Những ngày vừa qua, vấn đề biển Đông đang nóng trở lại khi Trung Quốc thực hiện lệnh ngư nghiệp tại Biển Đông, trong đó có yêu cầu cấm đánh bắt cá trên vùng biển do Trung Quốc thiết lập. Quan hệ giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trên biển Đông có xấu đi, xu hướng tình hình biển Đông trong năm 2014 sẽ như thế nào?
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS. TS Lê Văn Cương về vấn đề này.
PGS. TS Lê Văn Cương (Ảnh: Thu Thủy) |
Một năm nhiều diễn biến tích cực
PV:Thưa PGS,TS Lê Văn Cương, nhìn lại 2013, chúng ta có thể nói gì về tình hình biển Đông trong suốt một năm qua?
PGS. TS Lê Văn Cương: Trong năm qua, về an ninh chính trị, biển Đông đã ổn định hơn so với năm 2011 và năm 2012. Các bên liên quan đến tranh chấp biển Đông đã giải quyết được vấn đề quan trọng nhất, đó là hợp tác với nhau để tiến tới một giải pháp thông qua con đường thương lượng hòa bình. Có hai nguyên nhân khiến cho vấn đề biển Đông năm 2013 ổn định hơn.
Nguyên nhân thứ nhất, chính các nước ASEAN đã thể hiện được sự đồng thuận cao hơn, hiện thực hóa được nguyên tắc 6 điểm được thống nhất trong những giải pháp tranh chấp biển Đông mà năm 2012 đã đề ra. Các nước ASEAN đang tiến gần tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, khi càng gần đến đích thì các nước ASEAN càng có sự đồng thuận cao hơn đối với các vấn đề khu vực nói chung và đối với giải quyết tranh chấp biển Đông nói riêng.
Nguyên nhân thứ 2, về phía Trung Quốc, chúng ta có thể thấy sau Đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc với thế hệ lãnh đạo thứ 5 mà hạt nhân là ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, Trung Quốc đã có điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại nói chung, và với chính sách đối với các nước láng giềng ASEAN nói riêng. Chính điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và ASEAN đã tạo điều kiện cho hai bên gặp nhau, tạo ra không khí tương đối thuận lợi để giải quyết tranh chấp biển Đông.
Năm 2013 là một năm mà những lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc từ ngoại trưởng Vương Nghị đến chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường đều đã đến thăm các nước thành viên ASEAN với tần suất cao, tích cực tham dự ASEAN+1, APEC… Qua những cuộc tiếp xúc từ song phương đến đa phương, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra quan điểm: ASEAN và Trung Quốc có “chung vận mệnh”. Đồng thời, lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi, cả Trung Quốc và ASEAN hãy tiến tới một văn bản gần như là một hiệp định cùng xây dựng cộng đồng, đảm bảo ổn định khu vực mà cả Trung Quốc và các nước ASEAN cùng phát triển.
PV:Thưa ông, một động thái rất đáng chú ý trong năm qua, là cả ASEAN và Trung Quốc đều khởi động tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Đây có phải là tín hiệu đáng lạc quan để tiến tới hóa giải mâu thuẫn tranh chấp ở biển Đông?
PGS. TS Lê Văn Cương: Tôi hoàn toàn đồng ý điều này. Việc Trung Quốc và ASEAN khởi động tham vấn để tiến tới COC chính là một bước tiến.
Ở đây có hai vấn đề quan hệ chặt chẽ với nhau. Thứ nhất, cả Trung Quốc và ASEAN phải thỏa thuận được với nhau về mặt nguyên tắc. Năm 2013, Trung Quốc và ASEAN đã chủ động đến với nhau và đã bắt đầu khởi động tham vấn các cấp để tiến tới bộ Quy tắc ứng xử COC. Ở mức độ nào đấy, có thể xem đây là bước phát triển tích cực mang tính đột phá.
