Hôm nay (19/9) là ngày cuối cùng của cuộc vận động tranh cử Chủ tịch đảng Tự do dân chủ Nhật Bản (LDP) trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày mai (20/9).
Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: AFP) |
Đối thủ chủ yếu của cuộc tranh cử lần này là đương kim Thủ tướng Shinzo Abe và Hạ nghị sĩ, nguyên Tổng thư ký đảng LDP, ông Shigeru Ishiba. Ai sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này chắc dư luận cũng có thể phân tích. Tuy nhiên, chuyện lợi thế thuộc về ai, hay ai sẽ là Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo của Nhật Bản, không được quan tâm bằng việc thời gian tới Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển thế nào, an sinh xã hội được cải thiện như thế nào... và những tồn tại của nhiệm kỳ trước có được giải quyết ở nhiệm kỳ sau?
Lợi thế thuộc về ai?
Hôm nay ông Abe đã đến điểm vận động bầu cử cuối cùng tại tỉnh Ibaraki, và quận Akihabara của Tokyo. Riêng ông Shigeru đến văn phòng Quốc hội (bao gồm Thượng viện và Hạ viện) để xác nhận sự ủng hộ của các nghị sĩ.
Dư luận đang chú tới việc liệu ông Shigeru có đạt được 200 phiếu ủng hộ của các thành viên trong Đảng và các nghị sĩ ủng hộ ông hay không? Riêng ông Abe có vẻ yên tâm nhiều hơn khi con số 200 này có lẽ là điều đạt được không mấy khó khăn.
Cuộc bầu cử đảng LDP lần này sẽ có 810 phiếu bầu trong đó mỗi nghị sĩ ở lưỡng viện được 1 phiếu bầu (405 nghị sĩ) và 405 phiếu được lựa chọn từ hơn 1 triệu đảng viên trên toàn quốc. Hôm nay sẽ là ngày kết thúc việc bỏ phiếu do các đảng viên bầu và ngày mai (20/9) sẽ là ngày kết thúc bỏ phiếu do các nghị sĩ thực hiện. Sau khi hợp nhất số liệu, kết quả sẽ được công bố sau đó.
Theo nhận định ban đầu, đương kim Thủ tướng Abe có khoảng 80% nghị sĩ ủng hộ, đồng thời sự ủng hộ của các thành viên trong đảng cũng đang tăng lên. Trong khi đó, đối thủ của ông Abe là nguyên Tổng thư ký đảng LDP Shigeru sẽ được bao nhiêu phần trăm ủng hộ là thông tin đang được dư luận hết sức quan tâm.
Ngày 18/9, NHK cũng đã công bố kết quả thăm do tỷ lệ ủng hộ các đảng phái của Nhật Bản. Đảng có tỷ lệ ủng hộ cao nhất là đảng Tự do dân chủ (LDP) đạt 35,8%, đứng thứ hai là đảng Dân chủ lập hiến 4,8%, đảng có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất chỉ có 0,1% là đảng Hy vọng. Đảng Công Minh (Komei)-đảng liên minh với đảng LDP ở vị trí thứ 3 với 4,1% tỷ lệ ủng hộ.
Liên quan đến kết quả điều tra tỷ lệ ủng hộ Nội các Thủ tướng Abe, có 42% ủng hộ tăng 1% so với kết quả điều tra lần trước, tỷ lệ không ủng hộ giảm còn 39%.Ông Abe không có đối thủ trong cuộc đua Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ 3
Lý do dư luận ủng hộ ông Abe là ông là người có thực lực và có khả năng điều hành nội các tốt hơn những người khác. Tuy nhiên, một số lý do không ủng hộ ông Abe là chưa đưa ra được những chính sách tốt.
Tác dụng phụ của chính sách Abenomics
Một điều đáng nói là trong các cuộc vận động tranh cử lần này, không chỉ đơn thuần là đưa ra các chính sách nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…cho nước Nhật, các ứng cử viên tại các địa phương đã đưa ra những chính sách cụ thể cho từng địa phương đó nhằm tận dụng thế mạnh để phát triển.
