Trong thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường các cuộc tiếp xúc với Nga nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vốn là “nút thắt” lớn nhất khiến hai nước chưa thể ký kết hiệp định hòa bình nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ 2. Mới đây nhất, hôm 19/8, các thứ trưởng ngoại giao hai nước đã có cuộc gặp ở Moscow để thảo luận về vấn đề gai góc này.

nhat-nga1.jpg
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp hồi tháng 4/2013 (Ảnh: Ria)

Nút thắt khó gỡ

Trong quá khứ, nhiều thế hệ lãnh đạo ở Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ với Nga – nước láng giềng giàu tài nguyên và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Tuy nhiên, mối quan hệ Nhật-Nga vẫn chưa thể phát triển đúng như kỳ vọng do hai nước đang tranh chấp 4 hòn đảo nhỏ nằm ở phía Bắc Nhật Bản mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Moscow gọi là quần đảo Nam Kuril. Nga đã quản lý các hòn đảo này kể từ sau khi Nhật Bản đầu hàng quân đội đồng minh vào ngày 15/8/1945.

Nhật Bản từ lâu vẫn tuyên bố các hòn đảo tranh chấp với Nga là “một phần lãnh thổ không thể tách rời” của Nhật Bản và khăng khăng đòi Moscow phải trao trả cả 4 đảo này.

Mặc dù vậy, Nhật Bản cũng khẳng định rằng miễn là Nga công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với tất cả 4 hòn đảo đó, Tokyo sẽ có quan điểm linh hoạt về thời điểm mà Moscow phải trao trả 4 hòn đảo này.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ chấp thuận yêu sách trên của Nhật Bản. Tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi đó vẫn đang giữ chức Thủ tướng Nga, cho biết ông sẽ tìm kiếm "hikiwake" – một thuật ngữ trong môn võ judo để chỉ một trận đấu hòa – để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Trước đó, phương án này chia đều tổng diện tích các đảo tranh chấp đã nổi lên dưới thời chính quyền của Thủ tướng Taro Aso, người hiện đang giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền của Thủ tướng Abe hiện nay, trong giai đoạn 2008-2009 nhưng không đạt kết quả như mong muốn cho dù ông Aso đã tích cực thúc đẩy các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này.    

Sau khi nhậm chức hồi tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xác định việc thúc đẩy quan hệ với Moscow là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Tokyo.

Chính trị gia này đã có nhiều nỗ lực để thực hiện mục tiêu đó. Hồi tháng 2/2013, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori – một đồng minh thân cận của ông Abe – đã tới thăm Nga và chuyển thông điệp của Thủ tướng Abe tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vào cuối tháng 4/2013, Thủ tướng Abe đã trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên tới thăm Nga trong vòng 10 năm qua. Trong chuyến thăm đó, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán đang bị bế tắc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Tuyên bố chung phát hành sau cuộc gặp thượng đỉnh này có đoạn: "Các nhà lãnh đạo sẽ chỉ thị cho bộ ngoại giao nước mình đẩy nhanh các cuộc thương lượng nhằm tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên liên quan tới vấn đề ký kết hiệp ước hòa bình".

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong cuộc hội đàm này, Tổng thống Putin nói rằng trước đây, Nga đã từng giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước khác như Trung Quốc và Norway theo phương án chia đều phần diện tích tranh chấp.

Quần đảo Kuril  (Ảnh: Ria)

Mặc dù ông Putin không khẳng định rằng đây là phương án mà Moscow đề xuất để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản nhưng theo các chuyên gia phân tích, các phát biểu này của ông Putin có thể được hiểu là cách tiếp cận tiềm tàng mà Tổng thống Putin có thể đưa ra để giải quyết vấn đề hóc búa này.

Những tín hiệu tích cực

Theo các chuyên gia phân tích, cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và người đồng cấp Igor Morgulov của Nga tại Moscow hôm 19/8 là cuộc là một tín hiệu cho thấy hai nước láng giềng này đang tích cực tháo gỡ vấn đề hóc búa đã cản trở quan hệ Nhật-Nga trong gần 7 thập kỷ qua.

Tại cuộc gặp này, các nhà ngoại giao hai nước đã dành gần một nửa thời gian để thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Bên cạnh đó, hai bên đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, cũng như các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm, trong đó có các vấn đề liên quan tới CHDCND Triều Tiên.

Trong số các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp này, đáng chú ý có việc hai bên đã nhất trí về việc Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin sẽ hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) ở St. Petersburg (Nga) vào tháng tới.

Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp thứ 3 giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong năm nay. Các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết cuộc gặp này sẽ diễn ra vào ngày 5/9, ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Cùng với cuộc gặp đó, theo hãng tin Kyodo News, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dự kiến sẽ thăm Nhật Bản vào mùa Thu này để tham vấn với các quan chức Nhật Bản, trong khi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ thăm Nga vào đầu năm tới nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa hai nước về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Nga có thể sẽ tổ chức cuộc đối thoại 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước tại Tokyo vào mùa Thu tới. Điều này cho thấy Nhật Bản đang nỗ lực mở rộng các kênh đối thoại với Nga để tìm cách giải quyết các bất đồng giữa hai nước trong vấn đề này.

Cùng với kênh ngoại giao, Nhật Bản cũng đang mở rộng kênh đối ngoại nhân dân để tìm cách giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Theo dự kiến, Quốc vụ khanh phụ trách Vùng lãnh thổ phía Bắc Ichita Yamamoto sẽ thăm 2 trong số 4 hòn đảo tranh chấp với Nga trong các ngày từ 19 đến 23/9.

Nếu chuyến thăm này diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các đương nhiệm của Nhật Bản tới vùng lãnh thổ tranh chấp với Nga trong vòng 8 năm qua. Trong chuyến thăm, ông Yamamoto dự kiến sẽ trao đổi quan điểm với các công dân Nga nhằm xóa bỏ sự e ngại của họ về khả năng Moscow trao trả các hòn đảo này cho Tokyo.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia phân tích, việc các thứ trưởng ngoại giao hai nước tại cuộc họp hôm 19/8 không ấn định được thời điểm cho cuộc gặp sắp tới đã cho thấy khoảng cách về quan điểm giữa hai nước đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn còn rất lớn.

Trong bối cảnh đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang thúc đẩy hợp tác kinh tế, môi trường và văn hóa với Nga để lái Moscow theo hướng tích cực giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Chỉ vài ngày trước cuộc gặp đó, hôm 15/8, nhóm công tác của Chính phủ Nhật Bản về thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế Nhật-Nga đã có cuộc họp đầu tiên. Nhóm công tác này do Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko lãnh đạo có nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch nhằm thúc đẩy hợp tác Nhật-Nga trong ba lĩnh vực gồm dịch vụ y tế, nông nghiệp và môi trường đô thị.

Hiện tại, Nga đang cần công nghệ và vốn đầu tư của Nhật Bản nhằm giúp phát triển vùng Đông Siberia và Viễn Đông. Bên cạnh đó, doanh thu bán khí tự nhiên của Nga sang châu Âu – khách hàng lớn nhất của Moscow – đang giảm do cuộc cách mạng về việc khai thác khí đá phiến của Mỹ.

Vì vậy, Moscow hy vọng rất nhiều vào việc Nhật Bản sẽ tăng cường nhập khẩu khí thiên nhiên của nước này. Trong bối cảnh đó, cơ hội cho sự hợp tác kinh tế Nhật-Nga là rất lớn. Điều này cũng mở ra những cơ hội cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước./.