Ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản đã cho công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2014, với 429 trang, nội dung gồm 4 phần.

abe_wpoz.jpgThủ tướng Shinzo Abe quyết tâm tăng cường sức mạnh của lực lượng phòng vệ Nhật Bản (Ảnh AFP)

 Từ nguy cơ tiểm ẩn đến nguy cơ thực tế

Trong Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2013, mới chỉ nhấn mạnh những nguy cơ tiềm ẩn mà Tokyo phải sẵn sàng đối phó, đó là việc gia tăng các hoạt động hàng hải ở mức nguy hiểm của một số nước, nhất là việc xâm phạm vùng biển và vùng trời của Nhật Bản. 

Trong Sách Trắng quốc phòng 2014, Nhật Bản đã khẳng định môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản “ngày càng trở nên khắc nghiệt” do căng thẳng với một số nước láng giềng như Trung Quốc và Triều Tiên. 

Nhật Bản đặc biệt lưu ý tới nước láng giềng Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự và có những hành động độc đoán trên biển Hoa Đông, Biển Đông như, thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), hạ đặt giàn khoan HD- 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… 

Sự quan ngại sâu sắc của Nhật Bản trước những hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc thời gian vừa qua, nhất là những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ tạo ra những thách thức toàn cầu và trực tiếp gây ra hậu quả xấu cho khu vực châu Á. 

Sách Trắng quốc phòng còn nhấn mạnh rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần trong thập niên vừa qua và Nhật Bản đang chứng kiến một môi trường an ninh “ngày càng nguy hiểm”. 

“Liên quan tới các xung đột vì lợi ích biển, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp hung hăng, trong đó có nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng các biện pháp ép buộc, vốn đi ngược với trật tự và luật pháp quốc tế hiện thời”, “Các biện pháp đó có thể gây ra những lo ngại về đường hướng tương lai của Trung Quốc”.

Tokyo cáo buộc Bắc Kinh có những “hoạt động nguy hiểm có thể gây ra hậu quả không tính trước”. Sách Trắng còn nói rõ cả số lần máy bay chiến đấu Nhật Bản cất cánh để đối đầu với máy bay Trung Quốc ngày càng “gia tăng mạnh”. 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn cho rằng, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng và hiện hữu đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản.  

Sách Trắng cũng cảnh báo những hành động không thể đoán trước của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng liên tục sử dụng những ngôn ngữ và hành động quân sự khiêu khích và cho rằng: “Những hành động quân sự của Triều Tiên là nguyên nhân gây mất ổn định nghiêm trọng đối với an ninh không chỉ của Nhật mà còn cả khu vực và cộng đồng quốc tế trong tương lai”. 

Sách Trắng nêu bật sự lo ngại về chương trình tên lửa được cho là đã có “tiến bộ kỹ thuật nhờ những lần phóng liên tục”, rằng sự phát triển vũ khí của Triều Tiên “là nguy hiểm thường trực và nghiêm trọng cho an ninh của Nhật Bản”. 

Bìa cuốn Sách Trắng quốc phòng 2014 của Nhật Bản (Ảnh AP)

Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản 2014 cũng đề cập tới các tranh chấp lãnh thổ bao gồm: quần đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo và Quần đảo Kurils đang tranh chấp với Nga mà Tokyo gọi là Các vùng lãnh thổ phương Bắc. “Đây là các vấn đề tranh chấp lãnh thổ quan trọng và vẫn chưa có cách nào giải quyết”. 

Sách Trắng quốc phỏng 2014 của Nhật Bản cũng nhấn mạnh và khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với các quần đảo hiện đang tranh chấp với Hàn Quốc mà Hàn Quốc đang kiểm soát. 

Từ lên kế hoạch đến chủ động bảo vệ từ xa 

Trong Sách Trắng quốc phòng 2013, Nhật Bản mới chỉ lên kế hoạch biên soạn các nguyên tắc chỉ đạo trong lĩnh vực quốc phòng, phát triển năng lực tấn công quân sự, trong trường hợp phải đối mặt với sự đe dọa của tên lửa đạn đạo, tăng cường khả năng hoạt động giám sát ở khu vực Tây Nam đất nước, đồng thời kêu gọi thông qua việc để nước này có thể thực hiện quyền phòng thủ tập thể. 

