Đây được cho là “ngã rẽ lịch sử” của quốc gia Bắc Âu khi từ bỏ chính sách trung lập kéo dài nhiều thập kỷ qua. Dự kiến, Thụy Điển – quốc gia vốn theo đuổi chính sách không liên kết quân sự - cũng sẽ có động thái tương tự sau phát ngôn của các lãnh đạo Phần Lan.
Xung đột Nga- Ukraine được cho là “chất xúc tác” thúc đẩy hai quốc gia Bắc Âu xem xét gia nhập NATO để tìm kiếm sự bảo vệ từ liên minh quân sự. Những quyết định này được cho sẽ làm thay đổi trật tự an ninh châu Âu và tác động không nhỏ đến mối quan hệ giữa NATO với Nga.
Chính phủ Phần Lan nói gì về sự lựa chọn mang tính lịch sử?
Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra hôm 24/2, các quan chức lãnh đạo Phần Lan đã nhiều lần lên tiếng cho rằng cuộc chiến này đã làm đảo lộn tất cả những chiến lược an ninh-đối ngoại mà Phần Lan đã duy trì từ nhiều thập kỷ qua và trong các tuyên bố đưa ra hôm qua, 12/05, khi cho biết ủng hộ việc Phần Lan gia nhập NATO một cách không chậm trễ, cả Tổng thống Phần Lan, Sauli Niinisto lẫn Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin đều đã nhắc lại điều đó: rằng các hành động quân sự mà Nga đang tiến hành tại Ukraine đã thay đổi tất cả và việc Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập để tìm đường gia nhập NATO chính là hậu quả trực tiếp của cuộc chiến đó.
Hôm 11/05, khi tiếp Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Helsinki và được báo chí hỏi rằng liệu việc Phần Lan gia nhập NATO có khiến nước này đối mặt với các rủi ro trong quan hệ với Nga hay không, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng đã trả lời rằng ông sẽ nói với Tổng thống Nga, Vladimir Putin rằng chính phía Nga đã tạo ra tình huống như hiện nay.
Mục đích của Phần Lan rất rõ ràng đó là tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ NATO. Có thể nói, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có tác động ghê gớm đến tâm tư của người dân Phần Lan. Là quốc gia có đường biên giới dài hơn 1.300km với Nga và lại có mối quan hệ lịch sử phức tạp với Nga, Phần Lan cảm thấy đặc biệt bị đe doạ trước các biến động hiện nay ở châu Âu.
Chỉ cách đây vài tháng, tỷ lệ người dân Phần Lan mong muốn nước này gia nhập NATO chỉ ở mức trên 30% nhưng sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, con số này tăng gấp hơn 2 lần. Hầu như toàn bộ các đảng phái chính trị tại Phần Lan cũng lập tức thay đổi quan điểm, không còn quá e ngại việc phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với Nga mà lập tức ngả theo hướng gia nhập NATO.
Đây thực sự là một quyết định lịch sử trọng đại không chỉ với Phần Lan mà còn với toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế. Từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, bất chấp các sức ép từ phía Liên Xô hay phương Tây, Phần Lan vẫn luôn duy trì chính sách trung lập và trong nhiều thập kỷ, quốc gia này được ca ngợi như là một mô hình trung lập thành công trong quan hệ quốc tế, là cơ sở để tạo dựng nhiều học thuyết địa chính trị. Vì thế, việc Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập hơn 7 thập kỷ qua là một cột mốc cực kỳ quan trọng trong quan hệ quốc tế. Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, rất nhiều người đã nhận định rằng sự kiện này mang tính chất thay đổi thời đại và những gì đang diễn ra với Phần Lan đang là minh chứng cho nhận định đó.
Phản ứng của Nga
Nếu Phần Lan gia nhập NATO thì Thuỵ Điển cũng gần như chắc chắn sẽ tiếp bước. Khi đó, toàn bộ các quốc gia Bắc Âu đều sẽ là thành viên NATO và tạo thành một vòng cung bao vây phía Bắc nước Nga.
Tác động trực tiếp đầu tiên, đó là đường biên giới đất liền trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ tăng gấp đôi. Khi đó, các rủi ro đối đầu đương nhiên cũng sẽ gia tăng nhiều lần. Chính quyền Nga đã tuyên bố rằng việc Phần Lan gia nhập NATO là một sự đe doạ đối với Nga và Nga sẽ bắt buộc phải đáp trả bằng các phương án quân sự và chính trị.
Chưa ai rõ các biện pháp cụ thể của phương án quân sự-chính trị mà Nga đưa ra là gì nhưng trước mắt, khả năng bùng phát xung đột quân sự ở Bắc Âu là không cao. Vào thời điểm cuối 2021, đầu 2022, khi căng thẳng Ukraine lên đến đỉnh điểm, đã có rất nhiều tranh luận tại Nga và châu Âu về việc Nga sẽ coi đâu là “lằn ranh đỏ” trong quan hệ giữa Nga với NATO.
