Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ ý định rút toàn bộ quân khỏi Syria trong nhiều tháng qua, cho rằng cuộc chiến này chẳng đem lại lợi ích gì cho Mỹ ngoài “cát và chết chóc”. Ông cũng chỉ ra rằng, ông được bầu làm Tổng thống với cam kết sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi những “cuộc chiến tranh kéo dài bất tận vô nghĩa”.

kurd_qtem.jpg
Binh sỹ của liên minh do Mỹ dẫn đầu đi cùng với lực lượng người Kurd. Ảnh: CNN.

IS thừa cơ trỗi dậy

Tuy nhiên giới phân tích nhận định quyết định nhanh chóng của Mỹ rút lực lượng ra khỏi miền bắc Syria có nguy cơ phá hủy hầu hết các mục tiêu mà Washington đã thiết lập tại Trung Đông. Trước hết, quyết định này khiến đồng minh người Kurd của Mỹ dễ bị tổn thương trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc tấn công. Tiếp theo, nó được đưa ra trong thời điểm tàn quân IS đang tái cơ cấu và bắt đầu trỗi dậy. IS được hình thành từ  một “khoảng trống” đó là sự hỗn loạn của cuộc nội chiến tại Syria và  cũng chính từ “khoảng trống ấy” tổ chức khủng bố này đang quay trở lại.

Tổng thống Trump ngày 7/10 tuyên bố Mỹ đã giải phóng 100% các vùng lãnh thổ mà IS đã chiếm đóng. Nhưng khi lực lượng người Kurd tại Syria phải đổ dồn lên phía bắc để chống chọi với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị tốt hơn, IS sẽ có cơ hội để củng cố lực lượng trong “bãi cát” mà ông Trump bỏ lại tại Syria.

Thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, về mặt danh nghĩa, trao toàn bộ trách nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS, song nó không nêu rõ làm thế nào những phần tử nguy hiểm này sẽ được chuyển giao từ vùng lãnh thổ của người Kurd vào tay Thổ Nhĩ Kỳ và cũng không đảm bảo liệu có hay không việc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến xa hơn về phía biên giới Iraq so với kế hoạch ban đầu.

Đặc biệt lo ngại là số phận của khu trại al-Hol nằm gần biên giới Syria và Iraq, cơ sở dành cho những người phải di dời khỏi vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng. Một số báo cáo cho rằng, nhiều phụ nữ bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan tại đây đã bắt đầu truyền bá tư tưởng của họ cho những người ôn hòa.

Người Kurd tại Syria đã phải nỗ lực hết sức để cung cấp nơi ăn chốn ở cho hàng chục nghìn người sống sót từ sào huyệt của IS, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Khi người Kurd mải mê bảo vệ vùng đất của họ và bước vào cuộc chiến dài hơi với quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ, việc kiểm soát các cơ sở như al-Hol gần như là xếp cuối của thứ tự ưu tiên. Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu hôm qua (7/10) chỉ trích động thái của Washington là “cú đâm dao sau lưng”, đồng thời cam kết bảo vệ vùng đất của họ bằng mọi giá.

Quà “vô giá” cho Nga và Iran

Một số ý kiến cho rằng, quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump sẽ là món quà trao cho Tổng thống Nga Putin, chính quyền Tổng thống Syria Al-Assad và Iran.

Trước khi gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS, người Kurd tại Syria có một mối quan hệ hài hòa với chính quyền Damascus. Khi Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn rút quân ra khỏi khu vực, người Kurd đã để ngỏ chế độ liên lạc với các quan chức tại Damascus vì họ biết rằng thời điểm này, một ngày nào đó sẽ đến. 

Thời gian gần đây đã có một số cuộc tuần tra do Nga hậu thuẫn quanh thành phố Manbij ở tây Syria, có lẽ là để thăm dò phản ứng của Mỹ. Chính phủ Syria từ lâu cũng luôn tìm cách giành lại khu vực Deir Ezzor, một pháo đài cũ của IS ở đông bắc Syria hiện đang được lực lượng do người Kurd dẫn đầu nắm giữ. Khi Mỹ rút quân và người Kurd mất đi “chiếc ô” bảo vệ cần thiết thì Damascus và Moscow sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm một thỏa thuận với người Kurd.

