Hai năm đã trôi qua kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản. Cuộc sống của người dân ở các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa đang dần đi vào ổn định nhờ vào các nỗ lực không biết mệt mỏi của họ và sự hỗ trợ từ các bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Nhật Bản đang dần hồi phục bất chấp môi trường kinh tế bên ngoài đang xấu đi do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Sóng thần đổ bộ vào Nhật Bản ngày 11/3/2011 (Ảnh NHK) |
Từ mối đe dọa phóng xạ
Trong thời gian qua, để xử lý tình trạng ô nhiễm phóng xạ ở các khu vực xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I, Nhật Bản đã tập trung cắt cỏ, cạo bỏ các lớp đất bị nhiễm xạ ở phía trên và rửa sạch mái của các ngôi nhà. Nhờ vậy, tình trạng ô nhiễm phóng xạ ở nhiều nơi đã giảm.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA), trong vòng 20 tháng kể từ tháng 4/2011 đến tháng 11/2012, nồng độ phóng xạ ở các khu vực nằm trong bán kính 80km kể từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I – nơi có 4 lò phản ứng đã bị gặp sự cố do thảm họa và gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, đã giảm gần một nửa.
Trên cơ sở phân tích các dữ liệu do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ cung cấp, JAEA cho biết nồng độ phóng xạ trong không khỉ ở độ cao 1m so với mặt đất đã giảm liên tục ở tốc độ nhanh hơn so với dự báo ban đầu do các chất phóng xạ phát thải từ nhà máy điện trên sau thảm họa 11/3 đã được nước mưa cuốn sạch. Số lượng các địa điểm có nồng độ phóng xạ cao hơn 19 mSv/giờ đã giảm.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2012 năm ngoái, nồng độ phóng xạ vẫn còn cao ở thị trấn Namie và một số địa phương khác nằm ở phía Tây Bắc của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Bên cạnh đó, so với thời điểm tháng 4/2011, tốc độ phân rã của các chất phóng xạ đã chậm dần do cesium 137 – chất phóng xạ có chu kỳ bán rã tới 30 năm – vẫn còn tồn tại.
Hình ảnh nhà máy điện hạ nhân Fukushima sau khi sóng thần đổ bộ (Ảnh NHK) |
Cùng với tình trạng thiếu việc làm và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, mối lo về ô nhiễm phóng xạ đã khiến nhiều người, nhất là thanh niên, ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản vẫn chưa quay về nhà cũ kể từ sau thảm họa. Theo thống kê của các cơ quan chức năng Nhật Bản, hơn 72.000 người ở 3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa kép 2011 gồm Fukushima, Iwate và Miyagi vẫn chưa quay về nhà. Đáng chú ý, có tới 65% trong số này là những người dưới 40 tuổi. Đây là nhân tố cản trở quá trình tái thiết ở khu vực này.
Theo điều tra của nhật báo Asahi, đến năm 2016, vẫn có khoảng 54.000 người, chiếm 60% trong số những người ở tỉnh Fukushima đã sơ tán sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, sẽ chưa thể trở lại nhà.
Đến nỗi lo an toàn thực phẩm
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tình trạng ô nhiễm phóng xạ trong thực phẩm và đồ uống ở nước này đang giảm. Kể từ tháng 4/2012 – thời điểm Chính phủ Nhật Bản siết chặt tiêu chuẩn an toàn phóng xạ đối với thực phẩm và đồ uống - đến nay, các chính quyền địa phương và trung ương đã tiến hành khoảng 230.000 xét nghiệm về cesium, trong đó có gần 2.000 mẫu xét nghiệm, chủ yếu là nấm hoang và các loại thủy sản, có nồng độ vượt quá giới hạn quy định.
Trong số 2.000 mẫu xét nghiệm có nồng độ phóng xạ cao hơn quy định, có 55% mẫu lấy ở tỉnh Fukushima. Các tỉnh Iwate, Tochigi, Miyagi, Ibaraki và Gunma mỗi tỉnh có hơn 100 mẫu xét nghiệm có nồng độ phóng xạ cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nấm, thủy sản, thịt lợn lòi đực và các loại thịt hoang dã khác chiếm 80% trong số các mẫu nhiễm xạ vượt chuẩn. Các loại rau nhiễm xạ cao hơn tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là các loại rau hoang dã. Tất cả các đồ uống, sữa bột cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đều có nồng độ cesium thấp hơn tiêu chuẩn giới hạn.
Nhật báo Asahi dẫn lời các chuyên gia cho rằng phóng xạ sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong thời gian dài do nhiều loại đồng vị phóng xạ như cesium-137 có chu kỳ dài và ô nhiễm phóng xạ ở khu vực miền núi có thể sẽ lan rộng sang nước biển. Giáo sư Hóa học Yasuyuki Muramatsu của Trường Đại học Gakushuin – người đang nghiên cứu nồng độ phóng xạ ở nấm, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy nồng độ cesium giảm trong 2 năm sau cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima. Thậm chí, một số loại nấm có thể nhiễm phóng xạ cao hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu chính quyền ở 17 tỉnh, chủ yếu ở khu vực phía Đông Nhật Bản, tiến hành kiểm tra nồng độ cesium trong thực phẩm và đồ uống. Khi phát hiện nồng độ phóng xạ cao trong thực phẩm và đồ uống, các nhà sản xuất phải ngừng tiêu thụ các sản phẩm đó hoặc chính quyền địa phương phải ban hành lệnh cấm tiêu thụ. Kể từ tháng 4/2012 đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ đối với hơn 130 loại thực phẩm ở 14 tỉnh.
Ảnh hưởng về kinh tế
Do lo ngại về tình trạng ô nhiễm phóng xạ ở Nhật Bản, theo Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp của Nhật Bản, tính đến ngày 11/3/2012, vẫn còn 44 nền kinh tế cấm hoặc hạn chế nhập khẩu thực phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản. Đáng chú ý, trong số các nền kinh tế áp dụng biện pháp này có Trung Quốc và Hàn Quốc – những đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản lo ngại các nền kinh tế này có thể sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế nhập khẩu đó và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thực phẩm của nước này.
Hàn Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu nhiều loại thực phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản như cá, rau bina và nấm. Một phát ngôn viên của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc nói: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ lập trường cũng như các biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản đang áp dụng (để xử lý tình trạng ô nhiễm phóng xạ)”. Các quan chức Trung Quốc cho biết họ vẫn tiếp tục cấm nhập khẩu tất cả các loại thực phẩm có xuất xứ từ 10 tỉnh ở Nhật Bản, trong khi một quan chức của Cơ quan Nông-lương và Thú y Singapore cho biết quốc đảo này chưa có ý định dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản.
Để trấn an các đối tác thương mại của mình, ông Hironobu Naka, Trưởng ban Chính sách Ngoại thương của Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản, cho biết nước này “đảm bảo sự an toàn” của các sản phẩm xuất khẩu bởi vì, Tokyo chỉ xuất khẩu các loại thực phẩm đang được phân phối trong nội địa. Ông nói: “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là công bố thêm dữ liệu cho các nền kinh tế khác và yêu cầu họ xử lý vấn đề này dựa trên cơ sở khoa học”./.