Sau cuộc đua dai dẳng, tốn kém nhất và cũng quyết liệt nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, cuối cùng Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục tại vị trong Nhà Trắng thêm 4 năm nữa.
Để giúp quý vị thính giả có cái nhìn bao quát hơn về chiến thắng của Tổng thống Obama và những khó khăn, thách thức mà ông phải đương đầu trong thời gian tới, phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn Giáo sư về chính sách công William Schneider thuộc Trường Đại học George Mason - nhà phân tích chính trị hàng đầu của nước Mỹ.
PV: Thưa Giáo sư, như vậy là cuộc đua quyết liệt nhất để trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng đã khép lại với phần thắng thuộc về đương kim Tổng thống Barack Obama. Ông đánh giá như thế nào về chiến thắng của Tổng thống Obama?
Tôi muốn nói rằng thắng lợi của Tổng thống Obama là thắng lợi của một nước Mỹ mới. Tổng thống Obama tái đắc cử với tỷ lệ phiếu phổ thông trên 50%, tương đương với tỷ lệ của ông George H.Bush năm 1984 và ông Bill Clinton năm 1996. Thông thường, các tổng thống thường tái đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu từ 58% đến 60%, nhưng 3 tổng thống tái cử gần đây nhất cũng chỉ đạt xấp xỉ 50%. Họ không còn những chiến thắng vang dội nữa bởi nước Mỹ ngày càng phân hóa, chia rẽ kể cả trong bộ máy quyền lực vì phe Cộng hòa nắm Hạ viện trong khi Thượng viện và Chính phủ nằm trong tay phe Dân chủ.
Giáo sư William Schneider |
Tôi cho rằng chiến thắng của ông Obama một phần mang tính chất cá nhân bởi vì ông được cử tri Mỹ yêu thích, còn ông Mitt Romney không được như vậy. Khi còn làm Thống đốc bang Massachusetts, ông Romney là người ôn hòa và khá trầm lặng, nhưng khi quyết định nhảy vào cuộc đua làm ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông đột ngột biến thành người cực kỳ bảo thủ và rất nhiều cử tri không còn tin tưởng vào ông ta nữa.
Như vậy, trong cuộc bầu cử năm nay, cử tri đứng trước sự lựa chọn rất khó khăn: một bên là người họ không thể tin, còn bên kia là đương kim Tổng thống mà theo nhiều người đã không thực hiện được các cam kết tranh cử như chương trình cải cách nhập cư hay giải quyết những khó khăn về kinh tế. Trên thực tế, vấn đề kinh tế là một gánh nặng rất lớn đối với Tổng thống Obama nhưng ông cũng được hưởng lợi khi rất nhiều cử tri cho rằng Tổng thống George W.Bush chứ không phải Tổng thống Obama là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Ngoài ra, người dân Mỹ cũng bắt đầu tin rằng nền kinh tế Mỹ đang có chuyển biến tích cực và Tổng thống Obama đã gieo được hy vọng vào cử tri Mỹ, mặc dù tình hình thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong 4 năm qua.
PV: Theo nhiều nhà phân tích, sự phân hóa giữa các nhóm cử tri Mỹ là yếu tố chủ yếu mang lại chiến thắng cho Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử vừa qua, vậy ông có đồng tình với quan điểm này?
GS William Schneider:Các nhóm cử tri Mỹ đang bị phân hóa một cách nhanh chóng. Đảng Cộng hòa giờ đã trở thành một chính đảng mà phần lớn thành viên là người da trắng và ngày một cao tuổi. Đây cũng là nhóm cử tri không ủng hộ ông Obama.
Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm vẫn có khả năng thu hút được một số lượng lớn cử tri nữ, đặc biệt là phụ nữ độc thân. Những đối tượng này cảm thấy họ rất dễ bị tổn thương về kinh tế và như vậy họ muốn có được sự bảo đảm của chính phủ. Họ không ưa quan điểm của phe Cộng hòa, vốn luôn có thiên hướng đe dọa các chương trình an sinh xã hội của chính phủ, như những gì mà ông ứng cử viên Phó Tổng thống Paul Ryan của Đảng Cộng hòa đã làm kể từ khi trở thành nghị sỹ đến nay. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều cử tri coi việc ông Romney chọn Hạ nghị sỹ Ryan là một mối đe dọa đối với họ.