Khi đó, nhiều học giả và quan chức Nga đánh giá Ukraine là lằn ranh đỏ còn việc Phần Lan hay Thuỵ Điển gia nhập NATO sẽ tạo ra đe doạ nghiêm trọng nhưng không phải là mang tính “sống còn” với Nga. Nói cách khác là Nga sẽ làm mọi cách để ngăn cản và răn đe Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO nhưng có ít khả năng lựa chọn giải pháp can thiệp quân sự trực tiếp như Ukraine. Đối với Nga thì Ukraine có các mối liên hệ lịch sử, văn hoá, dân tộc và lợi ích địa chính trị quan trọng hơn Phần Lan. Vì thế, dù không mong muốn nhưng Nga có thể vẫn chấp nhận được việc Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO.
Xét một cách khách quan, trong bối cảnh hiện nay, Nga có lẽ không đủ tiềm lực để mở một mặt trận quân sự mới ở phía Bắc để ngăn cản NATO. So với Ukraine, các nước phương Tây cũng có nhiều động lực và quyết tâm can thiệp vào Phần Lan, Thuỵ Điển hơn trong tình huống có xung đột bởi cả Phần Lan, Thuỵ Điển đều là thành viên của Liên minh châu Âu - EU, là một phần của phương Tây và dù chưa gia nhập NATO nhưng từ nhiều năm qua, cả hai quốc gia này đều là các đối tác thân thiết của NATO, từng nhiều lần tập trận chung.
Việc Mỹ, Anh lên tiếng bảo vệ Phần Lan, Thuỵ Điển và việc Thủ tướng Anh Boris Johnson sang hai quốc gia này ký Hiệp ước tương hỗ an ninh hôm 11/05 là thông điệp cứng rắn mà phương Tây gửi đến Nga. Do đó, cả về chủ quan lẫn khách quan, Nga có lẽ không mong muốn leo thang quân sự tại Bắc Âu.
Tất nhiên, Nga sẽ có các động thái đáp trả cứng rắn. Về mặt quân sự, Nga chắc chắn sẽ tính đến việc triển khai vũ khí hạt nhân sát biên giới Phần Lan cũng như trên biển Baltic nhằm răn đe NATO điều các lực lượng đồn trú mạnh đến Phần Lan. Nga cũng có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung năng lượng cho Phần Lan. Hiện từ 60-70% khí đốt mà Phần Lan sử dụng là do Nga cung cấp. Nga cũng có thể sẽ huỷ bỏ Hiệp ước hữu nghị ký với Phần Lan năm 1992 để qua đó gia tăng hiện diện quân sự ở biên giới. Tuy nhiên, phần lớn các phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào các động thái của NATO sau khi kết nạp Phần Lan làm thành viên. Nếu NATO lắp đặt các khí tài quân sự quan trọng hoặc đồn trú một lượng lớn quân ở Phần Lan thì sự đáp trả của Nga sẽ quyết liệt hơn.
Cấu trúc an ninh châu Âu sẽ thay đổi theo những chiều hướng như thế nào?
Cuộc chiến tại Ukraine đã phá vỡ cấu trúc an ninh lập nên tại châu Âu từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và một trật tự mới đang hình thành. Tuy nhiên, không ai dự đoán được trật tự mới sẽ ra sao một khi cuộc chiến tại Ukraine còn chưa kết thúc. Tất cả những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay củng cố cho các nhận định rằng, cuộc chiến tại Ukraine sẽ còn kéo dài, mâu thuẫn đối đầu giữa Nga với phương Tây sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Vào thời điểm này, giữa hai bên thiếu vắng hoàn toàn các động thái ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng. Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ và Anh, đã không che giấu mục đích tiến hành một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm với Nga khi viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraine và công khai tuyên bố muốn làm Nga suy yếu lâu dài. Phía Nga cũng không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào muốn sớm kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine khi các mục tiêu quân sự-chính trị đưa ra chưa đạt được. Những nỗ lực ngoại giao yếu ớt của hai nước Đức-Pháp hoàn toàn bị lu mờ bởi xu thế chủ đạo hiện nay trong các nước phương Tây là muốn đối đầu.
Có không ít chuyên gia phương Tây nhận định, tình huống hiện nay tại châu Âu giống như những gì diễn ra hơn 1 thế kỷ trước, vào thời điểm trước khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ 1, khi các cường quốc bước vào một cuộc chiến tranh với tư thế mộng du, tức bị sự thù hận che mờ lí trí nên leo thang xung đột đến ngưỡng không thể cứu vãn.
Điều khác biệt lớn nhất là nếu tình huống hiện nay dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO thì không chỉ châu Âu mà có thể toàn bộ nhân loại đều sẽ bị huỷ diệt bởi vũ khí hạt nhân. Do đó, sẽ đến một thời điểm các lãnh đạo hai bên buộc phải hạ nhiệt và tìm ra một giải pháp. Nhưng những gì đang diễn ra mới chỉ là khởi đầu của thời kỳ biến động lâu dài và nguy cơ bất ổn an ninh tại châu Âu sẽ chưa thể sớm chấm dứt./.