Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 trên cơ sở là một tuyên bố chính trị (Tuyên bố Bangkok) với 5 thành viên ban đầu. Sau gần 5 thập kỷ tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất và chính thức trở thành Cộng đồng chung vào ngày 31/12/2015.
Lễ thượng cờ ngày 31/12/2015- ngày thành lập Cộng đồng ASEAN ở Hà Nội. |
Năm 2016 là năm đầu tiên ASEAN hoạt động dưới tên gọi là Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Có thể nói, trong năm qua, các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau nỗ lực đẩy nhanh quá trình đưa Cộng đồng phát triển, tiến tới hoàn thành 2 trụ cột còn lại là Cộng đồng Chính trị- An ninh và Cộng đồng Văn hóa- Xã hội.
Về kinh tế, năm 2016, ASEAN đã hoàn thành việc thực thi 46 dòng hành động còn lại từ năm 2015. Sau đó, các nước ASEAN đã bắt tay vào kế hoạch triển khai các dòng hành động thực hiện xây dựng cộng đồng kinh tế cho đến năm 2025. Trong số những việc được triển khai trong năm nay, đáng kể nhất là những việc liên quan đến kết nối, đặc biệt là kết nối hạ tầng.
Có thể thấy ví dụ như mô hình “Một cửa, một lần dùng” (nghĩa là chỉ cần làm thủ tục một lần duy nhất tại biên giới giữa 2 nước để được thông quan) đã được triển khai và áp dụng rộng rãi ở các nước ASEAN. Mô hình này đã đơn giản hóa, cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và thúc đẩy thương mại qua lại biên giới giữa 2 nước.
Về chính trị- an ninh, từ 1/1/2016 đến nay, đã có 141/290 dòng hành động đã được thực thi. Như vậy, số dòng hành động được thực thi chỉ trong một năm qua đã xấp xỉ gần 50% so với số lượng đề ra. Số lượng dòng hành động được thực thi như vậy đã tạo nên động lực lớn để các nước ASEAN tiếp tục thực thi những việc còn lại.
Về văn hóa- xã hội, ASEAN đã thực thi được 109 dòng hành động khác nhau. Nhìn lại, tựu trung việc thúc đẩy kết nối văn hóa, xã hội ở trong khu vực đã có nhiều tiến triển.
Khó cân, đo, đong, đếm mức độ kết nối
Trong năm qua, tuy số lượng các dòng hành động được thực thi là không ít, nhưng nhiều nhà quan sát lại bày tỏ lo ngại, hoạt động của Cộng đồng chung ASEAN chưa thực sự hiệu quả như mong muốn cũng như việc kết nối giữa các nước thành viên chưa chặt chẽ.
Cần tăng cường kết nối giữa các nước thành viên ASEAN. (ảnh: KT). |
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Tôi đồng ý rằng cộng đồng chung chưa đạt được hiệu quả như mong muốn và nhìn chung tốc độ còn chậm. Ngoại trừ trụ cột về chính trị- an ninh có những bước tiến vượt bậc trong năm qua, hai trụ cột còn lại chậm hơn thấy rõ”.
Còn về nhận định “kết nối giữa các thành viên ASEAN chưa chặt chẽ”, ông Thái cho rằng, nói như vậy là đúng nhưng chỉ là ý kiến chung chung, chưa phản ảnh được nỗ lực của các nước thành viên trong khu vực.
“Rất khó để cân, đo, đong, đếm được mức độ kết nối trong khu vực ASEAN, nhưng có thể thấy xu thế này đang tiếp tục đi lên và có nhiều tiến bộ. Chắc chắn, việc kết nối sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa trong ASEAN vào năm tới”, ông Thái nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Thái, chuyên gia kinh tế châu Á- Thái Bình Dương Tim Condon trả lời phỏng vấn với tờ Korea Times cho biết, không dễ dàng để nhận ra sự tiến bộ trong năm đầu tiên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Điều này có thể là do bản chất của các bước thực hiện. Ví dụ như một người bình thường sẽ không dễ dàng nhìn thấy được tác động của việc tự do hóa lĩnh vực bảo hiểm, trừ khi họ chính là những người đang làm việc trong ngành công nghiệp bảo hiểm.