Thứ hai, về những vấn đề cụ thể với COC, cái khó là khi bàn đến các điều khoản cụ thể lại đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của các bên liên quan. Cho nên, trong quá trình thực hiện giai đoạn hai, từ thống nhất nguyên tắc đến thỏa thuận những vấn đề cụ thể, còn rất nhiều phức tạp.
Tuy con đường đi đến một văn kiện COC cuối cùng còn nhiều khó khăn nhưng việc Trung Quốc và ASEAN đã cùng nhau khởi động Tham vấn là một tín hiệu tích cực đáng được ghi nhận.
Những điểm nóng…
PV: Thưa ông, trong năm qua chúng ta cũng đã chứng kiến rất nhiều diễn biến nóng ở khu vực biển Hoa Đông với những tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc, vậy thì những diễn biến này có tác động như thế nào đến tình hình biển Đông và ngược lại?
PGS. TS Lê Văn Cương: Có thể nói, phía Đông Á, phía Tây Thái Bình Dương có 4 điểm nóng chính: thứ nhất là chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thứ hai là tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư, thứ ba là quan hệ Trung Quốc- Đài Loan, cuối cùng là vấn đề thế giới với biển Đông.
Rõ ràng, cả 4 vấn đề này không phát triển độc lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tôi lưu ý, phía sau cả 4 vấn đề này, bên trái là Trung Quốc, bên phải là Mỹ, vậy nên việc tranh chấp biển Đông có quan hệ trực tiếp đến tranh chấp ở biển Hoa Đông, nói rộng hơn là cuộc tranh chấp giữa việc Mỹ trở lại Châu Á- Thái Bình Dương, và một Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, rộng hơn nữa là cuộc cọ xát địa chính trị của các cực hàng đầu thế giới.
Xu thế ổn định
"Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục xu hướng ổn định hòa bình đã được thiết lập ở trong năm 2013" (Ảnh: tamnhin.net) |
PV: Năm 2014 đã bắt đầu và ngay từ đầu năm đã có những diễn biến mới hết sức phức tạp về tình hình ở biển Đông. Vậy tiến sĩ nhận định tình hình biển Đông sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2014?
PGS. TS Lê Văn Cương: Có thể nói, tình hình biển Đông hay biển Hoa Đông rất khó để dự đoán vì có quá nhiều điều bất ngờ và khó lường. Tạm thời, tôi có thể đưa ra kịch bản về tình hình biển Đông trong năm 2014 như sau:
Năm 2014, cả Trung Quốc và ASEAN đều phải hiện thực hóa các vấn đề mà cả hai bên đã cam kết với nhau tại ASEAN+1, APEC…, tại những thỏa thuận song phương của Trung Quốc với Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia… Có thể nói, khó mà có một kịch bản xấu ở biển Đông được.
Mặt khác, năm 2013 đã đạt được bước tiến mang tính đột phá, đó là thỏa thuận được nguyên tắc. Bởi thế, năm 2014 không có lý do nào lại phá bỏ những nguyên tắc đã thỏa thuận được. Trong giai đoạn 2 này, khi đi vào những vấn đề cụ thể của các điều khoản trong Quy tắc ứng xử, cả ASEAN và Trung Quốc đều không thể lật lại những vấn đề COC. Dự báo chung, quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm 2014, phần lạc quan, mảng sáng vẫn sẽ lấn át.
Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục xu hướng ổn định hòa bình đã được thiết lập ở trong năm 2013. Tất nhiên, những khó khăn cụ thể chưa bao giờ chấm dứt. Một trong những vấn đề ấy là việc thiết lập vùng cấm đánh cá ở biển Đông đầu năm vừa rồi, như chúng ta đều thấy. Những việc thế này sẽ còn tiếp tục xảy ra với những mức độ khác nhau nhưng sẽ không thể lấn át được xu thế ổn định trong năm 2014.
PV: Xin cảm ơn PGS. TS Lê Văn Cương./.