Phó Tổng thống Joe Biden đã tới Kiev vào ngày 21/4 trong chuyến thăm Ukraine 2 ngày. Chuyến thăm Ukraine lần này đánh dấu việc ông Biden trở thành quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến Ukraine kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở đây nổ ra cuối năm ngoái, và là động thái thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với Chính phủ lâm thời thân phương Tây của Ukraine.

biden2.jpg
Phó Tổng thống Joe Biden (Ảnh: digitaltrends)

Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Obama cũng tuyên bố tiếp tục xem xét khả năng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt sâu rộng hơn với Nga sau cáo buộc cho rằng, Moscow đã và đang hỗ trợ cho phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine.

Chuyến đi của ông Biden diễn ra trong bối cảnh bất ổn ở Ukraine cũng như căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Nga – Mỹ chưa có lối thoát mặc dù một thỏa thuận quốc tế sau Hội nghị 4 bên diễn ra hồi tuần trước tại Geneva.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết, ngày hôm nay (22/4), Phó Tổng thống Biden sẽ có các cuộc gặp gỡ với Tổng thống tạm quyền, kiêm Chủ tịch Quốc hội Ukraine Oleksander Turchynov và Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk.

Ngoài ra, trong hai ngày ở thăm Ukraine, ông Biden còn dự kiến có các cuộc gặp với các nghị sĩ quốc hội Ukraine đến từ các chính đảng và các khu vực, cũng như đại diện các tổ chức phi chính phủ tại nước này.

Cam kết ủng hộ chính phủ lâm thời Ukraine, cảnh cáo Nga

Theo Nhà Trắng, trong chuyến thăm Ukraine lần này, ông Biden sẽ “thảo luận về những nỗ lực của cộng đồng quốc tế giúp Ukraine ổn định lại nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bất ổn chính trị trong thời gian qua. Hai bên cũng sẽ bàn bạc những bước đi tiếp theo liên quan đến quá trình cải cách Hiến pháp, phân cấp quản lý, phòng chống tham nhũng và các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới”.

Trong chuyến thăm, ông Biden sẽ công bố một gói hỗ trợ kỹ thuật cho Ukraine liên quan đến lĩnh vực năng lượng và cải cách kinh tế, cũng như các biện pháp an ninh.

Chuyên gia Heather Conley, Giám đốc Chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề Quốc tế ở Washington nhận định: “Chính phủ lâm thời Ukraine cần sự trấn an của Mỹ rằng, Mỹ sẽ hậu thuẫn họ dài hạn chứ không chỉ khi cuộc khủng hoảng ở giai đoạn cao trào. Chuyến thăm của Phó Tổng thống là bước chuẩn bị quan trọng cho những chính sách mới của Mỹ với Ukraine”.

Phó Tổng thống Mỹ có mặt tại một sân bay ở Kiev hôm 21/4 (Ảnh: AP)

Tờ The Independent dẫn lời một quan chức đi cùng ông Biden cho hay: “Chuyến đi của ông Biden nhằm mục đích cho thấy Mỹ ủng hộ nền dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Biden cũng sẽ gửi đi một thông điệp cảnh cáo Nga có thể phải chịu sự trừng phạt sâu rộng hơn nếu như nước này không có các động thái cho thấy thiện chí xây dựng đối với tình hình Ukraine trong những ngày tới”.

Tuần trước, Tổng thống Obama cũng nói rằng, Nga có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt cứng rắn hơn, cũng như phải chịu sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu không ngừng ngay việc hỗ trợ cho những người biểu tình “quá khích” thân Nga ở miền Đông Ukraine và rút quân khỏi khu vực biên giới với nước này.

Nga phản pháo

Bất chấp những lời cảnh báo của Mỹ, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga có ý định thực hiện yêu cầu từ phía Mỹ. Trái lại, Nga tiếp tục lên tiếng cho rằng, Chính phủ hiện nay của Ukraine là bất hợp pháp, và chính là “gốc rễ” của những rắc rối hiện nay ở Ukraine.

RT ngày 21/4 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói rằng, Mỹ phải chịu trách nhiệm đối với những người mà họ đã trao cho quyền lực hiện nay ở Kiev thay vì việc đưa ra những tối hậu thư với Moscow.

"Trước khi đưa ra tối hậu thư cho chúng tôi, yêu cầu Mỹ phải đáp ứng tối hậu thư đó trong vòng hai hoặc ba ngày, nếu không sẽ đối mặt với sự đe dọa trừng phạt, chúng tôi khẩn cấp kêu gọi các đối tác Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những người mà họ trao cho quyền lực hiện nay ở Kiev", ông Lavrov phát biểu trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Mozambique, Oldemiro Baloi.

Mọi nỗ lực để cô lập Nga đều sẽ dẫn đến ngõ cụt vì Nga là "một nước lớn, có quyền lực độc lập và biết những gì mình muốn", ông Lavrov nói thêm.