Ông Kim Jong-sun, Tổng thư ký của Trung tâm ASEAN- Hàn Quốc lại có cái nhìn lạc quan hơn, cho rằng năm qua AEC đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2016 tổ chức tại Vientiane, Lào, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua "Kết nối ASEAN năm 2025" và "Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) kế hoạch III” nhằm bổ sung cho Tầm nhìn ASEAN 2025. Thông qua những nỗ lực này, 10 nước thành viên đang phát huy tiềm năng kinh tế và lợi ích của họ với tư cách là một khu vực chung.
Nhiều thách thức hiện hữu
Ông Thái phân tích, kết nối ở ASEAN chưa chặt chẽ có cả 2 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, đây là một Cộng đồng đa dạng về dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, hệ thống chính trị. Sự khác biệt quá lớn giữa các nước đã gây ra sự cản trở không nhỏ đến việc kết nối.
Về chủ quan, ông Thái cho hay, năng lực nội tại của mỗi nước khác nhau, khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN 6 và các nước ASEAN 4 còn khá lớn.
Ông Thái nói: “Ví dụ như việc trong khi Thái Lan, Singapore đã bàn đến chuyện kết nối thị trường chứng khoán ở ASEAN nhưng Lào chưa có chứng khoán thì lấy đâu ra kết nối? Ngoại ngữ, nguồn lực, trình độ phát triển và rất nhiều yếu tố khác chưa được đồng đều. Mong muốn kết nối là một chuyện, nhưng việc phân bổ nguồn lực trong bối cảnh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn”.
Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN, ông Suh Jeong-in cũng nhận định trên tờ Korea Times: “Trở ngại lớn nhất đối với sự hội nhập kinh tế của ASEAN là khoảng cách phát triển và thiếu cơ sở hạ tầng trong khu vực. Khoảng cách giữa các quốc gia như Singapore với các nước đang phát triển như Myanmar, Campuchia và Lào có thể cản trở việc hội nhập ASEAN”.
Giải pháp để thắt chặt kết nối
Để thắt chặt hơn nữa việc kết nối giữa các nước ASEAN, nhà nghiên cứu Trần Việt Thái đã đề xuất các giải pháp sau.
(ảnh minh họa: shutterstock). |
Thứ nhất, về chính trị, cần xử lý khéo léo quan hệ với các nước lớn không để bị chia rẽ. Tức là các nước thành viên phải đoàn kết và giữ được vai trò trung tâm của ASEAN.
“Giữ vai trò trung tâm của ASEAN là việc rất cần thiết. Chừng nào còn giữ được vai trò trung tâm, ASEAN sẽ nhận được sự tôn trọng của các nước, giúp thu hút được vốn đầu tư và quyết định được nhiều việc quan trọng. Nhất là những vấn đề ngay sát sườn như vấn đề Biển Đông chẳng hạn, đấy là vấn đề của khu vực Đông Nam Á, vấn đề của ASEAN thì ASEAN phải có tiếng nói”, ông Thái nhấn mạnh.
Thứ hai, để gắn kết chặt chẽ hơn về kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển là mấu chốt. Trong đó, không có cách nào khác là các nước phải gia tăng môi trường đầu tư trong nước, môi trường làm ăn kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội để phát triển nguồn lực mỗi nước.
Thứ ba, để gắn kết về văn hóa, các nước cần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, tập quán; đồng thời thúc đẩy giao lưu, thường xuyên trao đổi, đối thoại về văn hóa, xã hội./.
Đón đọc bài 2:Biển Đông sẽ có nhiều diễn biến khó lường trong năm 2017