Khi tàu tuần dương USS Chancellorsville của Hải quân Mỹ đi vào vùng biển tranh chấp ngoài khơi quần đảo Trường Sa, tàu chiến Mỹ đã phát đi cảnh báo với các tàu thuyền hoạt động trong khu vực: “Hãy tránh xa đội Snoopie … Hãy tránh xa đội Snoopie”.
Quang cảnh trên buồng lái của tàu tuần dương USS Chancellorsville. (Ảnh: New York Times) |
Các thủy thủ của “đội Snoopie” đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao khi một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc xuất hiện từ phía khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đáng báo động hơn, một máy bay trực thăng của Trung Quốc cất cánh từ chiếc tàu khu trục này đã bay thẳng về hướng tàu tuần dương Mỹ.
Thiếu úy Anthony Giancana trên tàu USS Chancellorsville cố gắng liên lạc với chiếc trực thăng: “Đây là tàu Hải quân Mỹ, đề nghị chú ý”.
Đáng ngại thay, không có phản ứng nào đáp lại.
Mỹ khó có thể để Trung Quốc “tung hoành” ở Biển Đông
Biển Đông đang là nơi mà Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua chiếm thế thượng phong ở Thái Bình Dương. Trên bãi Vành Khăn, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự bất chấp phản đối của các nước liên quan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng và trang bị cho các tiền đồn trên lãnh thổ đang có tranh chấp.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông và ngày càng tỏ ra quyết tâm hơn với yêu sách phi lý của họ. Điều này khiến căng thẳng ở Biển Đông không ngừng gia tăng, và chủ đề này dự kiến sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Washington trong tuần này.
Lý giải cho hoạt động tuần tra ở Biển Đông, giới chức Mỹ cho rằng, mục đích họ hướng tới là giữ cho Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới luôn mở cửa cho tất cả các hoạt động giao thương bằng đường hàng hải.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Tổng thống Obama đang ngày càng lo ngại rằng, căng thẳng sẽ chỉ thêm trầm trọng khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague trong vài tháng tới có thể ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một ngày trước cuộc họp của giới quan chức an ninh quốc gia tại Lầu Năm Góc để thảo luận về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, Tướng Joseph F. Dunford, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã có cuộc nói chuyện với Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ .
Các thủy thủ vệ sinh trực thăng MH-60 trên tàu Chancellorsville. (Ảnh: New York Times) |
Cuộc trò chuyện tình cờ được một nhà báo nghe được: “Liệu có thể có chiến tranh ở khu vực Bãi cạn Scarborough?”, Tướng Dunford hỏi Đô đốc Harris. Tuy nhiên, nhà báo trên không nghe được diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã nhiều lần nói rõ rằng, họ không muốn phát động một cuộc chiến với Trung Quốc chỉ vì những hòn đảo không có người ở.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nhà Trắng muốn thoái lui khỏi Biển Đông, nhường chỗ cho Trung Quốc, đó chính là những gì mà chính quyền và các quan chức Mỹ lo sợ sẽ xảy ra nếu như Bắc Kinh tiếp tục hành động như thời gian qua.
Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James R. Clapper tháng trước phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã cảnh báo vào đấu năm tới, Trung Quốc sẽ “có năng lực đáng kể để nhanh chóng triển khai lực lượng quân sự trong khu vực”.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nước khác cuối cùng sẽ cần phải có sự cho phép của Trung Quốc để đi qua tuyến đường giao thương buôn bán trên biển mà họ vốn tự do đi lại hiện nay.
Để viễn cảnh này không xảy ra, chính quyền Tổng thống Obama đã cử các tàu tuần tra tới khu vực quần đảo Trường Sa và những đảo có tranh chấp ở Biển Đông để gửi đi thông điệp rõ ràng về tự do hàng hải trong khu vực.
Nguồn tin từ các quan chức Hải quân Mỹ cho biết, trong năm vừa qua, các tàu của Mỹ đã thực hiện 700 chuyến tuần tra ở Biển Đông. Cách đây 3 tuần, tàu sân bay John C. Stennis và bốn tàu chiến khác của Mỹ đã tới Biển Đông để tham gia các hoạt động huấn luyện thường xuyên. Theo đánh giá của giới quan sát, đây có thể là thông điệp Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc, khẳng định vị thế cường quốc quân sự của Washington trong khu vực.
Giây phút tàu chiến Mỹ-Trung “chạm mặt”
Quay trở lại với những giây phút căng thẳng trên tàu Chancellorsville. Tất cả các thủy thủ dường như nín thở khi máy bay trực thăng Trung Quốc từ chối trả lời, bay vòng quanh trên đầu họ và cuối cùng quay trở lại tàu khu trục của Trung Quốc, con tàu này sau đó tiếp tục tiến về phía tàu chiến Mỹ.
Trong khoang lái, thuyền trưởng Curt A. Renshaw đã phải bỏ qua khâu vệ sinh cá nhân buổi sáng vội vã lên khoang điều khiển khi máy bay Trung Quốc tiến đến để bàn bạc với các sĩ quan trên tàu.
Trước đó một ngày, thuyền trưởng Renshaw đã cảnh báo toàn bộ thủy thủ đoàn về việc tuần dương hạm Chancellorsville đi vào khu vực quần đảo Trường Sa, điều này có thể khiến cho họ gặp rắc rối. Theo ông Renshaw, việc các tàu Trung Quốc xuất hiện đã nằm trong dự tính bởi trong những tháng gần đây, họ cũng đã từng bám theo tàu chiến Mỹ như vậy.