Ngoài sự ủng hộ của đa số người Mỹ gốc Phi, Tổng thống Obama còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cử tri gốc Latin và cử tri gốc Á với tỷ lệ lên đến 70%, cao hơn so với năm 2008. Việc ông Obama ủng hộ hôn nhân đồng tính ban đầu tưởng là phản tác dụng nhưng rút cuộc lại có lợi cho ông, khi có tới 70% người đồng tính bầu cho Tổng thống. Ông Obama cũng nhận được ủng hộ rất lớn của những cử tri sinh ra ở nước ngoài nhưng đang sống tại Mỹ, cũng như cử tri trẻ, đối tượng gắn bó với Tổng thống kể từ năm 2008 đến nay.
4 năm trước, Tổng thống Obama đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ chính phủ tiền nhiệm. Năm nay, tình thế giữa hai ứng cử viên có vẻ cân bằng hơn, dù Tổng thống Obama bị thất thế do rất nhiều cử tri không hài lòng với tình hình kinh tế. Tuy nhiên, những nhóm cử tri ủng hộ ông Obama 4 năm về trước lại một lần nữa trỗi dậy. Một phần trong số họ vẫn yêu mến ông, phần khác lo ngại rằng nếu lên nắm quyền, phe Cộng hòa sẽ đe dọa hệ thống an sinh xã hội và quyền lợi của các nhóm cử tri thiểu số, chẳng hạn như những người nhập cư. Như vậy, một trong những động lực khiến cử tri Mỹ hăng hái đi bỏ phiếu cho ông Obama xuất phát từ sự lo ngại hoặc mong muốn bảo vệ những thành quả mà họ đã tạo ra cùng với Tổng thống kể từ năm 2008.
PV:Theo Giáo sư, cuộc bầu cử này mang lại thông điệp gì đối với nước Mỹ?
GS William Schneider:Tôi nghĩ rằng thông điệp đầu tiên mà cuộc bầu cử năm 2012 mang lại là: sự thay đổi trong quan điểm chính thống của người Mỹ, chẳng hạn như trong vấn đề hôn nhân đồng tính. Thông điệp thứ hai: kinh tế không hẳn là yếu tố quyết định kết quả bầu cử. Thứ 3: vấn đề đoàn kết. Những gì chúng tôi nghe được trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử là rất thú vị, khi cả hai ứng cử viên đều kêu gọi sự đoàn kết trong cử tri Mỹ, yếu tố mang lại chiến thắng cho ứng cử viên Obama năm 2008. Ông Obama đã trở thành một ngôi sao, với phát biểu tại Đại hội đảng Dân chủ năm 2004 đề cử ông John Kerry làm ứng cử viên Tổng thống rằng không tồn tại một nước Mỹ của những người theo tư tưởng tự do hay của những người theo tư tưởng bảo thủ mà chỉ có một “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
Theo tôi, đoàn kết là một vấn đề tối quan trọng trong thời điểm hiện nay. Nếu Chính phủ và Quốc hội không thể đi đến một thỏa thuận về ngân sách trong vài tháng tới thì nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Đoàn kết cũng là một cam kết mà Tổng thống Obama đã không thể thực hiện được.
Nước Mỹ giờ đây đã bị chia rẽ hơn so với cách đây 4 năm. Minh chứng ở đây là Tổng thống Obama nhận được 91% số phiếu của cử tri Dân chủ, nhưng chỉ được 7% số phiếu của cử tri Cộng hòa, khoảng cách lớn nhất giữa hai đảng từ trước đến nay. Nguyên nhân của sự phân rẽ này không phải do phong cách lãnh đạo của Tổng thống Obama mà là do chính sách của ông. Khi lên nắm quyền, ông Obama đã ủng hộ những chính sách như kích thích kinh tế, chăm sóc y tế, giải cứu ngành công nghiệp ô tô mà phe Cộng hòa cho là sự “gây hấn về tư tưởng”.
Đặc biệt, kế hoạch mở rộng quy mô chính phủ lớn nhất từ trước đến nay của ông Obama không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ phe Cộng hòa. Đảng Dân chủ lập luận rằng phe Cộng hòa tại Quốc hội chỉ đơn giản là từ chối hợp tác với Tổng thống. Đảng này dẫn lời Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mittch McConell nói rằng mục tiêu duy nhất của phe Cộng hòa là biến ông Obama trở thành Tổng thống một nhiệm kỳ. 4 tổng thống gần đây nhất đều cam kết sẽ đoàn kết nước Mỹ nhưng tất cả đều thất bại.
