Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách Khủng bố và Tình báo Tài chính David Cohen cho biết IS là tổ chức khủng bố kiếm tiền giỏi nhất thế giới.
Dầu mỏ và bắt cóc tống tiền- hai nguồn thu hàng đầu
Yahoo News dẫn lời ông Cohen ngày 23/10 cho biết, khả năng kiếm tiền của IS là rất đáng kinh ngạc. Trước khi bị Mỹ không kích vào tháng 8 vừa qua, IS có thể kiếm được hàng chục triệu USD/tháng nhờ vào việc bán lậu dầu mỏ sang Iraq, bắt cóc con tin lấy tiền chuộc, cướp bóc và bảo kê tại những nơi chúng kiểm soát.
Tuy nhiên, khác với al-Qaeda, việc nhận được tiền ủng hộ từ bên ngoài hầu như không đáng kể so với số tiền mà IS tự kiếm được.
“Ngoại trừ một vài tổ chức khủng bố được nhà nước hậu thuẫn, IS có lẽ là tổ chức khủng bố giỏi kiếm tiền nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt”, ông Cohen khẳng định.
Ông Cohen cho biết, kể từ giữa tháng 6/2014 đến trước thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh không kích IS tại Iraq và Syria, IS có khả năng kiếm được 1 triệu USD/ngày từ tiền bán dầu mỏ.
IS bán số dầu mỏ này cho những kẻ buôn lậu để chúng tuồn ra ngoài chợ đen.
Hiện giá dầu trên thị trường thế giới đang ở mức gần 100 USD/thùng, và IS có khả năng sản xuất khoảng gần 10.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, ông Cohen cho biết, IS bán dầu với giá thấp hơn rất nhiều.
Ông Cohen cũng tiết lộ IS bán dầu cho những kẻ buôn lậu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, chúng cũng bán dầu cho người Kurd tại Iraq và sau đó lực lượng này lại tuồn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Syria al- Assad cũng thương lượng để mua dầu của IS dù chúng đang muốn lật đổ ông này.
Tuy nhiên, ông Cohen nhấn mạnh, mạng lưới mua bán đầy phức tạp này cũng có những hạn chế nhất định.
“Đôi lúc, số dầu này rơi vào tay một số người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế hợp pháp. Những người này có tài khoản ngân hàng, hoạt động kinh doanh của họ được cấp phép, xe cộ và tài sản của họ được bảo hiểm. Điều này khiến cho việc mua bán dầu mỏ trái phép của IS bị lộ một phần nào đó”, ông Cohen nói.
Ngoài ra, IS cũng kiếm được khoảng 20 triệu USD trong năm 2014 từ việc bắt cóc con tin.
Mặc dù Mỹ cấm việc trả tiền chuộc con tin bị bắt cóc bởi lo ngại rằng việc này có thể khuyến khích bọn khủng bố gia tăng hoạt động bắt cóc, nhiều nước khác, ví dụ như Pháp, lại không hề muốn làm như vậy.
Tổng thống Mỹ Obama cho biết đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và ông Obama đã yêu cầu lãnh đạo các nước cần phải có chính sách giống như Mỹ.
“Tổng thống Mỹ đã nhiều lần nói rõ với lãnh đạo thế giới về lợi ích từ chính sách nói trên của Mỹ. Dù chính sách này có thể gây ra một số đau thương nhưng rõ ràng là nó đem lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng quốc tế”, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ngày 23/10 cho biết.
Cướp bóc và bảo kê thu lợi không nhỏ
Trong khi đó, nguồn thu thứ 3 của IS chính là việc cướp bóc và bảo kê tại những nơi mà chúng kiểm soát tại Syria và Iraq, ông Cohen nói và tiết lộ rằng số tiền mà IS kiếm được từ việc này có thể lên đến vài triệu USD/tháng.
Phiến quân IS đòi tiền bảo kê từ chủ những cửa hàng hoặc những người sinh sống tại những khu vực mà chúng kiểm soát. Chúng “đến từng nhà, từng cửa hàng dí súng vào đầu mọi người và đòi tiền”, ông Cohen nói.
“Xin đừng nhầm lẫn. Đây không phải là số tiền mà họ phải trả để nhận được dịch vụ của chúng hay để chúng bảo vệ cho họ. Số tiền mà IS bắt họ phải trả không phải là để bảo đảm an toàn cho họ mà chỉ là để họ tạm thời không bị chúng hãm hại”, ông Cohen nói thêm.
Ngoài ra, IS còn tiến hành cướp ngân hàng, hôi của, buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Biến khó khăn thành lợi thế
Các quan chức Mỹ cho biết, ham muốn được hoạt động như một chính quyền thực thụ- điều khiến IS có thể bị tổn thương trước các cuộc không kích của Mỹ và liên quân- cũng lại chính là cách chúng kiếm được bộn tiền.
Không như các tổ chức khủng bố khác chỉ chủ yếu hoạt động lén lút tại các khu vực vùng sâu vùng xa, các căn cứ của IS tại Syria và Iraq lại chủ yếu ở các khu vực đông dân cư khiến chúng dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ và liên quân.
Tuy nhiên, điều này giúp IS hiện thực hóa mục tiêu thu phục nhân tâm của người dân địa phương bằng cách cung cấp các dịch vụ điện nước cho họ, dù “đắt cắt cổ”, ông Cohen nói.
Ông Cohen cho biết Chính phủ Iraq đã dự tính chi khoảng tiền hơn 2 tỷ USD trong năm 2014 vào các khu vực trước đây chưa bị IS kiểm soát.
“Tôi không có ý cho rằng IS có thể chi một số tiền như vậy vào những nơi mà chúng đang kiểm soát, nhưng ít nhất điều này cũng cho thấy số tiền mà chúng phải bỏ ra không hề nhỏ chút nào”, ông Cohen nói.
Vậy IS thích dùng ngoại tệ gì để có thể tích trữ cũng như làm giàu thêm nữa?
Ông Cohen cho biết: “Ngoại tệ mà IS ưa thích cũng giống như ngoại tệ mà nhiều nước khác trên thế giới đều ưa thích, đó là USD. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng chủ yếu chỉ nhận được đồng Dinar của Iraq”./.