Theo ông Ichiro Kamoshita, nguyên Bộ trưởng môi trường Nhật Bản, chủ đề chính trong cuộc vận động tranh cử lần này mà ông Shigeru đưa ra đó là vấn đề thúc đẩy phát triển tiềm năng của từng địa phương và khuyến khích nhân lực của địa phương đó đóng góp cho sự phát triển đó.
Điều này có nghĩa ông Shigeru đã tận dụng điểm yếu của chính sách Abenomics trong thời gian vừa qua là tuy đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, song các cơ quan tài chính địa phương thì lại khó khăn do tiền lãi thấp. Đây là “tác dụng phụ” của chính sách này, ảnh hưởng tới chính sách phát triển kinh tế sau này của Nhật Bản. Đây được coi là lợi thế của ông Shigeru.
Nắm bắt lập trường của đối thủ, trong cuộc vận động tranh cử tại thành phố Nagano, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng Nagano là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, tài sản văn hóa và tự nhiên phong phú, do đó, ông muốn cùng người dân địa phương sáng tạo và phát triển tiềm năng đó hướng tới xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo. Và ông nhấn mạnh rằng sứ mệnh của tất cả mọi người là thúc đẩy cơ hội giáo dục cho trẻ em của các gia đình có thu nhập thấp.
Tại sao các vấn đề của từng địa phương lại là chủ đề quan trọng và sẽ là yếu tố quan trọng giành được sự ủng hộ?
Liên tiếp trong đầu tháng 9 vừa qua tại khu vực Tây Nhật Bản và Hokkaido đã hứng chịu hậu quả nặng nề do bão lũ và động đất. Tại thời điểm đó, trong cả tuần liền nhiều khu vực bị cắt điện, trường học đóng cửa…và công tác khắc phục hậu quả hết sức khẩn trương, nhưng vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người dân, thâm hụt kinh tế địa phương ở mức cao.
Hơn thế nữa, nguồn nhân lực ở các địa phương thiếu khi các thế hệ học sinh học xong Đại học đều muốn ở lại những thành phố lớn, trung tâm công nghiệp làm việc. Nhân lực thiếu sẽ dẫn đến mọi hoạt động có thể ngừng trệ.
Do vậy, quan điểm của ông Shigeru là phải tận dụng nguồn nhân lực địa phương để phát triển địa phương. Tuy Thủ tướng Abe đã đưa ra chính sách tiếp nhận thêm nguồn nhân lực từ nước ngoài, song không phải địa phương nào cũng muốn tiếp nhận nhân lực từ nước ngoài.
Trong khi đó, một áp lực trước giờ phút quyết định đến con đường sắp tới của ông Abe là làn sóng tạo sức ép từ chức đối với Bộ trưởng Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản. Và không ai khác, chính đối thủ của ông Abe là ông Shigeru giữ vai trò chủ yếu trong làn sóng này.
Việc một thành viên Nội các Nhật Bản từ chức vì những sai phạm nào đó cũng là chuyện bình thường, nhưng chuyện xảy ra trước bầu cử thì cũng là chuyện hiếm. Uy tín của Ông Abe phần nào đó bị giảm. Ông Shigeru được cộng thêm điểm từ việc này.
Chỉ còn hơn một ngày nữa sẽ biết được ông Abe hay ông Shigeru trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.
Dù ai đi chăng nữa, Nhật Bản luôn cần người giải quyết triệt để những “tác dụng phụ” của những chính sách đã và đang được thực thi nhằm đưa Nhật Bản trở lại vị trí thứ 2 thế giới như trước./.Thủ tướng Shinzo Abe và sứ mệnh thay đổi điều 9 Hiến pháp Nhật Bản
Ai có thể thay Shinzo Abe làm Thủ tướng Nhật trong tương lai?
Uy tín Thủ tướng Shinzo Abe sụt giảm vì vụ bán rẻ đất công