PV: Vậy theo Giáo sư, sự khác biệt lớn nhất giữa hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện nay là gì?
GS William Schneider: Sự khác biệt lớn nhất giữa hai chính đảng hiện nay là, phe Cộng hòa tin rằng chỉ cần kinh tế tăng trưởng là đủ và nhiệm vụ của một tổng thống là thực hiện mục tiêu đó.
Phe Cộng hòa cho rằng trong trường hợp kinh tế tăng trưởng mà người dân vẫn gặp khó khăn thì có khả năng đó là lỗi của họ chứ không phải trách nhiệm của chính phủ. Trong khi đó, phe Dân chủ cho rằng tăng trưởng kinh tế là cần thiết nhưng chưa đủ. Chính phủ phải bảo vệ những người dễ bị tổn thương về kinh tế, kể cả trong trường hợp kinh tế đang tăng trưởng. Đó là lý do vì sao rất nhiều nhóm cử tri dễ bị tổn thương về kinh tế tiếp tục ủng hộ phe Dân chủ. Bởi vì, trong trường hợp nào, đây vẫn là chính đảng bảo vệ hệ thống phúc lợi xã hội.
Nước Mỹ đang thay đổi nhanh chóng và thông điệp dành cho đảng Cộng hòa ở đây là họ phải thích ứng được với sự phân rẽ trong dân số. Nếu không làm được việc này thì tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng của phe Cộng hòa sẽ còn trầm trọng hơn nữa. Cuộc bầu cử năm 2012 không hẳn là một thảm họa đối với đảng Cộng hòa, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy mọi việc đang ngày một tồi tệ đối với họ. Tổng thống Bill Clinton đã có một câu nói nổi tiếng vào năm 1992, đó là “nhìn lại những năm 1960, nếu bạn thấy chính phủ thành công nhiều hơn thất bại thì bạn là người Dân chủ, còn nếu bạn thấy chính phủ thất bại nhiều hơn thành công thì bạn là người Cộng hòa”.
Bill Clinton và George W.Bush là những người cùng thế hệ nhưng họ lại có giá trị văn hóa khác nhau. Sự phân hóa đó bắt đầu vào những năm 1960 và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
PV:Xin Giáo sư nhận định về những khó khăn, thách thức mà Tổng thống Obama đang và sẽ tiếp tục phải đương đầu?
GS William Schneider: Về đối ngoại, một trong những thách thức hàng đầu đối với Tổng thống Obama bây giờ là vấn đề Iran. Nếu Israel tấn công Iran thì lập tức thế giới Arab sẽ đứng về phía Tehran và điều đó sẽ trở thành một thảm họa.
Về mặt đối nội, Tổng thống Obama sẽ phải thực hiện chương trình cải cách nhập cư để “trả ơn” những người Mỹ gốc Latin đã dành cho ông sự ủng hộ rất lớn trong cuộc bầu cử vừa qua. Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để giảm nợ. Rõ ràng mọi người đều thấy đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng nhưng nhiều cử tri Mỹ vẫn cho là chưa đến nỗi cấp bách.
Thách thức thứ 2 là biến đổi khí hậu mà điển hình ở đây là hậu quả thảm khốc của siêu bão Sandy. Cũng như nợ công, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng nhưng nhiều cử tri chưa coi đây là một mối đe dọa thực thụ hay một cuộc khủng hoảng quốc gia cần phải hành động lập tức. Có một bí mật chẳng lấy gì làm hay ho trong chính giới Mỹ, đó là chừng nào vấn đề chưa trở thành thảm họa thì người ta còn chưa quan tâm giải quyết. Nguyên nhân ở đây là Chính phủ và Quốc hội đang bị chia rẽ. Phần lớn các nghị sỹ Mỹ là những “doanh nhân chính trị” độc lập. Nhiều người thuộc phe Dân chủ trong hai năm đầu cũng phản đối kế hoạch chăm sóc y tế của Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Barack Obama. Bởi vì, họ hiểu rằng những gì tốt cho sự nghiệp chính trị cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh của bản thân, và cứ để mặc cho đến khi xảy ra khủng hoảng thì mới bắt đầu hành động./.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!.