Trong Sách Trắng quốc phòng 2014, Nhật Bản đã khẳng định, sẽ tăng cường sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ bằng việc chi tiêu nhiều hơn trong lĩnh vực quân sự. Đã thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm về xuất khẩu vũ khí, cho phép quân đội Nhật có thể chiến đấu ở nước ngoài và tham gia tác chiến phòng vệ tập thể… nhằm phản ứng có hiệu quả với môi trường an ninh khu vực đã “thay đổi về căn bản”. 

Sách Trắng quốc phòng còn cho rằng sự có mặt quân sự của Mỹ vẫn “vô cùng quan trọng để bảo đảm ổn định khu vực”. 

Thông qua Sách Trắng quốc phòng 2014, Nhật Bản tiếp tục nhấn mạnh quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ có vai trò thiết yếu, nhất là việc triển khai máy bay Osprey MV-22 ở Okinawa sẽ góp phần đem lại hòa bình, ổn định trong khu vực. 

Việc Tokyo cho phép các công ty trong nước tham gia sản xuất linh kiện máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ là có ý nghĩa lớn vừa giúp bảo vệ, duy trì, phát triển công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản vừa giúp tăng cường liên minh Nhật - Mỹ thông qua hợp tác công nghệ quân sự. 

Cũng theo Sách Trắng quốc phòng, trên cơ sở trụ cột chính là mối quan hệ Nhật – Mỹ, Tokyo còn mở rộng sang các nước lân cận trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, ASEAN… 

Trong bài viết trước đó, Giáo sư Michishita Narushige cho biết: “Trong khối ASEAN, các nước Indonesia, Philippines, Việt Nam là những đối tác quan trọng nhất. Nhật Bản cũng hy vọng sẽ xây dựng được mối quan hệ mật thiết hơn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng mà cả trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế”. 

Trong bối cảnh khu vực ngày càng căng thẳng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh tiếp tục chú trọng bảo vệ các hòn đảo xa, đặc biệt là những đảo không có người ở Senkaku/Điếu Ngư, nhấn mạnh đến kế hoạch đặt đơn vị đồn trú giám sát bờ biển tại hòn đảo Yonaguni ở khu vực cực Tây Nhật Bản, cũng như việc thành lập lực lượng thủy quân lục chiến gần giống như quân đội Mỹ.  

Sách Trắng quốc phòng 2014 cũng cho biết, theo Chương trình phòng thủ quốc gia của Nhật Bản, thì từ 2014 đến năm 2019, quân đội Nhật sẽ được bổ sung các phương tiện, vũ khí hiện đại hơn bao gồm: máy bay trinh sát không người lái, khu trục hạm chống tên lửa, các trang thiết bị vận chuyển… với chi phí lên đến 247 tỷ USD. Được biết, ngân sách quốc phòng Nhật Bản đã được tăng 2,2% trong các năm tài khóa từ 2002 đến nay. 

Phản ứng của các nước  

Trước việc Chính phủ Nhật Bản công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2014, ngay lập tức Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những phản ứng dữ dội. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ trích: “Chúng tôi phản đối việc Nhật Bản bịa đặt ra cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc để phục vụ các mục đích chính trị”.  

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min- seok cũng tuyên bố: “Chúng tôi đã triệu một tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nhật Bản tới để chuyển lời cảnh báo nghiêm khắc và bày tỏ hết sức lấy làm tiếc”, Hàn Quốc còn lên án việc Nhật Bản đề cập đến một nhóm đảo mà cả Tokyo và Seoul cùng đòi chủ quyền. 

Như vậy, chỉ trong thời gian 4 tháng, Nhật Bản đã cho công bố hai tài liệu quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại mới của Nhật Bản. “Sách Xanh ngoại giao” ngày 4/4 và “Sách Trắng quốc phòng” ngày 5/8/ 2014. 

Cả hai tài liệu nêu trên đều có những nhận định về nguy cơ mất an ninh khu vực (trong đó có an ninh của Nhật Bản) là nghiêm trọng, do một số quốc gia có tham vọng mở rộng lãnh thổ, lãnh hải bằng vũ lực bất chấp luật pháp quốc tế, khiến Nhật Bản phải có sự chuẩn bị đối phó một cách chủ động và tích cực trên quan điểm tác chiến “phòng vệ tập thể”./.