Ngoại trưởng Nga cũng chỉ trích báo cáo của các nước phương Tây và chính quyền Kiev hiện nay khi tuyên bố rằng, một lượng lớn vũ khí của Nga xuất hiện tại khu vực xung đột chứng tỏ có sự can thiệp của Nga vào các vấn đề Ukraine.

Ông Lavrov gọi đó là những báo cáo vô lý khi Ukraine vốn có truyền thống sử dụng vũ khí do Nga chế tạo. "Tuyên bố này là lố bịch. Ai cũng có thể sở hữu vũ khí của Nga ở Ukraine", ông Lavrov nói.

Ông Lavrov cũng cho biết, các kênh truyền hình đã đưa tin rằng vũ khí của Mỹ cũng được tìm thấy ở Ukraine và các nhóm vũ trang bất hợp pháp, không phải là quân đội Ukraine, đã sở hữu các loại vũ khí của Mỹ.

Chuyến đi có giúp cải thiện tình hình?

Chuyến thăm Ukraine của Phó Tổng thống Mỹ diễn ra chỉ một tuần sau chuyến đi đầy tranh cãi của Giám đốc CIA, John Brennan tới Ukraine. Bình luận về chuyến đi của ông Biden, ông Gordon Duff, một cựu binh chiến tranh Việt Nam và hiện là biên tập viên cao cấp của tờ Veterans Today cho rằng, chuyến đi này hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ thêm chính sách đối ngoại của Mỹ với Ukraine trong tương lai.

Người biểu tình thân Nga ở miền Đông Ukraine (AFP)

Trả lời phỏng vấn của RIA Novosti, ông Duff cho rằng: “Những tuyên bố của Brennan không thể có trọng lượng bằng những cam kết của ông Biden – một Phó Tổng thống Mỹ”.

Trong khi đó, ông Rostislav Ishchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược ở Kiev cho rằng, chuyến đi của ông Biden nhằm xem xét các khả năng thoái lui của Mỹ để giữ thể diện khi các chính sách của họ với Ukraine liên tục thất bại.

Ông Ishchenko nói: “Tôi nghĩ rằng, ông Biden đến Ukraine để tìm hiểu xem liệu Mỹ còn có khả năng thoái lui mà vẫn giữ được thể diện hay không. Ông Biden cũng sẽ tìm hiểu xem làm cách nào Chính quyền Kiev có thể thực hiện nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ ấy không phải là nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở Ukraine mà là nhiệm vụ che đậy cho sự rút lui của Mỹ”.

Không lâu trước khi ông Biden đặt chân đến Kiev, một vụ đấu súng tại Slovyansk, miền Đông Ukraine đã làm ít nhất 6 người thiệt mạng. Vụ việc này ngay lập tức kích động một cuộc “khẩu chiến” giữa Nga và Ukraine. Giới chức Ukraine cho biết, Nga đã “đạo diễn” vụ việc này trong khi Nga đổ lỗi cho những phần tử cực hữu là thủ phạm của vụ tấn công.

Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là hành động khiêu khích và cho rằng đây là một bằng chứng cho thấy, chính quyền Kiev không sẵn sàng kiềm chế và đẩy lùi các phần tử cực đoan, đồng thời nhấn mạnh, hành động này vi phạm lệnh ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh, phá vỡ mọi nỗ lực giảm leo thang căng thẳng mà các bên liên quan đang theo đuổi.

Trước đó, một thỏa thuận tạm thời đạt được trong  hội nghị 4 bên giữa Nga, Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tại Geneva (Thụy Sĩ) đã nhen nhóm tia hy vọng giảm bớt căng thẳng ở Ukraine. Tuy nhiên, theo nhận định chung, các bên liên quan sẽ khó có thể tìm được tiếng nói chung.

Giới phân tích cho rằng, việc 4 bên Nga, Ukraine, Mỹ và EU đạt được một giải pháp về Ukraine tại Geneva ở vào thời điểm hiện tại chỉ mang tính tình thế để ngăn chặn thiệt hại cho cả hai phía.

Như vậy, để tìm ra giải pháp về mặt pháp lý cho tình hình tại Ukraina phải dựa trên một góc nhìn dài hạn, mà trên hết dựa vào Luật pháp Quốc tế một cách đúng đắn, điều này sẽ không thể đạt được trong ngày một ngày hai, nhất là khi các bên đều không có ý định nhượng bộ.

Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Geoffrey R. Pyatt cho rằng: “Vẫn còn quá sớm để nói về thành công của thỏa thuận vừa đạt được cũng như chuyến thăm của ông Biden. Bóng đang nằm trong chân của người Nga và họ sẽ quyết định cuộc khủng hoảng hiện nay có được giải quyết bằng con đường ngoại giao hay không”./.