Cuốn tài liệu tra cứu về các loại tàu của Trung Quốc trên tuần dương hạm Chancellorsville. (Ảnh: New York Times) |
Ngay gần ghế ngồi của thuyền trưởng là một cuốn tài liệu có tiêu đề: “Tàu chiến của Jane” đã được mở đến trang 144: “Tàu khu trục của Trung Quốc”.
“Anh đã bao giờ bị bám đuổi như thế này chưa?”, thuyền trưởng Renshaw hỏi Kristine Mun, một nhân viên điều hướng. Sau đó, ông quay sang Niles Li, một trong số ít các nhân viên trên tàu có thể nói được tiếng Trung để bày tỏ sự băn khoăn trước việc máy bay trực thăng của Trung Quốc từ chối trả lời thông điệp tàu tuần dương Mỹ phát đi.
Cuối cùng, khi tàu khu trục của Trung Quốc chỉ cách tàu tuần dương Chancellorsville khoảng 6 dặm và có thể quan sát rõ bằng mắt thường, tàu Trung Quốc phát đi thông điệp bằng tiếng Anh: “Tàu hải quân Mỹ 62… Đây là tàu Trung Quốc 575”.
Sau đó, một loạt những giao tiếp phức tạp bắt đầu.
“Đây là tàu Mỹ 62. Chào buổi sáng, thưa các ngài. Thời tiết trên biển hôm nay thật là dễ chịu”.
Không có phản hồi, tàu Mỹ nhắc lại thông điệp trên một lần nữa, vẫn không có tín hiệu hồi đáp.
Thuyền trưởng Renshaw quay sang Niles Li và nói: “Anh làm đi. Họ không thể giả vờ như không hiểu cả tiếng Trung Quốc”.
“Tàu chiến Trung Quốc 575, đây là Hoa Kỳ Tàu 62”, Li nói dõng dạc bằng tiếng Trung Quốc. “Hôm nay là một ngày nắng đẹp cho một chuyến đi trên biển”.
Nhiều phút trôi qua, vẫn không có tín hiệu trả lời. Sau chờ đợi tưởng chừng như không có kết quả, đột nhiên, tàu Trung Quốc trả lời bằng tiếng Trung Quốc: “Tàu Mỹ 62, đây là tàu Trung Quốc 575. Thời tiết hôm nay thật tuyệt. Rất vui khi được gặp các bạn trên biển”.
Thiếu úy Li trả lời: “Đây là tàu Mỹ 62. Thời tiết thực sự rất tốt. Chúng tôi cũng rất vui khi được gặp các anh”.
Tàu Trung Quốc chuyển sang sử dụng tiếng Anh: “Các anh đã ở trên biển bao lâu kể từ khi rời khỏi cảng?
Thiếu úy Giancana làm nhiệm vụ liên lạc với tàu Trung Quốc. (Ảnh: New York Times) |
Thuyền trưởng Renshaw ngay lập tức lắc đầu và nói với các sĩ quan trên tàu: “Không, chúng ta không trả lời câu hỏi đó. Tôi cũng không bao giờ hỏi một câu hỏi như vậy”.
Thiếu úy Giancana tiếp tục liên lạc: “Tàu chiến Trung Quốc 575, đây là tàu hải quân Mỹ 62. Chúng tôi không nói về lịch trình của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đang tận hưởng thời gian tuyệt vời trên biển”.
Hai chiếc tàu chiến mang đầy tên lửa, ngư lôi và được trang bị pháo hạng nặng tiếp tục trao đổi về thời tiết một cách vui vẻ. Để thử xem tàu Trung Quốc có “theo đuôi” tàu của mình không, tàu Chancellorsville đột ngột chuyển hướng trong khi các sĩ quan trên tàu đứng yên và chờ đợi.
“Tàu hải quân Mỹ 62, đây là tàu hải quân Trung Quốc 575. Các anh có tiếp tục chuyến hành trình dài trên biển hay không?”, tàu khu trục Trung Quốc hỏi.
Thuyền trưởng Renshaw tiếp tục nói “không”. Theo ông Renshaw, nếu trả lời về thời gian của chuyến đi, điều đó chẳng khác nào việc Mỹ phải khai báo thông tin mà phía Trung Quốc cho là họ có quyền được biết. Đó không phải là tự do hàng hải.
Thay vì thế, thuyền trưởng Renshaw trả lời: “Đây là tàu hải quân Mỹ 62. Các chuyến hành trình của chúng tôi thường rất ngắn vì chúng tôi luôn muốn tận hưởng thời gian lênh đênh trên biển của mình”.
Tàu Trung Quốc dường như đã chuẩn bị sẵn câu trả lời: “Tàu hải quân Mỹ 62, đây là tàu hải quân Trung Quốc 575. Chúng tôi sẽ ở đây cùng với các anh trong những ngày tiếp theo”.
Đây là câu chuyện của phóng viên New York Times ghi lại hôm 29/3. Một ngày sau đó, tàu khu trục của Trung Quốc đã được thay thế bằng một tàu khu trục lớn hơn rất nhiều. Con tàu này đã đeo bám tàu hải quân Mỹ cho đến khi tàu của Mỹ rời khỏi khu vực Biển Đông./.