Theo các chuyên gia, bằng việc phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản và hướng tới các mục tiêu của Mỹ ở Thái Bình Dương kèm theo lời đe dọa “sẽ có thêm nhiều vụ phóng tương tự”, Triều Tiên đang muốn “giành thêm nhiều không gian hoạt động quân sự” vốn đang bị Mỹ và các đồng minh siết chặt dần.

Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia, Triều Tiên cũng muốn “thử thái độ của Mỹ” trước khi có ý định “vượt qua ranh giới đỏ” mà Mỹ vạch ra đối với nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ chủ động “xuống thang” nhằm tránh đẩy tình hình căng thẳng đi quá giới hạn.

trieu_tien_fesw.jpg
Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Triều Tiên ném đá dò đường

Sau khi tên lửa Triều Tiên được phóng qua Nhật Bản, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã lên tiếng tuyên bố vụ phóng tên lửa đạn đạo lần này chỉ là bước đầu tiên trong chiến dịch quân sự của nước này tại Thái Bình Dương.

Cũng theo ông Kim Jong-un, đây chính là “màn dạo đầu quan trọng” trước khi Triều Tiên phát động tấn công đảo Guam- một căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Các chuyên gia cho rằng, tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện rõ nỗ lực tăng cường năng lực quân sự của nước này, nhất là các tên lửa đạn đạo như một “con bài mặc cả” với Mỹ.

Việc ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ thực hiện thêm nhiều vụ phóng mới tại Thái Bình Dương cho thấy, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ biến một phần vùng biển này thành “bãi thử tên lửa đạn đạo” mà việc phóng tên lửa qua Nhật Bản là hành động “thăm dò thái độ” của Triều Tiên.

Các vụ thử tên lửa “trong tương lai” như trong tuyên bố của ông Kim Jong-un được cho là để “hiện thực hóa” kế hoạch lâu dài của Triều Tiên trong việc phát triển các tên lửa đạn đạo có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong đất liền của Mỹ.

Tuy nhiên, trước mắt, ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên vẫn là “đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ” nhằm vào đảo Guam bởi đối với Triều Tiên, “tiền đồn quân sự” này của Mỹ chính là mối đe dọa hàng đầu.

Không phải ngẫu nhiên tên lửa mà Triều Tiên phóng qua đầu Nhật Bản lại là Hwasong-12- loại tên lửa Triều Tiên từng đe dọa sử dụng để tấn công đảo Guam của Mỹ hồi giữa tháng 8.  

Tại thời điểm này, Triều Tiên chưa thể tấn công ngay đảo Guam bởi họ vẫn lo ngại đòn trả đũa cứng rắn từ phía Mỹ. Tuy nhiên, sau vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, Triều Tiên được cho là sẽ “dễ thở hơn” và “có nhiều không gian hơn” để thực hiện thêm các vụ thử tên lửa bởi Mỹ nhiều khả năng sẽ không “xuống tay” nếu mục tiêu của vụ phóng không phải là đảo Guam hay bất kỳ căn cứ nào khác của Mỹ.

“Đã có những thời điểm ngay cả một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũng khiến cộng đồng quốc tế phản ứng dữ dội và áp lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, họ đã không phản ứng quá mạnh mẽ trong vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên ngày 26/8 và tên lửa tầm xa của nước này ngày 29/8.

Triều Tiên sẽ tiếp tục thử các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn khác nhau ở Thái Bình Dương và biến các hoạt động này thành “chuyện thường ngày” của họ”, ông Du Hyeogn Cha- một học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc nhận định.

Nâng cao vị thế của Triều Tiên

Trước vụ phóng tên lửa ngày 29/8, Triều Tiên dường như không đả động gì đến lời đe dọa tấn công đảo Guam nữa. Giới quan sát vào thời điểm đó đều cho rằng, Triều Tiên đang muốn ngồi lại bàn đàm phán và không muốn đẩy tình hình căng thẳng đi quá xa.

Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản đã “giết chết” sự lạc quan đó. Giới quan sát sau đó lại quay sang nhận định, Triều Tiên sẽ gia tăng các vụ phóng thử tên lửa cho đến khi nước này hoàn thiện hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa và khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của mình. Trong suốt thời gian đó, Triều Tiên sẽ tỏ ra thờ ơ với bất kỳ đề nghị đàm phán nào.

Cũng theo giới quan sát, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rất muốn sở hữu khả năng răn đe hạt nhân nhằm vào Mỹ. Điều này sẽ giúp nâng cao đáng kể vị thế của Triều Tiên trong trường hợp nước này chấp thuận quay lại bàn đàm phán.

Ông Koh Yu-hwan, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Dongguk có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc nhận định, khi đã nắm “át chủ bài” trong tay, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ đòi Mỹ-Hàn dừng ngay các cuộc tập trận và binh sĩ Mỹ rút khỏi Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có một mục đích trực tiếp và đơn giản hơn nhiều đó là ngăn ngừa khả năng Trung Quốc- đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên- ủng hộ Liên Hợp Quốc tung ra các lệnh trừng phạt cứng rắn nhiều hơn so với mình.

Điều này là bởi, Trung Quốc và Nga dù đã đề xuất lên Liên Hợp Quốc sáng kiến thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong đó yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình nhưng vẫn bỏ phiếu nhất trí để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp thêm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Điều này khiến Triều Tiên cảm thấy ngày càng bị cô lập và bất an hơn bao giờ hết./.