do hàng hải là điều quan trọng sống còn”, ông Gavin Williamson nói.

Do đó, đi kèm với thông điệp này, HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh đã lên đường tới châu Á-Thái Bình Dương, với 220 thành viên thủy thủ đoàn từ hồi tháng 1 vừa qua. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng thông báo sẽ triển khai 3 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tới châu Á-Thái Bình Dương, nhằm phát đi “những tín hiệu mạnh mẽ nhất”. Theo Bộ trưởng Williamson, một phần sứ mệnh của đội tàu này là đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại.

Tuyên bố của Bộ trưởng Gavin Williamson đưa ra khi tàu HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh cập cảng tại Singapore. Và chỉ trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Washington cảnh báo Bắc Kinh sẽ chịu hậu quả nếu tiếp tục các hành động gây hấn.

Theo kế hoạch, Anh sẽ đưa các tàu chiến gồm tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll tới vùng biển châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay. Đây sẽ là đầu tiên Anh triển khai cùng lúc 3 tàu quân sự tới khu vực này.

“Lý do Anh đưa các tàu chiến và lý do chúng tôi tới thăm khu vực này là muốn gửi đi các tín hiệu mạnh mẽ nhất. Tôi tin rằng các nước phải “chơi” theo đúng luật”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh phát biểu trên tàu HMS Sutherland trong chuyến thăm Singapore.

“Điều này thậm chí còn quan trọng hơn vào thời điểm “những đám mây bão tố” hay sự căng thẳng đang tập trung về khu vực này. Những quan ngại tại khu vực đang gia tăng khi có thêm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và chưa kể đến việc ngăn cản quyền tiếp cận, tự do và an toàn hàng hải tại khu vực”, Bộ trưởng Gavin Williamson nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh không tiết lộ thời điểm cụ thể các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia sẽ tới Biển Đông hay liệu các tàu này có tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một loạt đảo ở Biển Đông như tàu chiến của Mỹ vừa qua hay không.

Trước đó, thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ: “Ngày 27/5, hai chiến hạm của Mỹ là tàu tuần dương Antiem mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins vừa tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một loạt đảo ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Quân đội Trung Quốc đã ngay lập tức có hành động triển khai các tàu chiến và các máy bay để xác định và gửi cảnh báo tới các tàu Mỹ”.

Theo Reuters, việc các tàu chiến Mỹ áp sát các đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa [của Việt Nam-ND] là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm phản đối Trung Quốc hạn chế quyền tự do đi lại ở khu vực mang ý nghĩa chiến lược này.

Pháp ủng hộ COC

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa không được quốc tế công nhận, do đó, việc nước này tuyên bố chủ quyền với vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo này bị lên án mạnh mẽ và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Không chỉ Anh, Pháp cũng đã có hành động trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Theo đó, Pháp sẽ đưa tàu chiến tới Biển Đông.

Bộ trưởng Quân đội Pháp Florence Parly trong tuyên bố khi tham gia Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra tại Singapore khẳng định ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), với sự ràng buộc pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà Florence Parly cho biết, ít nhất 5 tàu chiến của Pháp đã đi qua Biển Đông trong năm ngoái. Các tàu chiến và trực thăng của Anh đã tham gia sứ mệnh tại khu vực này với Pháp. Trong khi đó, giới chuyên gia Đức cũng có mặt trên các chiến hạm Pháp khi thực hiện các sứ mệnh tại Biển Đông.

“Châu Âu ủng hộ mạnh mẽ hơn hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Tôi tin rằng, chúng tôi sẽ mở rộng nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này”, Bộ trưởng Florence Parly nhấn mạnh.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, kế hoạch đưa 3 tàu chiến tới châu Á-Thái Bình Dương cũng nhằm duy trì sức ép tối đa với Triều Tiên. Hải quân Anh cam kết giám sát việc thực hiện lệnh cấm thương mại hàng hải với Triều Tiên theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Bộ trưởng Gavin Williamson khẳng định, Anh rất thực tế khi giải quyết những thách thức trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, London hoan nghênh triển vọng của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Singapore vào tuần tới.

“Điều quan trọng nhất là chúng tôi hiểu hành động thực tế của các bên. Họ đang cố gắng tìm một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và con đường ngoại giao là một trong những giải pháp. Theo đó, tất cả chúng ta đều hoan nghênh và hiểu rõ rằng đây là cách tiếp cận đúng đắn”./.