Ngoài Tổng thống Putin và Tổng thống Assad, Iran cũng được hưởng lợi từ quyết định của Tổng thống Trump. Sự hiện diện hạn chế của Mỹ tại miền bắc Syria cùng hoạt động giám sát trên không đi kèm đã gây cản trở bước tiến của Iran trong nhiều năm qua. Khi Mỹ rút đi, đây sẽ trở thành vùng lãnh thổ thân thiện với Iran bởi nó được lấp đầy bằng sự hiện diện của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, quân đội chính phủ Syria và lính đánh thuê Nga. Tổng thống Trump có lẽ không lường trước được tình huống này trong cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan và điều đó chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả lâu dài.

Ông Yerevan Saeed, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông tại Erbil cho rằng, động thái của Mỹ có thể khiến SDF sát cánh với các đối thủ của Mỹ là Nga và Iran – hai thế lực quân sự hậu thuẫn Tổng thống Syria Al-Assad. “Từ bỏ người Kurd ở thời điểm này hoàn toàn trái ngược với chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ với Iran vì như vậy sẽ chỉ đẩy người Kurd vào quỹ đạo của Tehran”, ông Yerevan Saeed nói, viện dẫn quyết định của Tỏng thống Trump đẩy mạnh trừng phạt đối với Iran.  

Dù sớm hay muộn, quân đội Mỹ cũng sẽ rút khỏi khu vực và người Kurd buộc phải chấp nhận sự co hẹp lãnh thổ họ nắm giữ ở đông bắc Syria. Nhưng quyết định của ông Trump còn gây ảnh hưởng nặng nề hơn với một đồng minh vô cùng quan trọng của Mỹ là Israel. Israel chắc chắn sẽ cảm thấy mối  đe dọa thường trực khi một tuyến đường kết nối từ Iran đi qua Iraq, Syria tới các lực lượng do nước này hậu thuẫn tại Lebanon được mở ra. 

Thổ Nhĩ Kỳ "hài lòng"

Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là bên cảm thấy hài lòng nhất đối với quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump. Khu vực phía Đông Bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, đang được kiểm soát bởi lực lượng chiến binh do người Kurd lãnh đạo, trải dài 480 km từ sông Euphrates ở phía Tây đến biên giới Iraq về phía Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ có 2 mục tiêu chính ở đông bắc Syria là đẩy lùi lực lượng người Kurd mà họ coi là mối đe dọa chính ra khỏi biên giới và thiết lập một không gian bên trong Syria để tạo nơi định cư cho khoảng 2 triệu người Syria đang lánh nạn tại nước này. Trước đó hôm 5/10, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ tiến hành hoạt động quân sự ở trên bộ và trên không ở phía đông và phía nam sông Euphrates để chống lại lực lượng dân quân ngừoi Kurd (YPG). Với việc Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã gạt bỏ được rào cản lớn khi thực hiện kế hoạch quân sự của nước này.

Nhưng theo một số nhà phân tích, Tổng thống Erdogan chắc chắn vẫn không nằm trong danh sách ưu tiên “nhận thiệp Giáng sinh sớm” của ông Trump. Bởi thời gian qua, Ankara đã có nhiều động thái khiến Mỹ tức giận, chẳng hạn như mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Hơn nữa, khi tấn công người Kurd, Tổng thống Erdogan  sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến hao người tốn của.

Rõ ràng khi Mỹ vẫn còn hiện diện tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd không dễ gì bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh, IS sẽ không thể củng cố lực lượng khi máy bay Mỹ vẫn còn giám sát trên không. Moscow và Damascus cũng có những lựa chọn hạn chế. Nhưng khi Mỹ rút khỏi Syria, tình hình sẽ thay đổi. Điều gì diễn ra tiếp theo vẫn còn chưa rõ, nhưng chắc chắn đó sẽ là một viễn cảnh đẫm máu và hỗn loạn hơn tại khu vực Trung Đông, khiến các nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Syria ngày càng trở nên khó khăn hơn./.