Chính phủ Nga hôm 18/1 thông báo đã chấp nhận cho các chuyên gia Đức và Pháp giám sát eo biển Kerch, gần Báo đảo Crimea. Đây có thể xem là một bước đi thiện chí của Nga nhằm hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng leo thang những tháng vừa qua với Ukraine tại vùng biển này sau vụ va chạm giữa hải quân hai nước.
Việc Nga cho phép giám sát eo biển Kerch được cho là bước đi thiện chí của nước này nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Ukraine trong những tháng qua. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18/1 tuyên bố, nước này cho phép các quan sát viên Đức và Pháp được triển khai tới eo biển Kerch, khu vực xảy ra xung đột hồi cuối tháng 11/2018 giữa Nga và Ukraine. Theo ông Lavrov, cách đây hơn 1 tháng, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép các chuyên gia Đức tới eo biển Kerch. Tổng thống Putin đã ngay lập tức chấp nhận yêu cầu. Ngoài Đức, phía Nga cũng đồng ý cho các chuyên gia Pháp được triển khai. Tuy nhiên, ông Lavrov thừa nhận, dù hơn 1 tháng đã trôi qua, song vẫn chưa có một quan sát viên nào được đưa tới khu vực.
Đang ở thăm Moscow, Ngoại trưởng Đức Heiki Maas đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định, cũng như đánh giá cao nỗ lực của Nga nhằm duy trì hoạt động giao thông hành hải bình thường tại eo biển chia cắt giữa lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea này. Liên quan tới sự chậm chễ trong việc triển khai các quan sát viên, ông Heiki Mát nhấn mạnh, vấn đề sẽ tiếp tục được thảo luận trong những tuần tới và cùng với Pháp, Đức luôn sẵn sàng thể hiện vai trò của mình:
“Chúng tôi muốn tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và biển Azov đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm leo thang căng thẳng. Việc sử dụng tới tất cả các biện pháp ngoại giao là cần thiết nhằm ngăn chặn sự bùng phát của một cuộc xung đột khác.
Eo biển Kerch nằm giữa bán đảo Crimea và vùng lãnh thổ Nga từ lâu đã là điểm nóng tranh chấp pháp lý và chính trị giữa Nga và Ukraine. Đây là cửa ngõ đường biển duy nhất thông giữa biển Azov và biển Đen. Hoạt động lưu thông qua eo biển Kerch có ý nghĩa sống còn với các thành phố cảng lớn vốn nằm bên bờ biển Azov, như Rostov-on-Don của Nga hay Mariupol của Ukraine.
Ngọn lửa căng thẳng vốn luôn âm ỉ giữa Nga và Ukraine đã bị thổi bùng lên sau khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nga đã bắt giữ 3 tàu của Hải quân Ukraine, cùng 24 thủy thủ hôm 25/11/2018. Vụ việc xảy ra khi các tàu hải quân Ukraine đang vượt biển Đen tới biển Azov qua eo biển Kerch và Nga cáo buộc những tàu này tìm cách xâm phạm lãnh hải.
Những va chạm như thế này giữa hai nước tại eo biển Kerch không phải là mới, song lại là đáng lo ngại vào thời điểm hiện nay, không những có nguy cơ làm trầm trọng hơn mối quan hệ giữa Nga và Ukraine, mà còn phủ bóng lên các mối quan hệ quốc tế. Minh chứng rõ nhất là trong một động thái “chưa từng có kể từ khi Ukraine tách khỏi Liên bang Xô Viết năm 1991”, Quốc hội Ukraine khi đó bỏ phiếu thông qua việc áp đặt thiết quân luật tại các khu vực biên giới. Dù phía Ukraine sau đó đã phải xuống thang khi dỡ bỏ thiết quân luật, song quan hệ hai nước vẫn như thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Chính vì thế, quyết định của Nga cho phép triển khai các quan sát viên Đức và Pháp tới eo biển Kerch đã phần nào giải tỏa được mối lo ngại của các nước phương Tây./.
Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang sau vụ đụng độ tại eo biển Kerch
Tàu ngầm Nga đang trên đường tới eo biển Kerch?