Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh Mỹ lên kế hoạch công bố phần kinh tế trong kế hoạch hòa bình Israel-Palestine, còn gọi là Kế hoạch Hòa bình Trung Đông hay "Kế hoạch thế kỷ", tại diễn đàn kinh tế "Từ hòa bình tới thịnh vượng" dự kiến diễn ra tại Bahrain từ ngày 25/6 - 26/6.

palestine_kjts.jpg
Palestine không chấp nhận kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan, Ngoại trưởng Palestine Riyad al- Maliki nhấn mạnh, nhân dân Palestine cần "chủ quyền chứ không phải là sự tự trị hạn chế", "cần hòa bình và cùng tồn tại hòa bình, chứ không cần sự khống chế và sức ép."

Ông khẳng định nhân dân Palestine và ban lãnh đạo Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hay thỏa thuận nào không tương ứng với các chuẩn mực quốc tế, hiến chương và nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Ngoại trưởng al- Maliki cho rằng thỏa thuận kiểu như vậy không bao giờ đạt được nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Trung Đông nếu không thích hợp và đáp ứng các quyền của nhân dân Palestine. Ông lưu ý, ưu tiên hàng đầu trong những quyền như vậy là quyền tự quyết của Palestine độc lập, với thủ đô là Đông Jerusalem. Ngoại trưởng al- Maliki nhấn mạnh, ban lãnh đạo Palestine sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để thực thi nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xây dựng trong hơn 2 năm qua dưới sự chủ trì của Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt. Kế hoạch gồm hai phần kinh tế và chính trị, nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, song không nhắc tới giải pháp hai nhà nước.

Palestine nhiều lần lên tiếng phản đối kế hoạch, đồng thời chỉ trích quan điểm của Mỹ nghiêng về phía Israel. Bộ trưởng Ngoại giao Palestine, Maliki đã phát động chiến dịch ngoại giao của Palestine nhằm phản đối “thỏa thuận thế kỷ” này của Mỹ. Lãnh đạo Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) cáo buộc Mỹ luôn là một đối tác của Israel và có thái độ thù địch đối với người dân Palestine và các quyền của họ.

Không chỉ vấp phải sự phản đối của Palestine, nhiều nước cũng lên tiếng phản đối kế hoạch này.  Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, thỏa thuận này sẽ phá hủy tất cả thành tựu đã đạt được từ trước tới nay liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine. Bộ Ngoại giao Nga đánh giá đây là mưu toan thường lệ nhằm áp đặt quan điểm của mình cho vấn đề Israel-Palestine. Phát biểu tại cuộc họp gần đây với Tổng thống Palestine tại Ai Cập, Trợ lý của Tổng thư ký Liên đoàn Arab Hossam Zaki cũng khẳng định lập trường của các nước Arab:

"Một kế hoạch hay thỏa thuận như vậy sẽ thất bại trong việc đạt được hòa bình bền vững tại Trung Đông, nếu không đáp ứng được quyền hợp pháp của người Palestine. Một trong số đó là quyền của người Palestine hiện thực hóa con đường của mình, quyền đối với một nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem, quyền trở về của người tị nạn, thực hiện các khoản bồi thường theo điều 194, sáng kiến hòa bình Arab và phóng thích tù nhân”.

Mỹ lên kế hoạch công bố phần kinh tế trong kế hoạch hòa bình Israel-Palestine, còn gọi là Kế hoạch Hòa bình Trung Đông hay "Kế hoạch thế kỷ", tại diễn đàn kinh tế "Từ hòa bình tới thịnh vượng" dự kiến diễn ra tại Bahrain từ ngày 25-26/6 tới.

Hiện dư luận đang chờ đợi những chi tiết trong kế hoạch hòa bình được Mỹ chính thức công bố sắp tới. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi lớn so với những gì các phương tiện truyền thông đăng tải trước đó, thỏa thuận thế kỷ này cũng khó có thể tạo ra bước đột phá cho tiến trình hòa bình Trung Đông bị đình trệ bấy lâu nay, thậm chí còn châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới tại khu vực vốn đã nhiều bất ổn này./.