Hôm 30/8 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “nói chuyện không phải là câu trả lời” đối với thế đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

trump_dkqt.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: intellihub.

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhanh chóng xác nhận rằng vẫn có chỗ cho các giải pháp ngoại giao. Trong khi đó, Nga yêu cầu Mỹ kiềm chế.

Bình luận của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một quả tên lửa tầm xa bay qua Nhật Bản, khiến Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế lên án Triều Tiên.

Vừa mới khen nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tuần trước, nay ông Trump đã thể hiện trên Twitter: “Mỹ đã nói chuyện với Triều Tiên và chi tiền cho họ trong 25 năm... Nói chuyện không phải là câu trả lời”.

Thế nhưng khi được các phóng viên hỏi liệu nước Mỹ đã hết các giải pháp ngoại giao với Triều Tiên chưa sau một loạt vụ thử tên lửa, thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis đáp rằng “Chưa”.

Trước một cuộc họp với người đồng cấp Hàn Quốc tại Lầu Năm Góc, ông Mattis nói: “Chúng tôi không bao giờ hết giải pháp ngoại giao. Chúng tôi tiếp tục hợp tác với nhau. Ngài Bộ trưởng [Quốc phòng Hàn Quốc] và tôi chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước, người dân và các lợi ích của chúng tôi”.

Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và hối thúc Mỹ tránh bất cứ hành động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên có thể dẫn tới các hậu quả khó lường.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov cũng cho biết, nước Nga tin rằng các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên sẽ chỉ phản tác dụng.

Phía Nhật Bản thì hối thúc có thêm lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Hôm 29/8, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa bay qua Nhật, ông Trump tuyên bố “mọi giải pháp đã có sẵn trên bàn”, ngụ ý có thể dùng vũ lực quân sự.

Phía Triều Tiên tuyên bố hành động này là để đối phó với các cuộc tập trận Mỹ-Hàn và là bước đi đầu tiên trong hành động quân sự của họ ở Thái Bình Dương nhằm “khống chế” đảo Guam của Mỹ./.