Quân đội Mỹ đã bắt đầu cuộc rút quân nhanh chóng khỏi thành phố Manbij miền Bắc Syria và sẽ để Nga “tiếp quản” khu vực này trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch nhằm vào lực lượng người Kurd mà Lầu Năm Góc hậu thuẫn ở khu vực chiến lược này.

xe_quan_su_nga_o_manbij_zxdt.jpg
Xe quân sự Nga tuần tra ở Manbij. Ảnh: AFP/Getty

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14/10 chính thức thông báo lực lượng Mỹ rút khỏi Manbij trong vòng 24 giờ. Động thái này sẽ khiến Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu bị bỏ lại khu vực trong bối cảnh 2 lực lượng đối địch là chính phủ Syria được Nga và Iran hậu thuẫn và các lực lượng nổi dậy ở Syria (Quân đội Syria tự do) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đều đang tìm cách kiểm soát vị trí chiến lược này.

Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nói với Newsweek rằng, các quân nhân Mỹ “ở trong khu vực khá lâu và đang hỗ trợ lực lượng Nga đánh dấu các vị trí không an toàn trước đây một cách nhanh chóng”.

“Đây là một cuộc chuyển giao cần thiết. Tuy nhiên, đó là một cuộc rút quân nhanh chóng. Chúng tôi sẽ cố gắng đem theo nhiều thiết bị nhất có thể, trong khi sẽ phá hủy những thiết bị nhạy cảm không thể di chuyển”, quan chức này nói. 

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc chưa lên tiếng xác nhận thông tin này.

Trước nguy cơ đối đầu với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Quân đội Syria tự do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, SDF đã chọn liên kết với chính phủ trung ương và được Nga hậu thuẫn.

Nguy cơ Manbij “đỏ lửa” trở lại

Trong khi các binh sỹ chính phủ Syria và các nhóm vũ trang liên kết đang di chuyển về khu vực đông bắc Syria do người Kurd dẫn đầu, thì các tay súng đối địch cũng bắt đầu cuộc tiến quân về Manbij. Điều này khiến nhiều người dự đoán về cuộc đụng độ giữa các bên và Manbij có thể trở thành một mặt trận mới trong cuộc xung đột nhiều bên ở Syria.

Manbij là khu vực có phần đông là người Arab, cùng các nhóm sắc tộc khác trong đó có cả người Kurd. Thành phố này lâu nay luôn nằm ở tiền tuyến trong cuộc xung đột giữa nhiều bên ở Syria.

Manbij ban đầu bị các phiến quân và các phần tử thánh chiến Hồi giáo nắm quyền kiểm soát khoảng 1 năm sau khi nội chiến nổ ra năm 2011. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ một số lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng sau đó chuyển hướng chính sách của mình khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dậy, lan rộng khắp Syria và chiếm Manbij năm 2014.

Lầu Năm Góc bắt đầu hợp tác với SDF năm 2015 trong cuộc chiến chống IS và giành lại Manbij năm 2016. Nhóm vũ trang đa phần là người Kurd này cũng bao gồm các nhóm thiểu số khác và người Arab ngay lập tức nhận ra mình đang ở giữa một cuộc chiến mới vì sự sinh tồn.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch qua biên giới vào Syria cuối năm 2016, huy động chủ yếu là các lực lượng người Arab Hồi giáo dòng Sunni nhằm lấy lại Manbij, nhưng Mỹ đã đề xuất sự hỗ trợ đối với chính quyền người Kurd do SDF thiết lập trong khu vực.

Ankara coi người Kurd ở Syria là có mối liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ và lấy đó làm cái cớ để hiện diện quân sự gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Khoảng thời gian đó, Quân đội Syria đã có những bước tiến trên thực địa trước các nhóm đối lập ở ngoại ô phía nam Manbij, từng bước đưa các lực lượng liên kết với mình tới gần các lực lượng liên kết với Mỹ trong khu vực. Với sự hiện diện của 2 thế lực lớn, Thổ Nhĩ Kỳ không thể kiểm soát được thành phố Manbij.

Ngay cả sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng quyền kiểm soát đối với khu vực tự trị chủ yếu do người Kurd nắm giữ ở Afrin phía tây bắc Syria hồi năm ngoái, Manbij vẫn là điểm mấu chốt đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ông Erdogan đã đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump rút các lực lượng Mỹ khỏi đây khi 2 nước bước vào các cuộc đàm phán nhằm thiết lập “vùng an toàn” dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Tổng thống Trump từng tuyên bố quyết định rút quân khỏi Syria hồi tháng 12/2018 sau một cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng kế hoạch sau đó đã bị dừng lại do những lo ngại về cuộc chiến chống IS và việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran.

Nhiều tháng sau đó, sau một cuộc điện đàm khác giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Erdogan, Nhà Trắng đầu tháng 10/2019 tuyên bố Mỹ sẽ tái bố trí lực lượng Mỹ ở Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch khác.

Lầu Năm Góc ngay lập tức bày tỏ sự phản đối với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi Tổng thống Erdogan không tiến quân vào miền Bắc Syria. Tổng thống Trump, ban đầu tỏ ra ủng hộ, sau đó đã dọa trừng phạt và kêu gọi về vai trò của Mỹ trong việc hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Kurd, nhưng cuối cùng vẫn ra lệnh rút binh sỹ Mỹ ở Manbij.

“Chúng tôi nhận thấy lực lượng Mỹ có nguy cơ bị mắc kẹt giữa 2 lực lượng đối địch đang tiến vào khu vực và đó là tình huống không thể bảo vệ được”, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói với CBS News ngày 13/10. “Vì thế tôi nói điều này với Tổng thống sau các cuộc thảo luận với nhóm an ninh quốc gia, và ông đã chỉ đạo rút các lực lượng khỏi miền Bắc Syria”.

“Đó sẽ là một cuộc rút quân có chủ đích và chúng tôi muốn tiến hành một cách an toàn và càng nhanh chóng càng tốt. Vì thế chúng tôi muốn đảm bảo sẽ giảm xung đột cho quá trình rút quân. Chúng tôi muốn đảm bảo sẽ không để lại các thiết bị quân sự trong khu vực”, ông Esper nói.

Nga sẽ tiếp quản khu vực?

Giống như Tổng thống Trump, Tổng thống Nga Putin cũng có đường dây liên lạc trực tiếp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Hai nhà lãnh đạo này đã cùng với Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình 3 bên nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria. Tuy nhiên, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria hiện nay sẽ khiến mục tiêu của họ ngày càng trở nên khó khăn.

Như hãng thống tấn nhà nước SANA đưa tin, đơn vị Syria đầu tiên đang tiến vào thành phố Manbij với mục đích hỗ trợ lực lượng người Kurd trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, Trợ lý Tổng thống Nga, Yuri Ushakov, nói ngày 14/10 rằng: “Điều gây phiền phức cho tất cả các bên là những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực không đem lại lợi ích cho việc ổn định chính trị ở Syria – mục tiêu chúng tôi coi là quan trọng nhất”./.